Người lao động học tiếng tại một trung tâm dịch vụ việc làm trước khi đi xuất khẩu. (Ảnh minh họa. Thế Duyệt/TTXVN)
Thống kê của Bộ Nguồn nhân lực Malaysia cho biết số lượng lao động Việt Nam làm việc hợp pháp tại Malaysia tính đến thời điểm 30/11/2024 là hơn 17.000 người.
Mặc dù con số này đã giảm khoảng 50% so với thời kỳ đỉnh cao vào năm 2003, song mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực lao động giữa Việt Nam và Malaysia vẫn được giới chức hai bên đánh giá là liên tục, thực chất và hiệu quả.
Theo đánh giá chung của chủ sử dụng, người lao động Việt Nam có tay nghề tốt, học hỏi rất nhanh, cần cù, dễ hòa nhập với công việc và cuộc sống tại Malaysia.
Với kinh nghiệm, kỹ năng và ngoại ngữ đều tốt nên lao động Việt Nam thường được chọn làm tổ trưởng các dây chuyền sản xuất, hướng dẫn và hỗ trợ lao động các nước khác như Myanmar, Nepal, Sri Lanka và Bangladesh.
Năm 2003, chính phủ Việt Nam và Malaysia đã ký thỏa thuận hợp tác lần đầu tiên về việc đưa người Việt Nam sang làm việc tại Malaysia. Thỏa thuận đã được ký lại vào các năm 2015 và năm 2022 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của cựu Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob.
Trên thực tế, hợp tác lao động luôn là nội dung được đề cập trong hầu hết các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước. Theo đó, nội dung hợp tác luôn gắn chặt với lợi ích của người lao động, của doanh nghiệp và mục tiêu phát triển của mỗi quốc gia. Hợp tác lao động Việt Nam-Malaysia không chỉ là hợp tác song phương mà còn nằm trong khuôn khổ hợp tác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và các hiệp định thương mại mà 2 nước cùng tham gia.
Đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia là một trong những nội dung hợp tác hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn 2002-2012. Năm 2003, được coi là thời kỳ đỉnh cao của lao động Việt Nam khi Malaysia tuyển dụng 38.000 người, giải quyết được nhu cầu rất cao về lao động của Malaysia - tạo ra nhiều giá trị gia tăng và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế Malaysia; đồng thời tạo ra công ăn việc làm, thu nhập cho hàng trăm ngàn lao động Việt Nam, giảm tỷ lệ thất nghiệp, giảm sức ép việc làm trong nước.
Trong số 17.000 lao động Việt Nam có hơn 50% làm việc trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, khoảng 10% trong lĩnh vực xây dựng, hơn 10% trong lĩnh vực dịch vụ, 10% trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại địa bàn, ông Roland Hoo Choon Leng, quản lý phân phối của nhà máy Gimmill Industrial (M) SDN.BHD một công ty thuộc tập đoàn Ramatex Textiles, cho biết hiện nay tập đoàn đang áp dụng từng phần tự động hóa trong quá trình dệt và may mặc, do đó rất cần lao động có kỹ năng tốt như lao động Việt Nam. Ngoài kỹ năng tốt về tay nghề, người lao động Việt Nam rất chịu khó học ngoại ngữ, nhiều lao động có thể nói được cả tiếng Hoa và tiếng Mã Lai, do vậy họ bắt tay vào công việc và hội nhập với cuộc sống sở tại rất tốt.
Ramatex Textiles là một trong những công ty con của Tập đoàn Ramatex (Ramatex), bắt đầu hoạt động kinh doanh với một nhà máy đan dệt vào năm 1976 tại Singapore. Ngày nay, Ramatex đã thành công trong việc mở rộng và trở thành một doanh nghiệp tích hợp dọc, bao gồm sản xuất vải (xoay sợi, đan, nhuộm, in ấn và hoàn thiện) và sản xuất trang phục để xuất khẩu ra các thị trường như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản, Jordan và các quốc gia thành viên của ASEAN (Thái Lan, Campuchia và Việt Nam). Công ty là một trong những nhà cung cấp chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu về sản xuất vải và trang phục cho các thương hiệu quốc tế như NIKE, Under Armour và Fast Retailing (GU và Uniqlo).
Tập đoàn Ramatex cũng đầu tư vào Việt Nam và đang có 3 nhà máy tại Hải Phòng, Bắc Ninh và Nam Định. Các nhà máy tại Batu Pahat và Kulai, Johor hiện đang thực hiện tất cả các khâu sản xuất trong ngành dệt và may thành phẩm.
Theo lãnh đạo tập đoàn, hiện các nhà máy tại Batu Pahat và Kulai, Johor đang sử dụng hơn 9.000 lao động trong đó đa phần là lao động nước ngoài và có khoảng 300 lao động Việt Nam. Trong số lao động Việt Nam, người mới nhất sang làm việc tại nhà máy khoảng hơn 1 năm rưỡi, người làm việc lâu nhất là khoảng hơn 20 năm.
Hầu hết lao động Việt Nam tại Malaysia đều yêu lao động, yên tâm công tác và có tích lũy đáng kể. Chị Oanh - quê Vĩnh Phúc cho biết chị đã làm việc tại nhà máy được 17 năm. Sau khi hết hạn hợp đồng năm thứ 10 chị đã về Việt Nam và 3 tháng sau quay lại làm việc ở nhà máy. Toàn bộ chi phí đi làm việc tại Malaysia đều do nhà máy chi trả. Hiện nay chị đang là tổ trưởng tổ may với thu nhập hàng tháng khoảng 4.000 RM (khoảng 24 triệu VND).
Anh Việt - quê Phú Thọ sang làm việc khoảng hơn 2 năm, đang phụ trách máy in nhãn, mác cho biết nhà máy chu cấp toàn bộ ký túc xá, điện và nước sinh hoạt. Khu ký túc xá được xây mới và ngay cạnh nhà máy, gần chợ, bệnh viện. Khi người lao động ốm đau phải đi khám, nhà máy sẽ hỗ trợ 50 RM, nếu phải nằm nội trú, nhà máy sẽ hỗ trợ để làm thủ tục thanh toán từ bảo hiểm.
Anh Việt cho biết hàng tháng với thu nhập khoảng 4.000 RM, sau khi trừ sinh hoạt phí khoảng 1.000 RM, anh có thể tiết kiệm và gửi về gia đình khoảng 3.000 RM (khoảng 18 triệu đồng).
Còn theo anh Tình - quê Nghệ An, làm việc tại nhà máy Song Lin thuộc tập đoàn Ramatex, người lao động sau khi hết hạn hợp đồng về nước sẽ được chủ sử dụng giới thiệu về làm việc tại nhà máy của tập đoàn tại Bắc Ninh, Hải Phòng hoặc Nam Định, người lao động sẽ làm tổ trưởng các dây chuyền mà họ đã có kinh nghiệm khi làm việc tại Malaysia.
(Ảnh minh họa. Anh Nguyên/TTXVN)
Chị Đào - quê Thanh Hóa, cho biết hai vợ chồng chị đều làm việc tại nhà máy Tai Wah ở Kulai, Johor một công ty con của tập đoàn. Khi chị sinh con, nhà máy hỗ trợ để chị nghỉ sinh theo đúng quy định và tạo điều kiện để chị thuê nhà ở ngoài tiện cho việc sinh hoạt. Hiện nay con chị được 18 tháng. Hai vợ chồng có mong muốn sinh sống và làm việc lâu dài tại Malaysia.
Ông Roland Leng cho biết thêm tập đoàn đang thiếu và có nhu cầu tiếp nhận ít nhất 300 lao động, trong đó lao động Việt Nam là ưu tiên số một của tập đoàn. Tuy nhiên, việc tuyển dụng của công ty chưa thực hiện được trong giai đoạn này do kể từ tháng 3/2023, Chính phủ Malaysia đã thực hiện chính sách dừng cấp thị thực nhập cảnh cho lao động nước ngoài để kiểm soát số lao động nước ngoài.
Ông Lê Ngọc Toàn, Bí thư thứ nhất, Trưởng ban Quản lý Lao động và chuyên gia tại Malaysia cho biết, mặc dù chính phủ của Thủ tướng Anwar Ibrahim đã thông qua kế hoạch nâng lương cơ bản từ 1.500 ringgit (RM) lên 1.700 RM/tháng (khoảng 10 triệu đồng) từ ngày 1/2/2025 song cũng không mấy hấp dẫn với lao động Việt Nam, bởi lẽ lao động Việt đang có nhiều lựa chọn tốt hơn tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) với thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, Malaysia vẫn được xem một trong những thị trường “top đầu” của lao động phổ thông Việt Nam bởi không đòi hỏi quá cao về năng lực ngoại ngữ và tay nghề.
Đề cập đến mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực lao động, ông Lê Ngọc Toàn cho rằng, Việt Nam nên hướng đến việc khai thác phân khúc thị trường lao động kỹ năng, có trình độ chuyên môn cao. Theo ông, đây cũng là một điểm mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước khi Malaysia đang thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất trong lĩnh vực dịch vụ và công nghệ cao./.
(TTXVN/Vietnam+)