Việt Nam đóng vai trò chiến lược trong giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của ASEAN

Việt Nam đóng vai trò chiến lược trong giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của ASEAN
4 giờ trướcBài gốc
PV: Thưa Đại sứ, ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế. Với tư cách là đại diện của Malaysia – một trong những thành viên sáng lập ASEAN, Đại sứ đánh giá như thế nào về những đóng góp của Việt Nam đối với ASEAN trong giai đoạn đầu khi gia nhập?
Đại sứ Malaysia Dato Tan Yang Thai: Khi trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN, Việt Nam đã là động lực chính thúc đẩy ASEAN mở rộng, bao gồm tất cả 10 quốc gia Đông Nam Á vào năm 1999. Dấu ấn đầu tiên của Việt Nam là Kế hoạch Hành động Hà Nội 1998, đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 và dẫn dắt quá trình hoạch định Tầm nhìn ASEAN 2020. Việt Nam cũng là nước hỗ trợ mạnh mẽ việc thành lập các cơ chế mở rộng như ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), góp phần nâng tầm ảnh hưởng toàn cầu, khẳng định vai trò trung tâm của khối và mở rộng quan hệ đối tác đối thoại, phạm vi toàn cầu của ASEAN.
Cũng không thể không nhắc đến những đóng góp tích cực của Việt Nam vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, mà ở đây tôi muốn nhấn mạnh giai đoạn 2005 – 2015, với việc Việt Nam tích cực tham gia xây dựng và thực hiện Hiến chương ASEAN (2008) và hỗ trợ việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Các bạn đồng thời thúc đẩy trật tự khu vực dựa trên luật lệ của ASEAN bằng cách ủng hộ các công cụ pháp lý và các chuẩn mực tuân thủ. Với tư cách là Chủ tịch năm 2010, Việt Nam đã tiên phong trong chương trình nghị sự thực hiện, góp phần thể chế hóa các diễn đàn mới hơn như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+), hiện là một cơ chế an ninh khu vực quan trọng.
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nhân dịp Thủ tướng tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ 2 tại Hà Nội năm 2025. Ảnh: Nhân Dân
PV: Vậy trên cương vị nước Chủ tịch ASEAN 2025, Đại sứ nhìn nhận về vai trò của Việt Nam trong giai đoạn 2015-2025 ra sao, nhất là khi ASEAN đối mặt với đại dịch COVID-19 cũng như các biến động địa chính trị khó lường?
Đại sứ Malaysia Dato Tan Yang Thai: Trong giai đoạn này, Việt Nam cho thấy năng lực quản lý khủng hoảng và lãnh đạo khu vực mạnh mẽ. Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN trực tuyến; kế đến là việc thành lập Quỹ Ứng phó COVID-19 ASEAN và thúc đẩy các biện pháp phục hồi khu vực chung, song song với việc duy trì sự đoàn kết và khả năng phản ứng linh hoạt của ASEAN.
Cần phải nói thêm rằng, Việt Nam đang ngày càng nổi lên như một trong những nền kinh tế năng động nhất của ASEAN, góp phần nâng cao vị thế thương mại toàn cầu của ASEAN; đóng vai trò then chốt trong việc phê chuẩn và thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN và ASEAN+6. Các bạn đã tích cực hỗ trợ các mục tiêu hội nhập kinh tế của ASEAN, bao gồm thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua các sáng kiến như Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) và các khuôn khổ tiểu vùng Mekong.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các hội nghị cấp cao liên quan khai mạc sáng 26/5/2025 tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: VGP
PV: Theo Đại sứ, cam kết của Việt Nam đối với vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN trong 30 năm qua đã được thực hiện như thế nào?
Đại sứ Malaysia Dato Tan Yang Thai: Có thể nói, Việt Nam luôn bảo vệ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc và ngoại giao khu vực. Về Biển Đông, Việt Nam đã góp phần định hình lập trường chung của ASEAN - củng cố giải quyết tranh chấp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế (đặc biệt là UNCLOS 1982) và thúc đẩy chương trình nghị sự của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ trong việc duy trì nguyên tắc không can thiệp, chủ quyền và đồng thuận của ASEAN, đồng thời thúc đẩy hợp tác thực chất.
Trên bình diện văn hóa - xã hội, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào hợp tác văn hóa, giáo dục và thanh thiếu niên của ASEAN, bao gồm việc đăng cai Đại hội Thể thao Học đường ASEAN và quảng bá tiếng Việt, văn hóa Việt Nam thông qua các diễn đàn của ASEAN. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ủng hộ chương trình nghị sự lấy con người làm trung tâm của ASEAN, bao gồm cứu trợ thiên tai, an ninh y tế và các sáng kiến về lao động di cư, nhấn mạnh bình đẳng giới, phát triển nông thôn và phát triển nguồn nhân lực.
Phải khẳng định là trong 30 năm qua, Việt Nam đã phát triển từ một thành viên mới gia nhập thành một thành viên đáng tin cậy, có tính xây dựng và xây dựng sự đồng thuận của ASEAN. Vị thế ngoại giao của Việt Nam ngày càng gia tăng, thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ đối với hòa bình, thịnh vượng và bản sắc chung của khu vực - phù hợp với các mục tiêu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn bên lề hội nghị AMMMTC 18 năm 2024.
PV: Năm 2025 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với ASEAN, khi ASEAN khép lại một thập kỷ nỗ lực xây dựng cộng đồng và bước vào một giai đoạn phát triển mới với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, cùng với hợp tác chiến lược trên các trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và kết nối. Theo Đại sứ, vị thế và vai trò của Việt Nam trong giai đoạn chuyển tiếp quan trọng này của ASEAN là gì?
Đại sứ Malaysia Dato Tan Yang Thai: Việt Nam đóng vai trò chiến lược trong giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của ASEAN (2025–2045), khi khu vực chuyển từ việc hoàn thành kế hoạch tổng thể Cộng đồng ASEAN 2025 sang hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 dài hạn, hình thành một ASEAN kiên cường, đổi mới, năng động và lấy người dân làm trung tâm. Những đóng góp của Việt Nam bao trùm cả ba trụ cột của ASEAN: chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.
Thứ nhất, Việt Nam luôn bảo vệ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tích cực thúc đẩy lập trường chung của ASEAN về an ninh hàng hải, ủng hộ UNCLOS 1982 và thúc đẩy COC thực chất. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch năm 2020, Việt Nam đã thể hiện sự phối hợp hiệu quả trong lĩnh vực an ninh y tế và tiếp tục đóng góp vào các phản ứng của khu vực về tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng và đối thoại quốc phòng thông qua ADMM+.
Thứ hai, Việt Nam ủng hộ tự do hóa thương mại và thực hiện RCEP, đồng thời thúc đẩy các khuôn khổ phục hồi kinh tế ASEAN. Việt Nam là quốc gia ủng hộ chính của Hiệp định Khung Kinh tế Số ASEAN (DEFA) và thúc đẩy hỗ trợ khu vực cho MSME, đặc biệt là các giải pháp thương mại điện tử xuyên biên giới và công nghệ tài chính. Việt Nam tham gia hợp tác năng lượng ASEAN và hỗ trợ các khuôn khổ đầu tư bền vững phù hợp với Thỏa thuận Xanh ASEAN đang được triển khai.
Thứ ba, Việt Nam hỗ trợ đào tạo kỹ thuật, TVET và trao đổi thanh niên nội khối ASEAN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và chuyển giao kỹ năng trong khu vực. Thông qua việc tham gia Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) và các khuôn khổ hợp tác Mekong, Việt Nam góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển. Việt Nam thúc đẩy nhận thức về ASEAN, sự đa dạng văn hóa và gắn kết xã hội thông qua giáo dục, ngôn ngữ và sự tham gia của xã hội dân sự.
Khi ASEAN đang dần bước sang chương mới, Việt Nam nổi bật với vai trò là cầu nối đáng tin cậy, nhà đổi mới chính sách và nhân tố ổn định khu vực. Sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Việt Nam, kết hợp cùng chính sách ngoại giao có nguyên tắc và các chính sách hướng đến người dân, sẽ đóng vai trò then chốt trong việc định hình một ASEAN thực sự kiên cường, năng động và bao trùm vào năm 2045.
Ngài Dato’ Tan Yang Thai – Đại sứ Malaysia tại Việt Nam trả lời phỏng vấn.
PV: Nhìn về tương lai, Đại sứ hình dung như thế nào về sự phát triển của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Malaysia - Việt Nam và làm thế nào để quan hệ này đóng góp hiệu quả hơn vào việc hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045?
Đại sứ Malaysia Dato Tan Yang Thai: Tôi tin rằng, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Malaysia - Việt Nam là một trong những động lực thúc đẩy cho Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Những hoạt động triển khai song phương như thương mại, năng lượng xanh, chuỗi cung ứng halal… đều có thể được mở rộng. Bằng cách đồng bộ hóa chiều sâu thị trường của Malaysia với động lực sản xuất của Việt Nam, chúng ta đang đóng góp vào việc tạo ra một hành lang chuỗi cung ứng, củng cố mục tiêu của ASEAN về một nền kinh tế số và xanh vào năm 2045.
Ngoài ra, các điều khoản về năng lượng xanh và phát triển chung trao cho Malaysia và Việt Nam cơ sở hợp tác trong các dự án biến nguồn dự trữ điện gió ngoài khơi khổng lồ của Việt Nam thành các dòng điện chạy qua lưới điện của Malaysia, mà mở rộng ra là mạng lưới điện ASEAN. Do đó, Malaysia - Việt Nam có thể giúp ASEAN đạt được các cột mốc về năng lượng tái tạo và kết nối theo Tầm nhìn Cộng đồng 2045. Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh hợp tác song phương trong giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa Malaysia và Việt Nam sẽ giúp góp phần hướng tới tăng trưởng bao trùm.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
S.Thương – L.Chi
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/viet-nam-dong-vai-tro-chien-luoc-trong-giai-doan-chuyen-tiep-quan-trong-cua-asean-i776164/