'Viết tiếp câu chuyện hòa bình' của Nguyễn Văn Chung được đưa vào đề thi

'Viết tiếp câu chuyện hòa bình' của Nguyễn Văn Chung được đưa vào đề thi
3 giờ trướcBài gốc
Ca khúc Viết tiếp câu chuyện hòa bình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đang trở thành hiện tượng âm nhạc đặc biệt trong năm 2025, không chỉ "gây bão" trên các nền tảng số mà còn lan rộng sang lĩnh vực giáo dục với việc liên tục xuất hiện trong đề thi môn Ngữ văn tại nhiều trường THPT trên toàn quốc.
Dịp lễ 30/4 vừa qua, ca khúc này đã thực sự bùng nổ khi xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội, truyền hình và các sân khấu biểu diễn khắp cả nước. Với phần lời giản dị nhưng đầy xúc cảm: "Cha ông ta ngày xưa ngã xuống để cho đời ta ngày sau đổi lấy hòa bình", ca khúc như một lời nhắc nhở trang nghiêm nhưng tha thiết về những hy sinh xương máu để giành lại tự do dân tộc. Trong không khí tri ân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bài hát nhanh chóng chạm đến trái tim hàng triệu người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Không chỉ dừng lại ở hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ trên TikTok, Facebook hay YouTube với tổng lượt nghe vượt mốc 4 tỷ, ca khúc còn trở thành nguồn cảm hứng trong giáo dục. Nhiều trường học đã đưa lời bài hát vào đề thi Ngữ văn các cấp. Đơn cử, tại trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), học sinh lớp 11 được yêu cầu viết bài nghị luận từ ca khúc, bàn về giá trị của hòa bình trong đời sống hôm nay.
Trường THPT Văn Lâm (Hưng Yên) thì trích ca từ để yêu cầu học sinh lớp 12 nêu quan điểm cá nhân về cách thế hệ hiện tại có thể "viết tiếp câu chuyện hòa bình". Trong khi đó, đề thi học sinh giỏi lớp 10 của Trường PT Thực hành Sư phạm - Đại học Đồng Nai lại tập trung khai thác trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn thành quả hòa bình mà cha ông để lại.
Đề thi khảo sát chất lượng lớp 12 môn Ngữ văn của Trường THPT Văn Lâm (Hưng Yên).
Việc một bài hát đương đại, vốn phổ biến trên mạng xã hội, được đưa vào đề thi chính thức được xem là minh chứng rõ nét cho sức ảnh hưởng tích cực của âm nhạc trong việc giáo dục tư tưởng, cảm xúc và nhận thức xã hội.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: "Tôi bất ngờ và hạnh phúc khi bài hát được đưa vào đề thi Văn ở cả ba khối 10, 11 và 12. Điều quý giá nhất là các thầy cô nói rằng học sinh rất hứng thú với đề bài, điều đó cho tôi niềm tin rằng âm nhạc có thể đồng hành cùng giáo dục trong việc gieo mầm lý tưởng sống tốt đẹp".
Đề thi học sinh giỏi cấp trường của trường PT Thực hành Sư Phạm - Đại học Đồng Nai.
Ngoài ra, thành công của ca khúc này còn tạo lực đẩy cho các sáng tác khác của anh, đặc biệt là những bài hát thiếu nhi mang thông điệp nhân văn, giáo dục có cơ hội tiếp cận gần hơn với khán giả trẻ.
Phiên bản biểu diễn của ca sĩ Võ Hạ Trâm và Đông Hùng thậm chí từng vươn lên vị trí số 1 trên bảng xếp hạng thịnh hành YouTube Việt Nam trong mục âm nhạc, cho thấy ca khúc không chỉ được yêu thích mà còn có chất lượng nghệ thuật đủ sức chinh phục khán giả đại chúng.
Từ không gian mạng đến sân trường, từ sân khấu âm nhạc đến đề thi Ngữ văn - Viết tiếp câu chuyện hòa bình đã và đang trở thành một biểu tượng tinh thần mới của giới trẻ Việt Nam, góp phần khơi dậy lòng biết ơn, niềm tự hào dân tộc và khát vọng gìn giữ hòa bình bền vững cho thế hệ mai sau.
Bình Nguyên
Nguồn SaoStar : https://www.saostar.vn/am-nhac/viet-tiep-cau-chuyen-hoa-binh-cua-nguyen-van-chung-duoc-dua-vao-de-thi-202505160926524031.html