PGS TS. Tsengellkham Byambaa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học, Viện Nghiên cứu Quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học Mông Cổ (MAS) là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam và quan hệ Việt Nam- Mông Cổ.
PGS TS. Tsengellkham Byambaa
Mối lương duyên của chị với Việt Nam, nơi chị coi là quê hương thứ hai, bắt đầu từ năm 1997, khi cô gái trẻ Tsengellkham Byambaa được Chính phủ Việt Nam cấp học bổng theo Hiệp định hợp tác giáo dục giữa hai nước và sang Việt Nam học. Năm 2002, chị tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ thông tin ĐH Quốc gia Hà Nội. Kể từ đó, dù ở đâu, một phần Việt Nam vẫn luôn hiện diện trong trái tim chị.
Dưới đây là câu chuyện của chị về tình yêu với Việt Nam.
Việt Nam- khoảng thời gian tuyệt đẹp trong ký ức thanh xuân của tôi
Năm 2002, được sang Việt Nam học, cảm xúc lúc đó trong tôi vừa bồi hồi, vừa háo hức, khi được đến một đất nước anh hùng mà tôi mới chỉ biết qua sách vở. Ban đầu, cũng nhiều bỡ ngỡ vì phải xa nhà, đến một môi trường có thời tiết khác biệt, học tiếng Việt rất khó, lại còn chưa cả biết đi xe đạp… Tôi được bạn bè giúp đỡ rất nhiều, thích nghi dần với những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, bắt đầu học hỏi được những kiến thức, kỹ năng mới, có nhiều trải nghiệm và kỷ niệm đẹp với những người bạn Việt Nam.
Thời đó, tôi là học sinh nước ngoài duy nhất học chuyên ngành công nghệ thông tin cùng lớp với 123 học sinh Việt Nam. Đây là một ngành mới, khi thi vào tỷ lệ “chọi” rất cao. Trong lớp chỉ có 24 bạn nữ, còn lại là nam. Vì trước đó, tôi đã học đại học ở Mông Cổ 2 năm và học tiếng Việt 1 năm khi sang Hà Nội nên khi vào đại học, tôi lớn hơn các bạn cùng lớp 2-3 tuổi, thường được gọi là “chị”. Các bạn giúp tôi rất nhiều, đến nay, tôi vẫn giữ liên lạc và thường xuyên liên hệ với họ.
Đó thực sự là khoảng thời gian tuyệt đẹp trong tuổi thanh xuân của tôi, và đã bồi đắp cho tôi tình yêu Việt Nam cháy bỏng.
Cách đây 2 năm, tôi đã đưa mẹ mình từ Mông Cổ đến Hà Nội để tham gia buổi họp mặt kỷ niệm 20 năm tốt nghiệp đại học. Tôi đã rất hạnh phúc khi giới thiệu mẹ mình với những người bạn thân thiết và được ôn lại những kỷ niệm đẹp thời sinh viên cùng bạn bè. Trong số các bạn cùng lớp, có rất nhiều người giống như anh chị em ruột của tôi: em Hải, em Uyên, em Trung, em Mai, em Thắng… và cả em Đan, chơi với nhau từ khi học bên Trường đại học Tokyo, năm 2010, người em gái này đã truyền cảm hứng và dạy tôi nấu rất nhiều món ăn cổ truyền của Việt Nam.
Tôi có rất nhiều bạn bè thân thiết người Việt Nam
Sau này, khi học xong và quay trở lại Mông Cổ để làm việc nhưng tôi đã có rất nhiều chuyến thăm, công tác và làm việc tai Việt Nam, đã có thêm rất nhiều những người anh, người chị, người em mà tôi coi như gia đình mình. Kể từ đó đến nay, tình yêu Việt Nam trong tôi càng sâu đậm. Việt Nam từ bao giờ đã trở thành quê hương thứ hai trong trái tim tôi.
Và cũng có một lý do khác khiến tôi yêu Việt Nam như vậy, chính là… ẩm thực của Việt Nam. Nem, phở, bún chả, thịt kho... và các loại trái cây Việt Nam đều rất hấp dẫn. Là một người thích nấu ăn, tôi thích tìm hiểu cách nấu những món ăn Việt Nam, nấu cho những người thân yêu của mình thưởng thức. Đến nay, các món ăn Việt Nam vẫn luôn hiện diện và là một phần quan trọng không thể thiếu trong căn bếp nhỏ của gia đình tôi.
Năm 1998, tôi có cơ duyên gặp hai chị em người Việt Nam muốn học tiếng Mông Cổ. Sau đó, họ mời tôi về nhà chơi. Lâu dần tôi đã được coi như một người con trong gia đình, được nhận làm con gái nuôi. Bố nuôi tôi sinh năm 1952, mẹ sinh năm 1956, nhà có 2 em gái và 1 em trai. Cha mẹ người Việt của tôi là những người rất tốt. Em gái nuôi của tôi đã sang Mông Cổ sinh sống sau khi kết hôn với người chồng Việt ở Mông Cổ. 26 năm qua, chúng tôi vẫn yêu thương, chăm sóc nhau. Cha mẹ nuôi tôi đã thăm Mông Cổ rất nhiều lần, thăm chị em tôi và đi du lịch. Tôi thực sự hạnh phúc và biết ơn gia đình Việt Nam của mình rất nhiều.
Trở thành nhà nghiên cứu Việt Nam học
Năm 2007, tôi bắt đầu công việc của mình tại Viện Nghiên cứu Quốc tế, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Mông Cổ. Kể từ đó đến nay, tình yêu Việt Nam trong tôi càng sâu đậm. Tôi đã có rất nhiều chuyến thăm, công tác và làm việc tại Việt Nam, đã có thêm rất nhiều những người anh, người chị mà tôi coi như gia đình mình như chị Lan, chị Hương, chị Trang, anh Hà, anh Nhi, anh Minh, anh Thái, anh Thịnh, anh Đường…
Là một chuyên gia nghiên cứu về quan hệ hai nước, tôi nhận thấy Việt Nam và Mông Cổ là hai quốc gia đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ rất sớm và sự phát triển của mối quan hệ này còn rất nhiều dư địa, sẽ giúp hai nước không ngừng bổ trợ lẫn nhau, cùng nhau hợp tác phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thứ nhất, quan hệ Việt Nam - Mông Cổ đã hình thành từ rất sớm, thế kỷ 13 và đến năm1954, hai nước chính thức thiết lập mối quan hệ ngoại giao. Mông Cổ là một trong những nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Việt Nam cũng là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Mông Cổ thiết lập mối quan hệ ngoại giao. Có thể nói, Mông Cổ luôn coi Việt Nam là đối tác chính, quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại với các nước trong khu vực Đông Nam Á, là cửa ngõ quan trọng trong việc giúp Mông Cổ tiếp cận sâu hơn với thị trường rộng lớn của các nước khu vực Đông Nam Á.
Quan hệ giữa Việt Nam - Mông Cổ cũng đặc trưng bởi tình hữu nghị chân thành giữa nhân dân hai nước. Cả hai quốc gia đều có truyền thống luôn hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, quá trình trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao hai nước diễn ra thường xuyên càng làm củng cố thêm lòng tin và sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, là nền tảng cho mọi hợp tác của hai nước trên các lĩnh vực.
Trong những năm gần đây, hình ảnh, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Mông Cổ đặc biệt ấn tượng với độ mở của nền kinh tế và những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ của Việt Nam. Dư địa hợp tác phát triển giữa hai nước còn rất lớn. Đến năm 2023, kim ngạch thương mại hai nước mới đạt hơn 120 triệu USD, hợp tác trên các lĩnh vực từ công nghiệp như khai thác mỏ, năng lượng, cơ sở hạ tầng đến các lĩnh vực chế biến như nguyên liệu chăn nuôi, các mặt hàng nông sản. Hai nước cũng thường xuyên duy trì cơ chế họp Ủy ban liên chính phủ về thương mại, kinh tế và khoa học kỹ thuật, và đã tổ chức được 18 kỳ họp.
Trong thời gian tới, hai nước cần tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng hóa của hai nước được tăng cường trao đổi trên cơ sở có đi có lại, vì cơ cấu xuất nhập khẩu hai nước không cạnh tranh và có tính bổ sung cho nhau, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy hải sản từ Việt Nam hay khoáng sản, len, dạ từ Mông Cổ. Hai nước cần thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp hai bên tham gia và tận dụng khai thác tiềm năng hợp tác du lịch giữa hai nước, đặc biệt sắp tới, đường bay thẳng từ TP.HCM đi Ulaanbaatar sẽ chính thức khai trương với tần suất 2-3 chuyến/tuần sẽ được kì vọng thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của các doanh nghiệp lữ hành, tăng cường trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ bền chặt giữa Mông Cổ và Việt Nam.
TS. Tsengellkham Byambaa là tác giả của những cuốn sách, công trình nghiên cứu về quan hệ Mông Cổ- Việt Nam, như: “Quan hệ chính trị của Mông Cổ và Việt Nam” (Ulaanbaatar, 2024), “Quan hệ đối ngoại giữa Đế quốc Mông Cổ và Đại Việt” (Ulaanbaatar, 2022), “Ý nghĩa và tác động của quan hệ song phương Mông Cổ và Việt Nam đối với hợp tác khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” (Luận án tiến sĩ, Đại học Quốc gia Mông Cổ, 2016) “Sự ủng hộ và ý nghĩa của quan hệ Mông Cổ và Việt Nam đối với việc Mông Cổ tiếp cận APEC” (Ulaanbaatar, 2016), “Quan hệ và hợp tác Mông Cổ - ASEAN, và Việt Nam” (Ulaanbaatar, 2009)…
Thúy Hoa/VOV (ghi)