Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.
Chiều 7/1, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết mạng lưới hiến mô, tạng từ người chết não 2024 và định hướng phát triển 2025 tại Bệnh viện Phổi trung ương.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, năm 2024, Việt Nam có tổng số 41 ca chết não gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng. Con số này chiếm 13% trong tổng số ca ghép tạng. Đây được coi là kỷ lục về ca hiến tạng tại Việt Nam từ trước tới nay.
Bên cạnh đó, trong năm qua, hàng chục chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người cũng ra đời. Không chỉ ở các cơ sở y tế công lập, mà các cơ sở y tế tư nhân cũng tham gia mạnh mẽ. Số lượng người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết đã cao gấp nhiều lần tổng số người đăng ký những năm trước đó.
Nhờ nguồn tạng hiến tặng, năm 2024, chuyên ngành ghép tạng cũng đã ghi dấu ấn mạnh mẽ khi được vinh danh là một trong những sự kiện tiêu biểu của y học Việt Nam.
Việt Nam đã thực hiện thành công các ca ghép tim - gan đồng thời đầu tiên tại Việt Nam; thực hiện ca ghép khí quản từ người cho chết não (là kỹ thuật hiếm gặp không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới).
Việt Nam đã thực hiện thành công 3 ca ghép phổi trong năm 2024, nâng tổng số ca ghép phổi lên 12 ca kể từ khi ca đầu tiên được thực hiện vào năm 2017.
Thành tựu trên là thành công lớn của công tác tư vấn với những gia đình có người chết não đồng ý hiến tạng. Trong số này, riêng tại Bệnh viện Việt Đức đã tư vấn thành công 18 ca, Bệnh viện Phú Thọ có 5 ca, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có 2 ca, bệnh viện Chợ Rẫy 2 ca…
Với tốc độ như hiện nay, nhất là số lượng như tại Bệnh viện Việt Đức, chỉ vài năm nữa con số tỷ lệ ca chết não hiến tạng của Việt Nam sẽ đuổi kịp Hàn Quốc - quốc gia có tốc độ gia tăng số ca hiến tạng rất nhanh.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đánh giá, với tinh thần vươn lên làm chủ kỹ thuật cao của ngành y tế, thành tựu về hiến - ghép tạng trong năm qua là kết quả của sự nỗ lực rất lớn. Trong đó, có việc thành lập các đơn vị tư vấn hiến tạng, hoạt động tích cực tại các bệnh viện.
"Nhiều bệnh viện đã thành lập chi hội hiến mô-tạng. Chúng ta đã có sự liên kết rất tốt giữa các bệnh viện trong các khâu hiến và ghép tạng. Đây là sự dám nghĩ dám làm, trong khi điều kiện hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, ngành y đã làm được với tốc độ rất cao. Chưa bao giờ Việt Nam có được thành tích liên tục như vậy. Tương lai Việt Nam sẽ đuổi kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới về kỹ thuật ghép tạng và tỷ lệ hiến tạng từ người cho chết não", PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định.
PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, cho biết, trong 3 năm (2021, 2022, 2023) cả nước có 36 ca hiến tạng từ người cho chết não. Trong năm 2024, cả nước đã có 41 người hiến tạng chết não.
Số ca ghép tạng từ người cho chết não đã tăng 173% so với năm 2023. Bên cạnh đó, số lượng người đăng ký hiến mô tạng sau khi chết/chết não đã tăng gấp 3 lần.
"Nếu với tốc độ tăng như hiện nay, chỉ trong 3 năm nữa Việt Nam sẽ có số ca hiến tạng từ người cho chết não bằng với Hàn Quốc", PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết.
Vân Huyền