Trưởng đại diện các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam, bà Pauline Tamesis trả lời phỏng vấn TG&VN về vai trò của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. (Ảnh: PH)
Trả lời phỏng vấn TG&VN bên lề Lễ kỷ niệm 30 năm UNCLOS do Bộ Ngoại giao tổ chức vừa qua, Trưởng đại diện các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam, bà Pauline Tamesis khẳng định UNCLOS vẫn còn có ý nghĩa sau 30 năm thực thi.
Bà Pauline Tamesis đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc tiếp tục đối thoại, thảo luận, đặc biệt là hợp tác quốc tế để thực hiện thành công UNCLOS. Nỗ lực này góp phần vào việc đảm bảo các tranh chấp được giải quyết thông qua khuôn khổ quốc tế và luật pháp quốc tế.
Đại diện LHQ tại Việt Nam cũng nhấn mạnh việc cần giải quyết các vấn đề mới nổi mà trước đây quốc tế chưa hình dung ra khi UNCLOS được phê chuẩn, những vấn đề cần được thảo luận hiện nay là bảo tồn biển.
“Đối với nhiều người trong chúng ta, kinh tế biển là một chủ đề quan trọng. Chúng ta cần thảo luận xem UNCLOS có thể giúp ích và đảm bảo các quốc gia tiếp tục hợp tác như thế nào, qua đó đóng góp cho nhiều nỗ lực khác của LHQ như hội nghị của LHQ về đại dương vào năm tới”, bà Pauline Tamesis chia sẻ.
Trưởng đại diện LHQ tại Việt Nam cho rằng, LHQ và Việt Nam có nhiều cơ hội để thúc đẩy liên kết kinh tế biển, bảo tồn đại dương và phát triển bền vững.
Cùng nhìn nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy UNCLOS, chia sẻ với TG&VN bên lề Lễ kỷ niệm UNCLOS, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ khẳng định, Việt Nam đã quan tâm theo dõi và vận dụng các quy định của Công ước vào thực tiễn, trong đó có việc nội luật hóa Công ước bằng Luật Biển Việt Nam năm 2012.
Cụ thể hơn, Tiến sĩ Trần Công Trục nhấn mạnh, Việt Nam dựa vào các quy định của Công ước để xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế biển, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển, đặc biệt là Việt Nam dựa vào nguyên tắc của các quy định trong Công ước để giải quyết các bất đồng, tranh chấp về xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam với các nước láng giềng như Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đã có những thành công.
“Tất cả những thành công đó phản ánh đúng những gì chúng ta đã vận dụng một cách rất chuẩn xác các quy định của Công ước để tạo ra môi trường ổn định cho sự hợp tác phát triển trong khu vực”, Tiến sĩ Trần Công Trục nhận định.
Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, hiện nay, Công ước đang phát huy giá trị trong thực tiễn; giúp Việt Nam, các nước ven biển cũng như các nước không có biển, các nước khác quan tâm đến vấn đề biển có cơ sở, cơ hội để giải quyết bất đồng và tranh chấp, đặc biệt là giải quyết các vấn đề xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia; nhất là giải quyết các khu vực chồng lấn để tạo ra môi trường cho sự phát triển kinh tế của mỗi nước, hợp tác của khu vực và quốc tế trên biển và đại dương.
Vy Anh