Vingroup vượt PV Gas, soán ngôi 'vua tiền mặt'

Vingroup vượt PV Gas, soán ngôi 'vua tiền mặt'
11 giờ trướcBài gốc
Trong bối cảnh kinh tế biến động, câu nói "tiền mặt là vua" ngày càng trở nên đúng hơn bao giờ hết, nhấn mạnh vai trò quan trọng của dòng tiền đối với doanh nghiệp. Kết thúc năm 2024, khi nhiều công ty bắt đầu thu hẹp lượng tiền mặt, một số "ngôi sao mới nổi" lại vươn lên dẫn đầu với khối tài sản tiền mặt lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Việc các doanh nghiệp lớn tăng cường dự trữ tiền mặt phản ánh xu hướng thận trọng trong quản lý tài chính, không chỉ để đảm bảo thanh khoản mà còn nhằm tận dụng cơ hội sinh lời từ lãi suất tiền gửi trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động.
Cuộc đua tiền mặt trên sàn chứng khoán
Từng nhiều năm liên tiếp giữ vị trí dẫn đầu về lượng tiền mặt trên sàn chứng khoán, nhưng đến cuối năm 2024, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas; HoSE: GAS) chứng kiến sự sụt giảm mạnh về lượng tiền mặt. Tại thời điểm 31/12/2024, số dư tiền mặt của PV Gas chỉ còn 33.000 tỷ đồng, giảm 18% so với năm trước. Đáng chú ý, trong năm, có thời điểm khoản tiền mặt của doanh nghiệp này gần chạm mốc 45.000 tỷ đồng.
Tại ngày cuối năm, tiền gửi ngân hàng kỳ hạn từ 3 tháng đến 1 năm của PV Gas đạt 27.400 tỷ đồng, chiếm phần lớn tổng lượng tiền mặt. Do mức giảm này, lãi tiền gửi của PV Gas năm 2024 chỉ đạt 1.466 tỷ đồng, giảm gần 28%.
Về kết quả kinh doanh, năm 2024, PV Gas ghi nhận doanh thu thuần 103.564 tỷ đồng, tăng 15%, lập kỷ lục doanh thu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 10.590 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Dù vậy, PV Gas vẫn vượt 48% kế hoạch doanh thu và 83% kế hoạch lợi nhuận do Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 đề ra.
Trong khi đó, Tập đoàn Vingroup - CTCP (HoSE: VIC) dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã tích lũy tới 48.000 tỷ đồng tiền mặt vào cuối năm 2024, chính thức vượt qua PV Gas để trở thành doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền mặt lớn nhất sàn chứng khoán.
Hơn 42.000 tỷ đồng trong số này được Vingroup gửi tại các ngân hàng với kỳ hạn ngắn từ 1 đến 3 tháng, hưởng lãi suất từ 1,9% đến 5,7%. Ngoài ra, hơn 5.000 tỷ đồng được gửi với kỳ hạn từ 3 đến 12 tháng, với lãi suất từ 1,9% đến 7,1%. Nhờ chiến lược này, riêng trong quý IV/2024, Vingroup thu về hơn 1.300 tỷ đồng tiền lãi từ các khoản tiền gửi - tức mỗi ngày nhận 14 tỷ đồng.
Tập đoàn Vingroup dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã tích lũy tới 48.000 tỷ đồng tiền mặt vào cuối năm 2024.
Năm 2024, tổng doanh thu thuần của Vingroup đạt 192.159 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước. Với sự tăng trưởng tích cực từ hoạt động bán hàng, không quá bất ngờ khi chi phí bán hàng của tập đoàn cũng tăng mạnh lên 18.681 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2023. Cùng với đó, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 34% và 22%, chủ yếu do áp lực từ lãi vay và phát hành trái phiếu.
Dù chi phí tăng cao, lợi nhuận sau thuế của Vingroup vẫn đạt 5.251 tỷ đồng, tăng 155% so với năm 2023, vượt kế hoạch do Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 đề ra.
Xu hướng tăng cường dự trữ tiền mặt
Xếp thứ hai trong danh sách doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền mặt lớn nhất là Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (HoSE: BSR) - tân binh trên sàn HoSE, với hơn 43.000 tỷ đồng, tăng gần 13% so với năm trước. Tuy nhiên, dù tiền gửi tăng, lãi tiền gửi của BSR lại giảm 22%, chỉ đạt 1.248 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) cũng nằm trong nhóm doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn. Đến cuối năm 2024, ACV nắm giữ 26.555 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, mang về khoản lãi 1.090 tỷ đồng trong năm.
Đến cuối năm 2024, ACV nắm giữ 26.555 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, mang về khoản lãi 1.090 tỷ đồng trong năm
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) cũng duy trì lượng tiền mặt đáng kể. Báo cáo tài chính quý IV/2024 cho thấy doanh nghiệp này ghi nhận 24.690 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, tăng 16% so với đầu năm.
Nhờ vậy, năm 2024, Thế Giới Di Động thu về gần 1.838 tỷ đồng tiền lãi, tăng 68 tỷ đồng so với năm 2023. Đặc biệt, các khoản trái phiếu nắm giữ và các khoản đầu tư có kỳ hạn cũng tăng mạnh từ 2.644 tỷ đồng đầu năm lên 9.530 tỷ đồng vào cuối năm 2024.
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk; HoSE: VNM) cũng góp mặt trong danh sách doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền mặt lớn. Tại ngày 31/12/2024, Vinamilk có 26.164 tỷ đồng tiền mặt, tăng 13% so với đầu năm. Trong đó, 23.259 tỷ đồng được gửi ngân hàng ngắn hạn và 680 tỷ đồng gửi ngân hàng dài hạn.
Tính đến cuối năm 2024, tài sản xây dựng dở dang của Hòa Phát tại dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 đạt 60.108 tỷ đồng, tăng vọt 166%.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận 25.862 tỷ đồng tiền mặt, giảm gần 25% so với đầu năm do tập trung nguồn lực cho dự án Dung Quất 2.
Tại ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Hòa Phát đạt 224.440 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Đáng chú ý, tài sản xây dựng dở dang của doanh nghiệp lên tới 63.749 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng tài sản, trong đó riêng dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 chiếm 60.108 tỷ đồng, tăng vọt 166%.
Nguyễn Phương Anh
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/vingroup-vuot-pv-gas-soan-ngoi-vua-tien-mat-204250206160859344.htm