Nhiều sản phẩm của OCOP Việt Nam đã chinh phục khách quốc tế. Ảnh: ĐỖ HƯƠNG
Thành công của sản phẩm OCOP tạo cảm hứng cho nhiều quốc gia
Hiện nay, Việt Nam đã có hơn 16.000 sản phẩm “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), được xếp hạng từ 1 đến 5 sao. Trong đó, 72,8% sản phẩm 3 sao, 26,7% sản phẩm 4 sao, 126 sản phẩm 5 sao.
Thúc đẩy phát triển 56 sản phẩm OCOP nông nghiệp đặc trưng
Thông qua Sáng kiến “Mỗi quốc gia một sản phẩm ưu tiên” (phiên bản OCOP quốc tế), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc đang thúc đẩy phát triển 56 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, góp phần nâng cao sinh kế cho người dân và phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị văn hóa từng địa phương.
Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường, qua đó góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.
Chính phủ đang hướng tới việc nâng tầm thương hiệu, tiêu chuẩn hóa để các sản phẩm này đạt mức 5 sao, vươn ra thị trường quốc tế, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, có hơn 60% chủ thể OCOP ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu bình quân 18% mỗi năm. Sự phát triển này không chỉ tạo ra hàng triệu việc làm, mà còn góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng sống cho người dân nông thôn, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Trong mô hình OCOP, người nông dân vẫn là lực lượng chủ chốt. Cùng với OCOP, nhiều vùng nông thôn của Việt Nam đang nhân rộng mô hình phát triển kinh tế du lịch từ nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh, với những kinh nghiệm thực tiễn, Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong thúc đẩy kết nối Nam Nam (hình thức hợp tác thúc đẩy phát triển hiệu quả thông qua học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và công nghệ giữa các nước đang phát triển), chia sẻ cách làm, công nghệ và chính sách để nâng cao giá trị sản phẩm nông thôn, hướng đến mục tiêu “Bốn Tốt hơn” (sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn) vì người dân, vì hành tinh, vì sự thịnh vượng và vì hòa bình.
Chương trình OCOP của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc Beth Bechdol nhấn mạnh, sáng kiến này không chỉ là động lực phát triển kinh tế địa phương, mà còn là nền tảng cho chiến lược tăng trưởng nông nghiệp bền vững. Ngoài việc giúp đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp địa phương, nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn hóa và phát triển thị trường, còn mở ra cơ hội cho các nước khác học tập, chia sẻ và hợp tác.
Thành công này tạo cảm hứng cho nhiều quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức về an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và phát triển nông thôn.
Sẵn sàng chia sẻ nguồn lực, đưa OCOP trở thành một sáng kiến toàn cầu
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc đã tổ chức Diễn đàn Cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP, có sự tham dự của các Bộ trưởng Nông nghiệp và quan chức cấp cao đến từ 17 quốc gia châu Á và châu Phi. Lần đầu tiên có một sự kiện trao đổi kiến thức giữa các quốc gia và Việt Nam về chương trình OCOP.
Sự kiện mở ra một không gian hợp tác mới giữa các nước đang phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững. Các Bộ trưởng Nông nghiệp và quan chức cấp cao đã cùng thống nhất hợp tác xây dựng phiên bản quốc tế của OCOP thành Sáng kiến “Mỗi quốc gia một sản phẩm ưu tiên”…
Trước đó, tại cuộc tiếp đoàn các bộ trưởng, quan chức cấp cao về nông nghiệp một số nước châu Phi, châu Á tham dự diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ nguồn lực, nhân lực, khoa học công nghệ với các quốc gia có điều kiện tương đồng về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển sản phẩm OCOP và nền nông nghiệp bền vững.
Để thúc đẩy quá trình hợp tác giữa các quốc gia trong thời kỳ mới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất thiết lập một mạng lưới chia sẻ chính sách, công nghệ và thị trường giữa các quốc gia Nam - Nam. Đồng thời, khuyến nghị thí điểm mô hình hợp tác công - tư - cộng đồng nhằm huy động nguồn lực tài chính, kỹ thuật và tri thức bản địa phục vụ phát triển nông thôn bền vững.
Từ thực tiễn của Việt Nam, FAO cam kết tiếp tục đồng hành, mở rộng đối thoại và hợp tác sâu hơn, đưa OCOP trở thành một sáng kiến toàn cầu, đóng góp vào nỗ lực chung vì một nền nông nghiệp đổi mới, nhân văn và bền vững./.
Nguyên Phương