Việt Nam vẫn có 'cửa' để đàm phán lại mức thuế với Mỹ

Việt Nam vẫn có 'cửa' để đàm phán lại mức thuế với Mỹ
một ngày trướcBài gốc
Như Báo SGGP đã thông tin, rạng sáng 3-4 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế tối thiểu và bổ sung đối với 180 thị trường nhập khẩu.
Theo đó, Mỹ áp mức thuế 10% lên tất cả các đối tác thương mại và áp thuế đối ứng riêng lẻ với các quốc gia bị coi là đối xử không công bằng với Mỹ, trong đó có 50 đối tác thương mại. Việt Nam chịu mức thuế 46%, thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Linh kiện điện tử xuất khẩu - một trong mặt hàng có thể bị thiệt hại với chính sách thuế mới của Mỹ. Ảnh minh họa
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cho biết, mức thuế này là rào cản đáng kể đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Thứ nhất, mức thuế 46% mà Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam là rất cao và sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Đây là một rào cản đáng kể đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ hai, ông Hưng cũng nói rằng hiện chưa rõ cách Mỹ xác định mức thuế này dựa trên cơ sở nào. Cụ thể, Mỹ cho biết họ áp thuế đối ứng để phản ứng lại thuế mà các nước áp lên hàng hóa Mỹ, nhưng hiện chưa rõ họ tính toán mức thuế này như thế nào.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ cũng thông tin, một số mặt hàng sẽ không bị áp thuế đối ứng. Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đang làm việc với phía Mỹ để hiểu rõ hơn về chính sách này.
Cụ thể, một số mặt hàng được miễn thuế đối ứng gồm hàng hóa thuộc Mục 50 USC 1702 (một phần của Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế - IEEPA năm 1977), thép - nhôm và ô tô - phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo Mục 232. Cùng với đó là đồng, dược phẩm, chất bán dẫn, gỗ, vàng thỏi, năng lượng và một số khoáng sản không có sẵn tại Mỹ.
Theo ông Hưng, sắc lệnh của Tổng thống Trump dựa trên Đạo luật Thẩm quyền Kinh tế Quốc tế Khẩn cấp 1977 (IEEPA). Hiện chưa rõ căn cứ chi tiết để Mỹ xác định mức thuế gốc, tức mức thuế mà các nước đang áp lên hàng hóa Mỹ. Sắc lệnh phản ánh quan điểm xuyên suốt của chính quyền Trump về việc sử dụng thuế quan để giải quyết thâm hụt thương mại kéo dài.
Ông Hưng cho biết ngay sau khi sắc lệnh được ban hành, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã liên hệ với Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) để làm rõ các vấn đề liên quan.
Còn theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), Việt Nam cần nhanh chóng đàm phán tạm hoãn thuế quan để tạo điều kiện cho cả hai nước có thời gian giải quyết các vấn đề liên quan đến thuế. “Việc tạm hoãn này sẽ giúp các doanh nghiệp của hai bên chuẩn bị kỹ càng, giảm thiểu gián đoạn trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu”, ông Việt đề xuất.
Theo ông, Việt Nam nên tăng cường hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt là từ EU và các quốc gia khác, để cùng đàm phán về thuế quan và chính sách thương mại. Điều này sẽ bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, không chỉ giữ vững các mối quan hệ thương mại hiện tại mà còn mở ra cơ hội hợp tác mới với các thị trường ngoài Mỹ, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Để làm được điều này, Việt Nam cần minh bạch hóa các chính sách của mình, đặc biệt là trong việc chống gian lận xuất xứ và chính sách hỗ trợ. Việc công khai thông tin rõ ràng sẽ giúp Mỹ và các quốc gia khác hiểu hơn về chính sách thương mại của Việt Nam.
TS Nguyễn Quốc Việt cũng cho rằng, Việt Nam cần thể hiện thiện chí và sẵn sàng mở cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ. Điều này không chỉ giúp giảm bớt sự bất bình đẳng trong thương mại mà còn thúc đẩy quan hệ thương mại hai chiều, giảm thiểu các lo ngại về rào cản thuế quan và phi thuế quan.
PHÚC HẬU
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/viet-nam-van-co-cua-de-dam-phan-lai-muc-thue-voi-my-post789095.html