Việt Nam sẽ tiến hành phiên đàm phán đầu tiên với Mỹ vào ngày 7/5

Việt Nam sẽ tiến hành phiên đàm phán đầu tiên với Mỹ vào ngày 7/5
8 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong những tháng đầu năm, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó khăn, đặc biệt là việc Mỹ bất ngờ tuyên bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao, trên diện rộng, trong đó có Việt Nam, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đe dọa chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại, đầu tư quốc tế.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng; làm việc với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp lớn xuất khẩu sang Mỹ.
Sau khi Mỹ công bố lùi thời gian áp thuế đối ứng và thống nhất khởi động đàm phán với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ do Bộ trưởng Công Thương làm Trưởng đoàn và chỉ đạo xây dựng phương án đàm phán.
Việt Nam đã bắt đầu đàm phán và thuộc nhóm 6 nước được Mỹ ưu tiên đàm phán (gồm Anh, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia) trong hơn 100 nền kinh tế.
"Việt Nam là một trong những nước Mỹ đầu tiên đàm phán, ngày 7/5 tới đây sẽ tiến hành phiên đàm phán đầu tiên," Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết. Ông cũng thông tin rằng hiện các cơ quan phụ trách vẫn đang khẩn trương đàm phán với Mỹ trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Về tình hình kinh tế những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng cho biết, tăng trưởng GDP quý 1/2025 ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2025; nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số.
Thu ngân sách Nhà nước trong 4 tháng đầu năm đạt trên 944.000 tỷ đồng, bằng 48% dự toán năm và tăng 26,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 275 tỷ USD, tăng 15%, xuất siêu trên 5 tỷ USD. Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2025 cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Công tác phòng, chống lãng phí được đặc biệt quan tâm và đạt kết quả tích cực, nhất là việc xử lý các công trình, dự án tồn đọng, kéo dài gây thất thoát, lãng phí nguồn lực.
"Chính phủ đã hoàn thành rà soát, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 235 tỷ USD và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347.000 ha," Thủ tướng Chính phủ cho biết.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Ảnh: quochoi.vn.
Nhận diện bối cảnh của nền kinh tế, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, thời gian tới, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỷ giá và kiểm soát lạm phát. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là phát triển doanh nghiệp.
Trong khi đó, xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào FDI và chịu ảnh hưởng bất lợi do chính sách thuế quan mới của Mỹ. Thị trường bất động sản phục hồi còn chậm và vẫn tiềm ẩn rủi ro.
"Tình hình khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Song, đây cũng là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất, sản phẩm và xuất khẩu với quyết tâm tăng tốc, bứt phá, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025," Thủ tướng nêu rõ.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc), GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Trong đó, theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước trên 15%. Điều chỉnh bội chi ngân sách Nhà nước lên mức 4 - 4,5% GDP trong trường hợp cần thiết và tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng trên 16%.
Trong năm 2025, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính.
Tổng kết các cơ chế, chính sách đặc thù, mô hình thí điểm để luật hóa gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng, nhất là các cơ chế, chính sách Quốc hội cho phép áp dụng tại 10 địa phương và đã phát huy hiệu quả. Xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế biên giới, khu thương mại tự do, khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các đặc khu kinh tế mới...
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính. Triển khai hiệu quả các phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã được phê duyệt. Tháo gỡ các điểm nghẽn, phát triển các thị trường bất động sản, thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch, bền vững; phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là ngành trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chíp bán dẫn, xây dựng và vận hành đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân…
Phấn đấu năm 2025 hoàn thành mục tiêu cả nước có trên 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 và các dự án quan trọng, động lực khác; phấn đấu đến cuối năm 2025 thông tuyến đường bộ cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau.
Kiều Chinh
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/viet-nam-se-tien-hanh-phien-dam-phan-dau-tien-voi-my-vao-ngay-75-41117.html