Một góc thành phố Việt Trì xanh, sạch, đẹp.
Tam sông giao hòa
Từ xa xưa, mọi nền văn minh nổi tiếng thế giới đều xuất phát từ lưu vực những con sông mẹ. Có lẽ bởi thế, Việt Trì - thành phố ngã ba sông có nhiều di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử, danh lam gắn liền từ thời đại các Vua Hùng dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh và công cuộc giữ gìn, bảo vệ, xây dựng đất nước. Theo thống kê, thành phố Việt Trì có 47 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 2 Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ; 116 di sản văn hóa vật thể. Các di sản này gắn kết với nhau tạo nên không gian kiến trúc, mang đậm bản sắc dân tộc và có ở hầu hết các phường, xã trên địa bàn thành phố.
Nỗ lực xây dựng Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ thành phố Việt Trì xác định: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy truyền thống đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực xây dựng thành phố Việt Trì phát triển nhanh, bền vững, ngày càng văn minh hiện đại, sớm trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam”.
Để thực hiện mục tiêu, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kế hoạch thực hiện mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, thành phố đã tái hiện, mô phỏng sống động các lễ hội văn hóa dân gian đặc trưng trong không gian thành phố Việt Trì, bắt đầu từ ngã ba sông Bạch Hạc tới đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Hoàn thiện nội dung kịch bản một số lễ hội văn hóa dân gian đường phố; Hội thi bơi chải Hồ công viên Văn Lang. Đồng thời Quy hoạch, duy trì, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống các di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Phân loại các di tích chưa được xếp hạng làm thủ tục đề nghị xếp hạng, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Đến nay, thành phố có 1 di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, 13 di tích cấp Quốc gia, 42 di tích cấp tỉnh...
Công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa ngày càng được quan tâm với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, thành phố Việt Trì đã đầu tư, tôn tạo các di chỉ khảo cổ Làng Cả, di chỉ khảo cổ Đồi Giàm; rà soát các hạng mục công trình di tích lịch sử văn hóa tại các trung tâm lễ hội xã, phường; phục hồi, phát triển các nghi lễ, lễ hội truyền thống phục vụ khách du lịch... Từ năm 2021 đến nay, đã có 23 di tích được tu bổ, tôn tạo với tổng nguồn vốn hơn 80 tỷ đồng.
Tranh thủ những ngày nghỉ để được hòa mình vào không gian văn hóa tại Việt Trì, anh Nguyễn Duy Hưng (Phường Dữu Lâu) chia sẻ: Tôi đã xa Việt Trì 15 năm do sinh sống và làm việc tại nước ngoài, thật bất ngờ trước sự thay đổi, phát triển của thành phố. Không gian công cộng rộng rãi, hạ tầng giao thông phát triển, đời sống Nhân dân khởi sắc... đặc biệt, những di tích, lễ hội được tổ chức quy mô, bài bản, thu hút rất nhiều người dân và du khách tham gia.
Nỗ lực tạo dựng những không gian lễ hội mới, mang màu sắc và hơi thở hiện đại nhưng vẫn đậm dấu ấn dân gian, vừa đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời thu hút, tạo ấn tượng với du khách khi về với Việt Trì, góp phần để thành phố sớm hoàn thành mục tiêu trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Nhân dân và du khách tham quan, chụp ảnh với hoa cải tại công viên Văn Lang.
Tinh hoa tỏa sắc
Diện mạo thành phố lễ hội không chỉ đến từ những công trình lộng lẫy, cao tầng; những con đường dài rộng, thông thoáng; những thiết chế công cộng rực rỡ sắc hoa... mà còn đến từ nếp sống văn minh, hiện đại, hình ảnh, phong cách công dân Việt Trì “thân thiện, thanh lịch, mến khách, giàu tính nhân văn, mang đậm tình người Đất Tổ”. Từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ gia đình văn hóa và khu dân cư văn hóa tại các địa phương trong thành phố đều đạt trên 95%, góp phần tạo thêm nhiều mảng màu tươi sáng trong bức tranh tổng quát về văn hóa dân gian của thành phố Việt Trì.
Nhớ lại thời điểm tham gia giải chạy “Đền Hùng Spirituality Marathon” - Về nguồn 2024, anh Trần Anh Đức (VĐV đến từ tỉnh Nghệ An) chia sẻ: Cự ly 42km là quá ít để được chiêm ngưỡng diện mạo thành phố Việt Trì. Tuy nhiên, tôi có thể thấy rằng, thành phố được quy hoạch, xây dựng rất “có tâm, có tầm”, đặc biệt là công viên Văn Lang xanh, sạch, đẹp, hạ tầng giao thông tương đối phát triển, người dân Việt Trì rất thân thiện, mến khách... Năm nay, tôi sẽ trở lại Việt Trì để có được nhiều trải nghiệm hơn...
Ngày 5/12/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã phê duyệt Quyết định số 1579/QĐ-TTg Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, mục tiêu phát triển đến năm 2030 là khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và phát huy bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng; phấn đấu đến năm 2030 Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc... Phát triển thành phố Việt Trì trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Quyết định nêu rõ, Phú Thọ thực hiện các nhiệm vụ và đột phá chiến lược, bao gồm: Một trung tâm - Hai hành lang kinh tế - Ba đột phá phát triển - Bốn nhiệm vụ trọng tâm. Một trung tâm: Xây dựng và phát triển đô thị Việt Trì trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, là đô thị trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I.
Thời gian tới, thành phố Việt Trì sẽ tiếp tục kiểm tra, phân loại các di tích theo giá trị lịch sử, có kế hoạch tu bổ, tôn tạo, nâng cấp những di tích quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong việc thu hút khách tham quan du lịch; lập hồ sơ đề nghị một số di tích cấp tỉnh để xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Đồng thời, nâng tầm quy mô tổ chức các lễ hội truyền thống: Vua Hùng dạy dân cấy lúa; Lễ hội Cướp bông ném chài đền Vân Luông; Lễ hội đền Tam Giang; Lễ hội rước kiệu đình Hùng Lô... Bên cạnh đó, thành phố sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, căn cứ tiêu chuẩn gia đình văn hóa, khu dân cư, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, phường đạt chuẩn đô thị văn minh, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa... để xây dựng tiêu chuẩn mới, phù hợp với điều kiện và xu thế phát triển của Thành phố giai đoạn hiện nay. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa và phát triển con người. Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để nâng cao khả năng dự báo và định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người tại địa phương.
Lê Hoàng