Việt Nam vẫn là quốc gia cung cấp gạo lớn cho thị trường Philippines trong năm 2025.
Philippines mua nhiều gạo Việt
Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines trong năm nay vẫn ở mức cao, dự báo ở mức khoảng từ 4,92 đến trên 5 triệu tấn, trong đó Việt Nam vẫn là quốc gia cung cấp gạo lớn cho thị trường này.
Những năm qua, Philippines nhập khẩu gạo chủ yếu từ Việt Nam, với thị phần chiếm khoảng từ 80% đến 85%, từ Thái Lan khoảng 10%, phần còn lại được nhập khẩu từ Ấn Độ, Paskistan, Bangladesh, Nhật Bản và quốc gia khác.
Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Philippines
Các năm 2019, 2020, 2021, 2022, 2023, lượng gạo nhập khẩu của Philippines lần lượt 3,256 triệu tấn, 2,662 triệu tấn, 2,988 triệu tấn, 3,788 triệu tấn, và 3,932 triệu tấn.
Năm 2024, Philippines nhập khoảng 4,68 triệu tấn, và dự báo tiếp tục tăng chạm 5 triệu tấn, thậm chí vượt mức này trong năm 2025.
Ông Phùng Văn Thành, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, trong bối cảnh giá lương thực leo thang, năng lực sản xuất nội địa không đủ đáp ứng tiêu dùng trong nước, Philippines được dự báo giữ vị trí quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới và Việt Nam tiếp tục là quốc gia cung cấp gạo lớn cho thị trường này.
Trong những năm qua, lượng gạo và kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Philippines luôn chiếm trên 40% đến gần 45% về lượng và kim ngạch trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành lúa gạo.
Kể từ năm 2022, gạo của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Philippines hàng năm luôn đạt trên 3 triệu đến 4 triệu tấn, cụ thể, năm 2022 đạt 3,214 triệu tấn, năm 2023 đạt 3,150 triệu tấn, năm 2024 đạt khoảng 4,150 triệu tấn, năm 2025 dự báo đạt khoảng 4,35 triệu tấn.
"Gạo Việt giữ ngôi đầu xuất khẩu sang Philippines là do phẩm cấp, chất lượng, giá cả phù hợp nên có tính cạnh tranh, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Philippines, Việt Nam cũng có nguồn cung gạo ổn định của Việt Nam, khoảng cách địa lý thuận lợi, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có quan hệ bạn hàng lâu năm đã tạo được uy tín, lòng tin trong xuất khẩu gạo với các bạn hàng Philippines", ông Thành nhận định.
Soi lợi thế cạnh tranh
Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho hay: "So với các quốc gia xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Nhật Bản, gạo Việt Nam vẫn có những lợi thế đáng kể tại thị trường Philippines".
Dù muốn hay không, trong thời gian tới, Philippines vẫn phụ thuộc vào nguồn cung gạo của Việt Nam.
Mặc dù vậy, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines trong năm 2025 và trong các năm tiếp theo thực tế vẫn ở mức cao, bởi trong một thời gian ngắn, Philippines không có khả năng tăng năng lực sản xuất lúa nội địa để đáp ứng nhu cầu trong nước, trong khi nhu cầu hàng năm không ngừng tăng.
Dự báo năm 2025, nhu cầu tiêu thụ gạo nội địa của Philippines khoảng 17,8 triệu tấn. Với nguồn vốn Chính phủ hỗ trợ và đầu tư nhiều hơn cho nông dân, sản xuất nội địa của nước này đặt mục tiêu đạt 20,46 triệu tấn, nhưng dù đạt được mục tiêu đề ra thì mức tăng khiêm tốn này không thể giúp Philippines thoát khỏi tình trạng thiếu hụt và phải phụ thuộc vào nhập khẩu gạo.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng Philippines sẽ tìm được những nguồn cung gạo mới nhằm giảm phụ thuộc vào bên cung ứng gạo duy nhất là Việt Nam.
Đó là việc Ấn Độ vừa dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và có nhiều chương trình quay lại thị trường Philippines với mức chào giá hấp dẫn, còn thị trường Thái Lan lại tích cực xúc tiến thương mại, chào giá cạnh tranh; Campuchia đã ký thỏa thuận cung ứng dài hạn với Chính phủ Philippines...
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương và Thương vụ Việt Nam tại Philippines để triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam.
"Gạo của Việt Nam cần được tiếp tục giữ vững, đảm bảo ổn định và không ngừng nâng cao chất lượng qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, đa dạng mặt hàng xuất khẩu, từ các sản phẩm gạo có chất lượng cao phục vụ cho người có thu nhập cao cho tới gạo chất lượng trung bình, phục vụ người tiêu dùng ở phân khúc thấp hơn", ông Thành lưu ý.
Thế Hoàng