Vinataba nhớ một thời nơi xứ Lạng

Vinataba nhớ một thời nơi xứ Lạng
8 giờ trướcBài gốc
Một số đồng chí cán bộ, lãnh đạo Nhà máy thuốc lá Bắc Sơn tại nơi sơ tán ở Lạng Sơn (Ảnh tư liệu)
Ngày 7/2/1965, Mỹ chính thức mở đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc - dùng không quân, hải quân ném bom, đánh phá miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương cho tiền tuyến lớn, “đè bẹp” ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Nhân dân ta. Là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp, Hà Nội trở thành trọng điểm đánh phá, bị máy bay Mỹ ném bom ác liệt. Nhiều cơ quan, trường học đã gấp rút sơ tán khỏi Thủ đô.
Tỉnh miền núi Lạng Sơn trở thành nơi đón nhận nhiều đơn vị, trường học về sơ tán, trong đó có một bộ phận của Nhà máy thuốc lá Thăng Long – "Đứa con đầu lòng" của ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam. Ông Nguyễn Trung Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty Thuốc lá Bắc Sơn đương nhiệm cho biết: “Khi máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, để bảo toàn lực lượng lao động và các phương tiện máy móc, kỹ thuật đảm bảo sản xuất liên tục trong hoàn cảnh chiến tranh, Nhà máy thuốc lá Thăng Long được Bộ Công nghiệp nhẹ đồng ý cho thực hiện phương án sơ tán khỏi Hà Nội. Một bộ phận của nhà máy được di chuyển lên Lạng Sơn xây dựng thành khu sản xuất hoàn chỉnh mang tên gọi T2. Tháng 4/1966, sau một quá trình nghiên cứu và khảo sát để chọn địa điểm thích hợp, bộ phận T2 được Trường Văn hóa quân đội tại thị xã Lạng Sơn giúp đỡ, cho mượn trụ sở để xây dựng cơ sở sản xuất”.
Đây là địa điểm rất thuận lợi nằm ở bờ Nam sông Kỳ Cùng, gần Ga Lạng Sơn, thường được gọi là “bên tỉnh” - nơi đặt các cơ quan công sở của tỉnh Lạng Sơn. Vị trí đặt nhà máy lúc đó ở ngay trong Đoàn Thành (thành cổ Lạng Sơn), nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn. Khu vực này rất rộng, từng là trung tâm hành chính của Lạng Sơn dưới thời phong kiến, nơi Pháp đóng quân khi chiếm đóng Lạng Sơn. Từ năm 1958, Trường Văn hóa quân đội đã chuyển từ Kiến An (Hải Phòng) về đặt trụ sở ở đây để dạy bổ túc, nâng cao trình độ văn hóa cho cán bộ, chiến sỹ. Bước vào năm 1965, khi máy bay Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, do yêu cầu mới của đất nước, trường đã chuyển về xã Mỹ Yên (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) để đào tạo thiếu sinh quân nhằm xây dựng lực lượng hậu bị vững vàng cho quân đội sau này. Trường mang tên mới là Trường Văn hóa quân đội Nguyễn Văn Trỗi hay còn gọi là Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Năm 1970, trường trở về địa điểm cũ ở Lạng Sơn và lại mang tên gọi Trường Văn hóa Quân đội, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng kiến thức văn hóa cho quân đội. Mãi đến năm 1990 trường mới kết thúc hoạt động khi đang mang tên Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng.
Do trường lúc đó để không nên bộ phận T2 đã xin mượn khu nhà đó để làm công xưởng. Công việc đầu tiên là sửa chữa, cải tạo những ngôi nhà có sẵn thành khu sản xuất, kho hàng, đồng thời thiết kế công nghệ, lắp đặt máy móc mau chóng đi vào sản xuất. Để cán bộ, công nhân ổn định đời sống, chuyên tâm công tác, Ban lãnh đạo T2 đã xây dựng 28 dãy nhà tập thể ở Nà Me (nay thuộc thôn Quảng Tiến 1, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn). Địa điểm này cách nhà máy khoảng 4 km, gần sông Kỳ Cùng rất thuận tiện cho sinh hoạt. Trong điều kiện thời chiến, việc di chuyển máy móc, trang thiết bị, con người đã được thực hiện rất mau chóng, khẩn trương bằng tàu hỏa theo tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn. Sau bốn tháng gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật, vật tư, nguyên liệu và nhân lực, đến tháng 8/1966 nhà máy bắt đầu đi vào sản xuất. Lúc này bộ phận T2 chỉ có khoảng gần 300 công nhân, chia làm 4 phân xưởng sản xuất theo công đoạn khép kín từ mài dao, thái sợi, sấy sợi đến cuốn điếu, sấy điếu, đóng bao. Phân xưởng cơ điện gồm có máy phát điện, máy tiện, máy cưa, khoan, hàn… Trong điều kiện chiến tranh thiếu thốn, khó khăn, gian khổ, các phân xưởng vẫn hăng say thi đua sản xuất với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội!”, “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt!”. Từ miền đất Lạng Sơn địa đầu Tổ quốc, sản phẩm thuốc lá bao mang nhãn hiệu Bắc Sơn, Tam Thanh, Nhị Thanh, Sông Hương, Đrao… đã nối nhau ra đời đáp ứng nhu cầu thị trường miền Bắc và cung cấp cho chiến trường miền Nam.
Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cán bộ, công nhân T2 còn luôn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, tích cực hỗ trợ quân Lạng Sơn ứng phó với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Từ cuối năm 1966, máy bay Mỹ mở rộng địa bàn đánh phá từ các huyện phía Nam sang các nơi khác của tỉnh Lạng Sơn như ga Đồng Đăng (huyện Cao Lộc); khu mỏ Na Dương, xã Nam Quan, Lục Thôn (huyện Lộc Bình) và huyện Bắc Sơn, thị xã Lạng Sơn… hòng cắt đứt sự chi viện của miền Bắc đối với chiến trường miền Nam. Trước tình hình đó, T2 đã chủ động xây dựng lực lượng tự vệ chiến đấu, củng cố hầm hào, xây dựng quy chế làm việc thời chiến để toàn thể cán bộ, công nhân thực hiện nghiêm ngặt. Đồng thời cắt đặt, bố trí trực chiến, xây dựng phương án chống địch oanh tạc bằng máy bay, chống địch đổ bộ, tập kích, phương án sơ tán lực lượng khi cần thiết. Năm 1966, cầu Kỳ Cùng và thị xã Lạng Sơn bị bom Mỹ đánh phá, cán bộ, công nhân nhà máy đã dũng cảm cùng quân dân Lạng Sơn băng qua lửa đạn cứu dân, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân, để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với địa phương nơi sơ tán.
Đến cuối năm 1967, T2 hoạt động ổn định, được Nhà máy thuốc lá Thăng Long trang bị thêm một số thiết bị công nghệ mới như: máy thái R6A, máy cuốn điếu C7, máy bao B13… để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, không ngừng đáp ứng nhu cầu thị trường, thị hiếu của Nhân dân. Đồng thời chuẩn bị thêm một số điều kiện để cho ra đời một nhà máy mới. Lực lượng sản xuất khi đó có khoảng 540 người và tiếp tục tuyển dụng bổ sung thêm nhân công ở Lạng Sơn, Hà Bắc (gồm Bắc Ninh, Bắc Giang). Các bộ phận chức năng được phân chia thành phòng, ban. Các tổ chức đoàn thể: Chi bộ Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên được tổ chức quy củ, nền nếp. Khi điều kiện đã chín muồi, ngày 15/2/1968, Bộ Công nghiệp nhẹ đã ra Quyết định số 113/CNn/TCCP về việc thành lập Nhà máy thuốc lá Bắc Sơn. Từ đây, T2 vinh dự, tự hào mang tên một địa danh lịch sử nổi tiếng ở chính nơi sơ tán. Bắc Sơn – một trong hai chiến khu cách mạng của cả nước thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa vũ trang oai hùng đi vào lịch sử của tỉnh Lạng Sơn và đất nước ngày 27/9/1940. Bắc Sơn cũng là nơi có nghề trồng thuốc lá nổi tiếng của tỉnh Lạng Sơn.
Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, hòa chung khí thế thi đua sôi nổi với Nhân dân cả nước và Nhân dân Lạng Sơn, cán bộ, công nhân Nhà máy thuốc lá Bắc Sơn đã ra sức lao động sản xuất, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Tay búa tay súng”, “Thanh niên ba điểm cao” (năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều), “ba cải tiến” (cải tiến kỹ thuật, cải tiến phương tiện vận chuyển, cải tiến tổ chức lao động và sản xuất)… Trong phong trào thi đua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương lao động quên mình vì miền Nam ruột thịt. Ngay trong năm 1968, nhà máy đã hoàn thành kế hoạch sản xuất 39 triệu bao thuốc lá trước thời hạn 5 ngày. Ngày 27/12/1969, Bộ Công nghiệp nhẹ phê duyệt cho nhà máy thuốc lá Bắc Sơn chuyển về tỉnh Hà Bắc. Đến tháng 1/1971 chính thức hoàn thành di chuyển nhà máy về phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh - là địa điểm hiện nay của Công ty. Từ năm 2005 nhà máy được chuyển thành Công ty TNHH một thành viên Thuốc lá Bắc Sơn.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch Công ty cho biết: “Thời kỳ sơ tán ở Lạng Sơn là mốc dấu khởi đầu quan trọng của Công ty thuốc lá Bắc Sơn. Đó là những trang đầu tiên trong lịch sử hình thành, phát triển của công ty. Những năm chiến tranh đầy gian khó, khốc liệt đó, nhà máy thuốc lá Bắc Sơn đã luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ ân tình của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Đó cũng là nguồn động viên lớn lao để cán bộ, công nhân viên nhà máy ra sức phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất, góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam vô cùng vẻ vang của dân tộc”.
Với Lạng Sơn, thời kỳ hoạt động của nhà máy thuốc lá Bắc Sơn tại Thành cổ là những tư liệu quý góp phần làm phong phú hơn nội dung lịch sử của di tích quốc gia Đoàn Thành. Những thông tin chân xác đó từ công ty đã phần nào tái hiện những năm tháng chiến tranh chống Mỹ tuy gian khó nhưng rất đỗi hào hùng trên mảnh đất Xứ Lạng. Trong những ngày tháng không thể nào quên đó, nơi công trường, nhà máy, ruộng đồng, trường học, công sở… tất cả đều hăng say học tập, lao động sản xuất và hướng về miền Nam ruột thịt với tình cảm sắt son và niềm tin tất thắng!
Chu Quế Ngân
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/nha-may-thuoc-la-bac-son-nhung-nam-so-tan-o-lang-son-5044544.html