Mức thuế mà Tổng thống Donald Trump áp dụng với các sản phẩm từ ba đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ là chưa từng có tiền lệ. Các nhà kinh tế cho biết kế hoạch áp thuế 25% đối với Canada và Mexico và 10% đối với Trung Quốc của tổng thống Donald Trump sẽ làm chậm tăng trưởng toàn cầu và đẩy giá cả tăng cao.
Những rủi ro hiện hữu
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, Việt Nam đang đứng trước những thách thức chưa từng có. Tại cuộc họp Chính phủ ngày 5/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi sát sao các biến động, từ đó đề xuất các giải pháp phản ứng linh hoạt để duy trì tăng trưởng kinh tế và tránh những cú sốc bất ngờ.
Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng từ các cuộc chiến tranh thương mại khi là quốc gia có độ mở cao về xuất khẩu và thu hút FDI.
Việt Nam hiện là quốc gia có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ, đạt hơn 113 tỷ USD.
Theo ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu cao hơn đối với hàng Việt Nam, nền kinh tế sẽ chịu tác động nghiêm trọng. Xuất khẩu sụt giảm, tăng trưởng GDP bị ảnh hưởng, đặc biệt trong các ngành mũi nhọn như dệt may, da giày, đồ gỗ và điện tử.
Hiện Mỹ chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nếu thuế tăng 10-25%, hàng Việt sẽ khó cạnh tranh với sản phẩm từ Bangladesh, Ấn Độ, khiến kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh. Riêng ngành dệt may, da giày, với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ khoảng 35 tỷ USD/năm, có thể mất lợi thế lớn trên thị trường này.
Không chỉ doanh nghiệp nội địa, các tập đoàn FDI như Samsung, Nike, Foxconn cũng có thể dịch chuyển sản xuất sang quốc gia khác để né thuế, gây áp lực lớn lên thị trường lao động. Ngành dệt may, da giày – nơi đang sử dụng hơn 5 triệu lao động, chủ yếu phục vụ đơn hàng từ Mỹ – có nguy cơ bị cắt giảm hàng loạt việc làm, đẩy hàng triệu công nhân vào tình trạng khó khăn.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cảnh báo rằng việc Mỹ gia tăng thuế quan đối với hàng nhập khẩu có thể khiến hàng hóa Việt Nam vào thị trường này trở nên kém cạnh tranh hơn. Các ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, da giày đứng trước nguy cơ suy giảm doanh thu nghiêm trọng.
Cùng chung nhận định, TS. Hà Thị Cẩm Vân từ Đại học RMIT Việt Nam nhấn mạnh, ngoài nguy cơ sụt giảm xuất khẩu, Việt Nam còn phải đối mặt với làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng danh nghĩa "Made in Vietnam" để né thuế. Điều này có thể dẫn đến việc Hoa Kỳ gia tăng biện pháp giám sát chặt chẽ hơn đối với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam.
Trong khi đó, ông Hoàng Mạnh Cường, đồng sáng lập Công ty TNHH Vinaxo, cho rằng Việt Nam không chỉ bị cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc và Mexico tại thị trường Mỹ, mà còn đối mặt với việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị tái cấu trúc mạnh mẽ dưới tác động của các chính sách thương mại bảo hộ.
Thách thức cũng là cơ hội
Dù đối mặt với nhiều bất lợi, Việt Nam vẫn có thể tận dụng các cơ hội để vươn lên, miễn là có chiến lược thích ứng phù hợp.
Ông Phan Đức Trung nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp cần nhanh chóng mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc.
Việc nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản xuất, phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao sẽ giúp hàng Việt đứng vững trước các biện pháp siết chặt thuế quan. Chẳng hạn, ngành thủy sản đã tận dụng lợi thế chế biến sâu để duy trì xuất khẩu sang Mỹ, ngay cả khi giá tôm nguyên liệu từ Ecuador và Ấn Độ cạnh tranh hơn.
TS. Nguyễn Quốc Việt đề xuất Việt Nam cần tận dụng công nghệ để tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giúp doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi với các biến động. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh số hóa và thương mại điện tử sẽ mở ra cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu một cách linh hoạt hơn.
Việt Nam có thể tận dụng sự dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc để thu hút FDI trong lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, Việt Nam cần thu hút đầu tư có chọn lọc, hạn chế rủi ro “rửa xuất xứ”. Chính phủ cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để tránh trở thành điểm trung chuyển cho hàng hóa nước ngoài nhằm né thuế, gây ảnh hưởng đến uy tín thương mại quốc gia.
Ông Steven Okun, CEO APAC Advisors, cho rằng chính sách thương mại của Mỹ đang dần đi theo hướng bảo hộ mạnh mẽ, có thể làm suy giảm đáng kể thương mại toàn cầu. Trong kịch bản xấu nhất, nếu Mỹ áp thuế cao hơn lên hàng hóa từ Việt Nam, doanh nghiệp Việt cần sẵn sàng đối phó bằng cách tìm kiếm các mô hình kinh doanh mới, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực sản xuất nội địa.
Với vị thế là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, Việt Nam có đủ tiềm năng để biến thách thức thành cơ hội. Quan trọng là cách chúng ta hành động ngay từ bây giờ.
Thành An