Kể từ thời khắc ngày 7/5/1954 chói lọi, không thể nào kể xiết những bài báo, những hội thảo, những đánh giá của các học giả, các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới về tầm vóc, giá trị, ý nghĩa lịch sử và thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa. Nhưng mỗi năm đến ngày kỷ niệm, thời gian càng lùi xa, lịch sử càng hiện diện với một tầm vóc mới và những bài học không bao giờ cũ về độc lập dân tộc, về tinh thần quyết chiến quyết thắng, về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là dịp để chúng ta nhớ về một hành trình rất gian khổ, bao nhiêu máu xương của bộ đội, của dân quân, của đồng bào các dân tộc đoàn kết một lòng mới đến được ngày chiến thắng. Từng tấc đất “máu trộn bùn non” để có một Việt Bắc, một Việt Nam hôm nay.
Là phóng viên chiến trường của báo Cứu Quốc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ từ những ngày đầu tiên, nhà báo Thái Duy khi còn sống đã kể với chúng tôi về công lao trời biển của nhân dân để có ngày chiến thắng. Hàng nghìn dân công gánh gạo, thồ gạo ra mặt trận, dũng cảm, gan góc. Lúc cao điểm chiến dịch, tập trung ở chiến trường Điện Biên Phủ khoảng 5 sư đoàn quân chủ lực, vận chuyển lương thực nuôi ngần ấy bộ đội, toàn là sức dân. Mà lúc ấy đang mùa đông, rét lắm.
Nhà báo Thái Duy đã ứa nước mắt kể ở chiến trường cùng bộ đội suốt cả Chiến dịch, những hôm được ăn no là được ăn cả suất của những người lính hôm ấy đi đánh trận không trở về. “Trong Lễ duyệt binh diễn ra ở Điện Biên Phủ ngay sau ngày chiến thắng thật ngậm ngùi khi nhìn những đoàn quân đã không còn đủ quân số như trước khi vào Chiến dịch. Sự hy sinh là vô bờ bến” - theo hồi ức của nhà báo Thái Duy.
Tháng 5/2024, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 5.000 căn nhà cho người nghèo tỉnh Điện Biên đã hoàn thành. Đây là một quyết tâm hoàn thành tiến độ trong 9 tháng đúng với tinh thần “Điện Biên Phủ” khi tháng 9/2023, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam bắt đầu phát động cuộc vận động làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên. 5.000 căn nhà cho người nghèo tỉnh Điện Biên là tiền đề cho quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.
Đó là một trong những việc đang được viết tiếp, bằng tinh thần của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là cột mốc vàng chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, xứng đáng với những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thời đại Hồ Chí Minh. Nhưng chiến thắng ấy chỉ trọn vẹn khi chúng ta đang viết tiếp câu chuyện của hòa bình bằng thước đo hạnh phúc của nhân dân.
Năm 2024, không còn nhiều những người thuộc thế hệ viết lên bản hùng ca tuyệt đẹp ấy còn được chứng kiến lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Có những việc tri ân nếu chúng ta không kịp làm thì không còn cơ hội để làm. Nhất là với đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc vùng chiến khu, an toàn khu kháng chiến, của hàng vạn dân công hỏa tuyến.
Chúng ta vừa chứng kiến những ngày đại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Lòng yêu nước và sự tri ân với thế hệ đi trước thật mừng khi đã được đại bộ phận các bạn trẻ ý thức sâu sắc. Nhưng phải làm gì tiếp để những ngọn lửa đã được thắp lên biến thành những hành động yêu nước thực sự chứ không phải chỉ ồn ào bề nổi mỗi dịp lễ lạt.
71 năm đã trôi qua kể từ Chiến thắng Điện Biên Phủ, nửa thế kỷ đất nước thống nhất, mỗi một chiến thắng được xây lên bằng tinh thần cháy bỏng khát vọng độc lập, thống nhất của ông cha, đều đang nhắc nhở chúng ta phải viết tiếp những trang sử mới, bằng khát vọng mới. Khát vọng hạnh phúc, văn minh và giàu mạnh.
Cẩm Thúy