Việt Nam trước 'cơ hội vàng' để tham gia và định vị trong chuỗi trung tâm tài chính toàn cầu

Việt Nam trước 'cơ hội vàng' để tham gia và định vị trong chuỗi trung tâm tài chính toàn cầu
2 ngày trướcBài gốc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng (bên phải) nghe thảo luận của các chuyên gia liên quan đến chủ đề "Xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam".
Chiều ngày 28/3 tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng và Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được đã chủ trì Hội nghị “Xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam”. Tham dự Hội nghị có gần 400 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các đại sứ quán, các định chế tài chính, quỹ đầu tư, công ty tư vấn, và các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế.
Bốn lý do xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, việc Trung ương lựa chọn TP. Hồ Chí Minh để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế vừa là niềm vinh dự lớn, vừa là trọng trách nặng nề mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố sẽ nỗ lực hết mình để thực hiện thành công. Trung tâm tài chính không chỉ là nơi hội tụ dòng vốn lớn, mà còn là động lực chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao, nâng cao năng lực quản trị, gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập của quốc gia. Đây là cơ hội để nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực, mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, phát triển hạ tầng, và khẳng định vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính - thương mại toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Văn Được, TP. Hồ Chí Minh là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đảm nhận vai trò đầu tàu trong chiến lược này, bởi có 4 lý do sau đây:
Thứ nhất, TP. Hồ Chí Minh sở hữu nền tảng kinh tế năng động và hội nhập quốc tế sâu rộng. Thành phố đóng góp khoảng 15,5% GDP cả nước, chiếm hơn 25,3% tổng thu ngân sách quốc gia và gần 11,3% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đây là trung tâm thương mại - dịch vụ - tài chính lớn nhất Việt Nam, nơi đặt trụ sở của nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Thứ hai, những thiết chế cơ bản cho thị trường tài chính hiện đại của Thành phố (bao gồm thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các trung tâm thanh toán, hạ tầng ngân hàng số và các ứng dụng tài chính công nghệ) đã được vận hành một cách bài bản. Gần đây nhất, Việt Nam đã nghiên cứu đề xuất áp dụng cơ chế Sandbox, thí điểm triển khai các hoạt động fintech và các sáng kiến chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi cho các quỹ đầu tư tiếp cận và ươm mầm cho các dự án công nghệ đổi mới sáng tạo mang tính đột phá.
Thứ ba, Thành phố có vị trí địa lý chiến lược đặc biệt quan trọng, đồng thời thị trường tài chính của Thành phố đã có những kết nối chặt chẽ với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Thượng Hải (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản)... thông qua các hoạt động đầu tư và thương mại. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành (trong tương lai), cùng các cảng biển lớn xung quanh là điều kiện thuận lợi để phát triển hệ sinh thái tài chính toàn cầu.
Thứ tư, quyết tâm chính trị và định hướng chiến lược rõ ràng, mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương, xác định phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm tài chính quốc tế. Song song đó, Thành phố luôn tích cực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ rào cản pháp lý, đồng thời phát triển hạ tầng số, công nghệ tài chính nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị.
Cơ hội vàng cho Việt Nam
Phát biểu dẫn đề và định hướng Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, thế giới đang trải qua một giai đoạn nhiều biến động: cạnh tranh địa chính trị, biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang, cạnh tranh thương mại, khủng hoảng chuỗi cung ứng; sự phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ, chuyển đổi số…, khiến trật tự tài chính - đầu tư toàn cầu không ngừng dịch chuyển. Trong bối cảnh đó, các trung tâm tài chính cũng đang trải qua quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ, không chỉ là nơi đơn thuần cung cấp dịch vụ vốn, mà đã chuyển thành nơi hội tụ đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ tài chính fintech và các sản phẩm tài chính đặc thù (tài chính xanh, quỹ đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...).
Tại châu Á – khu vực phát triển năng động nhất thế giới hiện nay – đã xuất hiện và hình thành các trung tâm tài chính mới như Mumbai, Kuala Lumpur, Jakarta. Việt Nam – với vị trí địa chính trị quan trọng, kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện – đang đứng trước "cơ hội vàng" để tham gia và định vị vai trò, vị trí của mình trong chuỗi trung tâm tài chính toàn cầu.
Theo đó, Việt Nam được ghi nhận là điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới. Năm 2024, GDP đạt 7,09%, thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát dưới 4%; xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 786,29 tỷ USD; thu hút FDI hơn 38 tỷ USD – thuộc top 15 quốc gia hấp dẫn FDI nhất toàn cầu... Việt Nam cũng có một số lợi thế đặc thù để hình thành Trung tâm tài chính như: vị trí chiến lược quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, tâm điểm của khu vực Đông Nam Á; múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu, thuận lợi thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch; là một trong những thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng các công nghệ tài chính tương lai.
Hội nghị thu hút gần 400 đại biểu, trong đó có 150 đại biểu quốc tế từ các đại sứ quán, tổ chức tài chính và quỹ đầu tư hàng đầu thế giới.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, những năm gần đây, TP. Hồ Chí Minh được đưa vào xếp hạng trong danh sách chính thức các trung tâm tài chính mới nổi toàn cầu; trong khi đó, TP. Đà Nẵng cũng đang nổi lên là một trung tâm công nghệ – tài chính cấp vùng tiềm năng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, 2025 được coi là năm bản lề của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, năm cuối của Kế hoạch 2021–2025, đồng thời là bước đệm chiến lược cho giai đoạn tăng tốc 2026–2030, hướng tới mục tiêu trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Để đạt mục tiêu đó, Việt Nam xác định Trung tâm tài chính là một trong những mũi nhọn chiến lược, là đột phá thể chế mang tầm quốc gia, giúp Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, huy động, phân bổ và nâng cao hiệu quả dụng nguồn lực, qua đó tăng sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu hơn vào hệ thống tài chính toàn cầu. Xây dựng Trung tâm tài chính không phải của riêng TP. Hồ Chí Minh hay TP. Đà Nẵng mà “Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, triển khai quyết liệt, đồng bộ và đổi mới mạnh mẽ để bứt phá” như chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 47-TB/TW về xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Bộ trưởng cũng khẳng định, Việt Nam hiện đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính nhằm mục tiêu thiết lập khung hành lang pháp lý mở, minh bạch, có chính sách ưu đãi đặc thù, vượt trội, phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời chuẩn bị các điều kiện nền tảng để phát triển Trung tâm tài chính tại Việt Nam.
“Hội nghị hôm nay là cơ hội quý giá để chúng tôi lắng nghe các ý kiến đóng góp và phản biện từ các chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế về: kinh nghiệm phát triển trung tâm tài chính; mô hình trung tâm tài chính phù hợp thực tiễn Việt Nam; chiến lược thu hút đầu tư tài chính, phát triển fintech; cơ chế, chính sách nói chung và cơ chế xử lý tranh chấp quốc tế nói riêng; đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao; các sản phẩm tài chính mới, đặc thù; để từ đó xây dựng mô hình Trung tâm tài chính phù hợp, thực chất và khả thi với điều kiện Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Với sự gợi mở, định hướng nội dung trao đổi của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh, Hội nghị đã tập trung thực hiện các phiên thảo luận về các chủ đề, như: Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Trung tâm tài chính – gợi ý chính sách cho Việt Nam; Đề xuất chính sách cần thiết cho Trung tâm tài chính; định vị trung tâm tài chính tại Việt Nam; sự chuẩn bị của các địa phương trong việc xây dựng, phát triển và vận hành Trung tâm tài chính…
Lê Thu
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/viet-nam-truoc-co-hoi-vang-de-tham-gia-va-dinh-vi-trong-chuoi-trung-tam-tai-chinh-toan-cau.html