Xanh từ trong, chuẩn từ đầu
Ngày càng nhiều các tòa nhà văn phòng tìm kiếm chứng nhận quốc tế về yếu tố xanh và phát triển bền vững, nhưng thách thức là không dễ để “chuyển hóa” chất lượng các tòa nhà cũ đang hoạt động. Đa phần các công trình đều truyền tải thông điệp xanh bằng việc bổ sung các yếu tố ngoại vi như cây xanh, hệ thống năng lượng tái tạo... Tuy nhiên các giá trị “xanh” được kiến tạo ngay từ vị trí, chất lượng xây dựng, thiết kế hay kết cấu ban đầu giúp tòa nhà chuyển xanh một cách tự nhiên lại rất hiếm.
Dù vậy, trường hợp tòa nhà Vietcombank Tower tại TPHCM lại là một câu chuyện thú vị, vì hồ sơ “tốt một cách hoàn hảo” khi yêu cầu chứng nhận LEED (Leadership in Energy & Environmental Design), vốn phổ biến trên thế giới trong những năm gần đây về công trình xanh, được chứng nhận bởi Hội đồng Công trình Xanh Mỹ (USGBC).
“Từ khi bắt đầu, đơn vị tư vấn đã hỗ trợ chúng tôi chuẩn bị tốt hồ sơ, và đặc biệt, chúng tôi không cần đầu tư thêm bất kỳ trang thiết bị nào vì ngay từ đầu, tòa nhà đã được thiết kế đạt tiêu chuẩn”, ông Đào Ngọc Hùng, Tổng giám đốc Công ty liên doanh TNHH Vietcombank - Bonday - Benthanh (VBB), đơn vị chủ sở hữu và quản lý vận hành tòa nhà Vietcombank Tower, kể về hành trình tìm kiếm sự công nhận quốc tế về chất lượng tòa nhà và khả năng tiết kiệm năng lượng.
Số điểm đánh giá về LEED của tòa nhà đạt 85 điểm (trên 80 điểm là đạt chứng nhận cao nhất - Platinum), được xem là một mức rất cao đối với tòa nhà hiện hữu, cao hơn rất nhiều so với các tòa nhà lân cận, cho thấy sự đầu tư “chuẩn ngay từ đầu” trong cả khâu thiết kế tổng thể và vận hành.
Trên thực tế, với những tòa nhà mới xây, việc định hướng đạt LEED là không khó vì có thể đưa vào thiết kế ngay từ đầu. Nhưng cái hay của Vietcombank Tower là trước đây chưa có chủ định này, nhưng việc đầu tư cho khâu thiết kế theo tiêu chuẩn của Mỹ ngay từ đầu (thiết kế năm 2010) và những giá trị kèm theo sau này, đã giúp tòa nhà không cần đầu tư thêm mà đã đạt chuẩn rất cao.
Ông Santanu Dupta Gupta, Phó giám đốc Phát triển Thị trường, đại diện USGBC, người trao chứng nhận cho Vietcombank Tower, đánh giá cao về khả năng nâng cấp của một tòa nhà cũ để đạt chuẩn LEED. “Trong suốt quá trình làm việc tại USGBC, tôi đã đồng hành và biến nhiều tòa nhà cũ thành tòa nhà xanh đạt chuẩn, có tòa nhà đã hơn 125 năm tuổi. Nhưng ở tại Việt Nam đây là tòa nhà đầu tiên được đầu tư bởi một tổ chức tài chính mà đạt được chứng nhận LEED, đặc biệt là về vận hành và bảo dưỡng”, ông Santanu Dupta Gupta phát biểu.
Có quá nhiều thứ “Xanh từ bên trong” khi nói về tòa nhà văn phòng hạng A+ có vị trí đắc địa và tầm nhìn ra quảng trường Bến Bạch Đằng sông Sài Gòn, từ khâu thiết kế chọn vật liệu đến quy trình vận hành đều được đồng bộ từ đầu, giúp giảm thiểu chi phí và rủi ro trong việc cải tạo hoặc nâng cấp sau này.
“Ngay từ giai đoạn đầu, chủ đầu tư đã đặt giá trị thiết kế lên hàng đầu, chấp nhận chi phí đầu tư lớn cho thiết kế. Sự quyết đoán và tầm nhìn xa này đã tạo nền tảng vững chắc cho thành công của dự án với thiết kế chuẩn, vị trí đắc địa và hình ảnh độc đáo”, ông Hùng nói.
Từ bên ngoài nhìn vào, tòa nhà Vietcombank Tower đã nổi bật với sự khác biệt về hình khối so với nhiều tòa nhà văn phòng khác. Mặc dù chỉ có 35 tầng nổi và bốn tầng hầm, tòa nhà này vẫn cao hơn nhiều so với các tòa nhà 40 tầng thông thường ở TPHCM, nhờ chiều cao mỗi tầng đến 3,95 mét và khối đỉnh tháp kim loại có chiều cao tương đương 10 tầng. Hệ đèn chiếu sáng hiện đại và mang tính nghệ thuật cao. Mặt khác, thiết kế vật liệu độc đáo và khá hiếm ở chỗ kết hợp giữa đá - nhôm và kính, không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng (nhờ giảm nhiệt) mà còn mang đến hiệu ứng màu sắc riêng cho tòa nhà.
Không chỉ nổi bật với hình ảnh bên ngoài, phần nội thất của tòa nhà còn được đầu tư nhiều hơn. Không chỉ sử dụng những trang thiết bị nội thất đắt tiền, đơn vị quản lý tòa nhà đã liên tục chủ động thay thế các hạng mục đến hạn theo khuyến cáo ngay cả khi vẫn còn có thể sử dụng. Với tư duy “phòng ngừa hơn sửa chữa”, chất lượng máy móc, thiết bị hay vật liệu xây dựng luôn được đảm bảo ở mức cao.
Hướng đến chuẩn mực cao hơn
Giá trị thực mà tòa nhà mang lại cho khách hàng có rất nhiều yếu tố, từ vị trí, thương hiệu, hình ảnh, cho đến chất lượng thiết kế hay tiết kiệm năng lượng. Với Vietcombank Tower, đơn vị sở hữu và quản lý VBB còn đang hướng đến những tiêu chuẩn quốc tế cao hơn.
Thử thách mà những đô thị châu Á, trong đó có Việt Nam, phải đối diện trong kỷ nguyên thông tin và toàn cầu hóa là vấn đề giữ bản sắc đô thị - nhìn nhận mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Hiểu về bền vững để tạo không gian “chữa lành” tại các văn phòng từ ban đầu đang là yếu tố tạo nên sự khác biệt của Vietcombank Tower để theo đuổi các tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới về công trình bền vững.
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần thành công trong chứng chỉ LEED Platinum là hệ thống cung cấp không khí tươi của tòa nhà, cải thiện chất lượng không khí cho người sử dụng. “Tuy nhiên, chúng tôi không dừng lại ở đó mà quyết định theo đuổi chứng chỉ WELL, chứng nhận cao nhất thế giới về thiết kế và vận hành tốt cho sức khỏe người làm việc”, ông Hùng chia sẻ.
Tiêu chuẩn xây dựng WELL tập trung vào việc thúc đẩy sức khỏe và sự an toàn cho người sử dụng tòa nhà, được phát triển bởi Viện Xây dựng WELL Quốc tế (IWBI). Các tiêu chí đánh giá bao gồm không khí, nước, nguyên liệu, ánh sáng, kiến trúc, sự thoải mái và tâm trí. Đạt được WELL cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo an toàn cho sức khỏe và môi trường lao động.
Trên thực tế, hướng đến giá trị con người cũng đang là xu hướng nổi trội trên thế giới kể từ sau đại dịch Covid-19 cho đến nay. Đi cùng những bất ổn kinh tế thế giới lẫn vấn đề địa chính trị, xu hướng văn phòng đi từ nhu cầu “làm việc tại gia” đến yêu cầu trở lại văn phòng để cải thiện hiệu suất lao động. Nhưng dù là xu hướng nào, giá trị tòa nhà cũng đang được đề cao và ngày càng được nâng chuẩn, nơi người lao động dành trung bình tám giờ đồng hồ mỗi ngày để hít thở không khí, sử dụng dịch vụ mang tính cá nhân hóa và làm việc.
“Những gì Vietcombank Tower mang đến không phải chỉ là tiết kiệm năng lượng, mà còn là chất lượng làm việc tối ưu cho toàn thể nhân viên và các khách thuê. Ta có thể thấy càng ngày những người trẻ Gen Z và Millennials càng chú tâm đến môi trường làm việc”, ông Santanu Dupta Gupta, đại diện USGBC, đánh giá về giá trị của tòa nhà này.
Tỷ lệ lấp đầy hiện nay của Vietcombank Tower đạt 97%, một con số lý tưởng trong ngành, nhưng phía VBB cho biết vẫn giữ mức giá thuê ổn định và sẽ không ngừng nâng cao giá trị. “Chúng tôi tự hào vì đã đạt được những chứng nhận như LEED Platinum và đang hướng đến WELL, thể hiện sự quan tâm không chỉ đến khách thuê mà còn đến môi trường làm việc xanh, bền vững”, ông Hùng nói về định hướng tiếp theo.
Lễ trao chứng nhận LEED Platinum.
Hạ tầng đầu tư có sẵn từ việc “Xanh ngay từ đầu” là một lợi thế để VBB tăng cường cải thiện giá trị. Bên cạnh đó, một lợi thế của VBB là sở hữu bởi những cổ đông chất lượng, có nguồn lực tài chính mạnh mẽ, cũng như sự đồng nhất về việc sở hữu tài sản, thiết kế cho đến vận hành. Điều này giảm thiểu những rủi ro khi có quá nhiều bên cùng tham gia vào xây dựng giá trị cho tòa nhà.
Do vậy chỉ có yếu tố bền vững được đo lường bằng các tiêu chuẩn khắt khe, thực hiện minh bạch theo các chứng chỉ quốc tế mới giúp Vietcombank Tower tự tin trên hành trình chinh phục mọi cấp độ đánh giá về chất lượng tòa nhà. Từ đó trở thành nơi hội tụ của các thương hiệu toàn cầu lựa chọn mở văn phòng ở Việt Nam.
Câu chuyện tạo dựng điểm đến thu hút giới doanh nghiệp “tinh hoa” toàn cầu của Vietcombank Tower khi các tiêu chuẩn đã “tương thích” với chiến lược phát triển bền vững của họ tại thị trường Việt Nam.
Khách hàng luôn cảm nhận được giá trị thực sự. Thống kê của VBB cho thấy có đến gần 80% số công ty đặt văn phòng tại tòa nhà Vietcombank Tower từ khi bắt đầu vận hành, tức thời điểm chín năm trước, đến nay vẫn còn tiếp tục sử dụng dịch vụ. “Tòa nhà cũng rất chọn lọc khách thuê, ưu tiên những đơn vị có trách nhiệm với xã hội và hướng đến hệ sinh thái bền vững”, ông Hùng nói thêm về cách thức mà VBB cùng các khách hàng tạo thêm giá trị.
Song Dũng