Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh (phải); Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn (giữa); Thượng tá Phạm Hoàng Hồng Chuyên, Phó trưởng phòng, Cục Quản lý XNC, Bộ Công an
Một trong những chính sách được Chính phủ đặc biệt quan tâm hiện nay là miễn visa cho du khách quốc tế. Đây là “chìa khóa” để mở rộng thị trường và gia tăng nội lực ngành công nghiệp không khói.
Visa - từ “thủ tục kỹ thuật” trở thành chiến lược quốc gia
Ngày 24.4 tại TP.HCM, Báo Thanh Niên tổ chức Hội thảo Việt Nam nên miễn visa cho du khách nào? với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp lữ hành và lãnh đạo ngành du lịch.
Đây không chỉ là diễn đàn trao đổi chuyên môn, mà còn là nơi góp tiếng nói thực tiễn để hoàn thiện chính sách quốc gia đúng thời điểm Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành báo cáo đề xuất visa mới ngay trong tháng 4.2025.
Visa vốn là công cụ kỹ thuật giờ đây đã trở thành nội dung chiến lược trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ VHTTDL phối hợp đề xuất cơ chế miễn visa đơn phương, song phương, visa ngắn hạn cho các thị trường tiềm năng và các nhóm đối tượng đặc thù như: Nhà khoa học, nhà đầu tư, nghệ sĩ, vận động viên, đạo diễn, chuyên gia, phóng viên quốc tế…
Đặc biệt, Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu các chính sách visa thuận lợi tại khu vực biên giới, kết nối với các sự kiện ngoại giao, văn hóa, thể thao, du lịch; mở ra các cơ hội hợp tác đa lĩnh vực và đa tầng nấc.
Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn phát biểu đề dẫn
Mở rộng visa, mở rộng cơ hội phục hồi kinh tế
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn nhấn mạnh: “Du lịch phải bứt lên để chia lửa cho xuất khẩu”.
Trong bối cảnh các ngành hàng chủ lực đang chịu sức ép từ thuế đối ứng của Mỹ, việc nới lỏng visa là biện pháp ít tốn kém nhưng hiệu quả cao, vừa tạo dòng thu ngoại tệ, vừa kích hoạt hệ sinh thái dịch vụ nội địa.
Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể sau Hội thảo “Mở visa - phục hồi du lịch” năm 2023, với chính sách e-visa toàn cầu từ tháng 8.2023, thời hạn lên tới 90 ngày, nhập cảnh nhiều lần.
Tuy nhiên, so với các quốc gia cạnh tranh trong khu vực, Việt Nam vẫn ở mức “thận trọng”: Thái Lan miễn thị thực cho 93 nước và vùng lãnh thổ, Indonesia 169, Malaysia 166, Philippines 157 và Singapore 158.
Với những con số ấy, Việt Nam buộc phải đặt câu hỏi ngược lại: nếu không cải thiện chính sách visa, làm sao cạnh tranh về thị trường khách?
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh thừa nhận chính sách visa là yếu tố quan trọng để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam
Tăng trưởng mạnh nhưng vẫn thiếu “cú hích” chính sách
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhìn nhận: “Chính sách visa là yếu tố quan trọng nhưng không phải yếu tố quyết định duy nhất”.
Tuy nhiên, trong tổng thể một chiến lược đồng bộ, visa lại là điểm “dễ cải tiến - khó thay thế” và có sức lan tỏa nhanh đến lượng khách.
Trong khu vực ASEAN và các nước láng giềng, các nước là điểm đến cạnh tranh với du lịch Việt Nam có chính sách thị thực nhập cảnh thuận lợi.
3 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế. Đây là mức cao nhất từ trước tới nay và vượt cả giai đoạn trước đại dịch.
Thị thực điện tử và miễn visa đơn phương cho các nước như Ba Lan, Czech, Thụy Sĩ đã chứng minh tác dụng rõ ràng: Khách từ các nước này đến Việt Nam dễ dàng và không cần qua công ty du lịch. Đó là trải nghiệm thân thiện mà ngành du lịch hướng tới.
Trước mắt, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ Ngoại giao, Bộ Công an đề xuất chính sách miễn thị thực ngắn hạn đối với công dân các nước tiềm năng, trọng tâm trọng điểm là ASEAN, Đông Bắc Á, châu Á, Tây Âu, Bắc Mỹ...
Những quốc gia có ngoại giao, quan hệ truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện ở Đông Âu. Những thị trường đã có đường bay trực tiếp hoặc có kế hoạch mở đường bay. Tập trung vào những thị trường như Trung Đông có tiềm năng rất cao đi với gia đình, với đoàn, ở dài ngày và chi trả cao.
Những đối tượng có chính sách thị thực ưu tiên ưu đãi thuộc quản lý của Bộ như: Vận động viên đạt huy chương tại Olympic, Paralympic, ASIAD, Asian Paragames đến Việt Nam du lịch.
Chuyên gia, huấn luyện viên được mời vào Việt Nam huấn luyện cho các đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia. Các đội bóng đá quốc tế vào Việt Nam thi đấu tại các giải tổ chức tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực văn hóa, các đạo diễn, nhà sản xuất có dự án phim được thực hiện tại Việt Nam; các nhà báo, phóng viên nước ngoài đạt giải thưởng báo chí quốc tế lớn (ví dụ giải thưởng Pulitzer); thành viên thuộc các đoàn làm phim nước ngoài tham gia sản xuất phim tại Việt Nam; nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công nổi tiếng trong xã hội tham gia biểu diễn, giao lưu nghệ thuật hoặc làm giám khảo trong các sự kiện quốc tế tại Việt Nam; đại sứ du lịch Việt Nam tại các nước... cũng sẽ được ưu đãi về thị thực.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, về lộ trình lâu dài, Bộ tiếp tục đề xuất kiến nghị các bộ ngành liên quan xem xét đề xuất Chính phủ việc mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương và song phương đối với các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam và các nước có quan hệ hữu nghị, truyền thống với Việt Nam.
Du lịch là ngành có tốc độ hồi phục và lan tỏa nhanh nhất trong nền kinh tế dịch vụ
Du lịch - “vùng an toàn” trong cơn bão thương mại
TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế Ứng dụng phân tích: “Trong bối cảnh tăng trưởng GDP quý I.2025 đạt 6,93%, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,22% và xuất nhập khẩu tiếp tục phục hồi, thì du lịch nổi lên như một lĩnh vực ít bị ảnh hưởng từ các biến động thương mại toàn cầu”.
Ông cho rằng: “Ngành du lịch Việt Nam không bị tác động từ chiến tranh thương mại trong năm 2025. Trong khi các ngành công nghiệp có thể phải tái cấu trúc, thì du lịch hoàn toàn có thể lập kỷ lục mới về lượng khách quốc tế đến.”
Dù dòng vốn FDI có xu hướng rút khỏi châu Á trong ngắn hạn, ông Hiển tin rằng nội lực tiêu dùng nội địa, tốc độ đô thị hóa và công nghệ sẽ giữ đà tăng trưởng cho Việt Nam.
Trong bức tranh ấy, du lịch không chỉ là “bàn tay nối dài” của văn hóa, ngoại giao mà còn là ngành có tốc độ hồi phục và lan tỏa nhanh nhất trong nền kinh tế dịch vụ.
Hội thảo Việt Nam nên miễn visa cho du khách nào? không chỉ đặt ra câu hỏi chính sách mà còn là lời kêu gọi hành động. Việc cải thiện chính sách visa không thể tách rời khỏi chiến lược tổng thể về phát triển du lịch quốc gia trong thời kỳ cạnh tranh toàn cầu khốc liệt.
Một chính sách visa cởi mở, linh hoạt, ưu tiên các thị trường và đối tượng chiến lược sẽ là “cú hích” để Việt Nam khai phá tiềm năng “xuất khẩu tại chỗ”, mở rộng không gian du lịch chất lượng cao và đóng góp thực chất vào tăng trưởng kinh tế quốc gia.
CẨM TÚ