Trong các ngày 20/5 và 21/5, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức phiên thảo luận mở cấp cao về chủ đề “Tăng cường an ninh biển thông qua hợp tác quốc tế vì ổn định toàn cầu”. Cuộc họp do Thủ tướng Hy Lạp chủ trì, với sự tham gia của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, Lãnh đạo cấp cao nhiều nước cùng đông đảo đại diện các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc phát biểu
Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres quan ngại về tình trạng bất ổn tại nhiều khu vực; nhấn mạnh an ninh trên các đại dương đang bị đe dọa bởi nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, từ cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia, tranh chấp biển đến các cuộc tấn công mạng, phá hoại cơ sở hạ tầng ngầm dưới biển và gia tăng căng thẳng địa chính trị.
Nhiều vụ tấn công tàu biển cùng các loại hình buôn lậu, khủng bố, hoạt động bất hợp pháp tiếp tục diễn ra ở các khu vực Biển Đỏ, Vịnh Aden, Địa Trung Hải, Vịnh Guinea và nhiều nơi trên thế giới.
Tổng Thư ký kêu gọi cộng đồng quốc tế đẩy mạnh hành động chung trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) nhằm giải quyết tận gốc các nguyên nhân tác động đến an ninh biển và xây dựng quan hệ đối tác ở mọi cấp độ.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc chia sẻ các ý kiến, khẳng định ủng hộ mạnh mẽ lời kêu gọi của Tổng Thư ký, đồng thời, đề xuất một số định hướng cần chú trọng trong ứng phó với các thách thức an ninh biển hiện nay, trong đó: cần tăng cường hợp tác thực chất giữa các quốc gia, nhất là thúc đẩy tuần tra chung tại các khu vực còn nhiều bất ổn, đầu tư vào công nghệ giám sát, chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nước đang phát triển.
Tiếp tục củng cố cơ chế điều phối, phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan Liên Hợp Quốc cũng như với các cơ chế khu vực trong triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, tự do và an ninh hàng hải, trong đó Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là cơ quan chịu trách nhiệm hàng đầu về bảo đảm hòa bình và an ninh quốc tế nói chung và các biện pháp tăng cường an ninh biển nói riêng. Bên cạnh đó, các quốc gia cần tiếp tục cập nhật, củng cố thêm các khuôn khổ pháp lý hiện nay nhằm ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức mới nổi về an ninh biển.
Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam khẳng định UNCLOS là khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh mọi hoạt động trên biển; mọi chính sách, quy định và ứng xử của các quốc gia trên biển cần phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS.
Đại sứ kêu gọi các nước tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ theo Công ước, tôn trọng chủ quyền, lợi ích và các hoạt động kinh tế chính đáng của các quốc gia ven biển, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, bảo đảm tự do, an toàn và an ninh hàng hải và hàng không, không tiến hành hành động làm phức tạp tình hình.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang tái khẳng định, là quốc gia ven biển, Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực và sáng kiến thúc đẩy an ninh và an toàn hàng hải. Do đó, Việt Nam đã tích cực hợp tác với các nước và đối tác trong và ngoài khu vực trong phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh ở Biển Đông.
Việt Nam đóng góp tích cực và thực chất tại các cơ chế, diễn đàn khu vực do ASEAN dẫn dắt, đồng thời, duy trì đều đặn các hoạt động tuần tra chung, kênh trao đổi thông tin với các nước láng giềng như Trung Quốc, Philippines, Malaysia, qua đó, đẩy mạnh hợp tác thực thi pháp luật và ứng phó với tình huống khẩn cấp trên biển.
Việt Nam tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiếp tục cùng các nước đẩy mạnh đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển đông (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Phiên thảo luận cho thấy sự đồng thuận rộng rãi giữa các nước về tính cấp thiết cần đẩy nhanh hành động tập thể nhằm bảo vệ không gian biển chung, bảo đảm an toàn và bền vững cho các hoạt động trên biển - một yếu tố ngày càng then chốt đối với phát triển kinh tế, hòa bình và ổn định trên phạm vi toàn cầu.
Phạm Huân/VOV-Washington