XÃ LUẬN
Viết tiếp khát vọng từ mùa Xuân đại thắng
30 tháng 4 năm 1975 - mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, không chỉ là ngày đất nước thống nhất giang sơn, kết thúc chiến tranh, mở ra kỷ nguyên độc lập, mà còn khởi đầu cho một hành trình dựng xây và phát triển không ngừng nghỉ.
Đại thắng mùa Xuân năm ấy đã mở ra trang sử mới, nơi dân tộc Việt Nam từ một đất nước đổ nát sau chiến tranh vươn mình trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực; là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; là hình mẫu tiêu biểu về phát triển, đổi mới. Và sau nửa thế kỷ, đất nước ta hôm nay tiếp tục bước vào một hành trình mới: hành trình vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo, của đổi mới sáng tạo, của hội nhập sâu rộng và khát vọng hùng cường.
Chúng ta bước vào kỷ nguyên số không chỉ bằng công nghệ, mà bằng tầm nhìn chiến lược, bằng tư duy đổi mới, bằng quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, và trên hết là bằng khát vọng vươn lên mãnh liệt của cả dân tộc. Những bài học của quá khứ vẫn vẹn nguyên giá trị: độc lập không tự nhiên mà có; cũng không có chiến thắng nào đến từ sự cầu may. Mỗi bước chuyển mình của đất nước đều cần đến tinh thần quật khởi, ý chí tự cường và sự đồng lòng gắn kết của cả hệ thống chính trị và Nhân dân.
Kỷ nguyên số là cuộc cách mạng không chờ đợi. Yêu cầu cấp bách về chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, đến hành chính công, quản trị quốc gia, đang đặt ra cho đất nước một “mệnh lệnh lịch sử” mới. Đó là không để ai bị bỏ lại phía sau. Đó là phổ cập tri thức số như từng phổ cập chữ quốc ngữ thuở “bình dân học vụ”. Đó là xây dựng một xã hội số công bằng, bao trùm, nhân văn, có khả năng thích ứng cao trước những biến động của thế giới.
Từ người công nhân trong nhà máy, nông dân trên đồng ruộng, đến các cán bộ trong bộ máy công quyền - tất cả đều đang là những chủ thể trực tiếp của công cuộc chuyển đổi số. Lực lượng lao động Việt Nam, với tinh thần cần cù, sáng tạo và sẵn sàng học hỏi, chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa đến tương lai. Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 vì vậy không chỉ là dịp tôn vinh người lao động mà còn là lời nhắc nhở: phát triển phải đi liền với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh, và khơi dậy tiềm năng con người Việt Nam trong thời đại mới.
Trong bối cảnh thế giới đang biến chuyển nhanh chóng với những bước tiến nhảy vọt của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và công nghệ số, Việt Nam cần vững vàng hơn bao giờ hết trên con đường mình đã chọn. Những định hướng lớn từ Đại hội XIII của Đảng, từ các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm - như tinh thần “phải có tổ chức mạnh, con người mạnh; mỗi cơ quan, đơn vị vận hành như một cỗ máy chuẩn xác, trách nhiệm và kỷ cương” - chính là kim chỉ nam đưa đất nước phát triển bền vững, tự tin hội nhập và làm chủ tương lai.
Dẫu vậy, con đường phía trước không trải đầy hoa hồng. Chúng ta sẽ đối mặt với cạnh tranh công nghệ toàn cầu, biến động địa chính trị, áp lực đổi mới sáng tạo, yêu cầu phát triển bền vững. Nhưng, ký ức hào hùng của ngày giải phóng sẽ là điểm tựa tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho khát vọng hôm nay: khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, khi đất nước tròn một thế kỷ độc lập; khát vọng dựng xây một Việt Nam hùng cường, sánh vai cường quốc năm châu - bằng lòng yêu nước, bằng trí tuệ, công nghệ và tinh thần đổi mới không ngừng.
Tổ quốc đang vươn mình, vươn ra biển lớn bằng sức mạnh của đoàn kết, của tri thức, của công nghệ. Đó là hành trình mới của một dân tộc đã từng chiến thắng và giờ đây hiên ngang chinh phục tương lai.
ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN