Theo Hiệp hội yến sào Việt Nam, đến thời điểm này, cả nước có hơn 22.000 nhà yến, phân bố tại 42/63 tỉnh, thành phố. Vùng đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 10.500 nhà yến (chiếm 44,7%, tập trung nhiều ở tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang. Vùng Đông Nam Bộ có khoảng 5.900 nhà yến (chiếm 25%), vùng Nam Trung Bộ có hơn 4.900 nhà yến (chiếm 21%), vùng Tây Nguyên có khoảng 1.900 nhà yến (chiếm 8,4%). Riêng các tỉnh phía Bắc chỉ nuôi khoảng 240 nhà yến. Sản lượng tổ yến của Việt Nam hiện đạt khoảng 150–200 tấn/năm, với giá trị kinh tế ước tính từ 500 đến 600 triệu USD. Dự báo đến năm 2030, sản lượng tổ yến của cả nước có thể đạt 350–400 tấn/năm, với giá trị xuất khẩu ước tính trên 1 tỷ USD.
Các đại biểu dự hội nghị vinh danh doanh nghiệp, kinh doanh ngành hàng yến sào tiêu biểu toàn quốc năm 2024
Các đại biểu tham quan khu trưng bày các thiết bị phục vụ nhà nuôi dẫn dụ chim yến
Tổ yến của doanh nghiệp Trí Sơn chế biến ra nhiều sản phẩm có giá trị
Theo các đại biểu dự hội nghị, ngành hàng yến sào của nước ta đang gặp nhiều khó khăn, sản lượng, giá trị giảm do sự cạnh tranh khốc liệt về giá bán trên thị trường trọng điểm như Trung quốc; áp lực duy trì nguồn nguyên liệu chất lượng cao, sạch, đẹp và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trong bối cảnh nhiều thị trường ngày càng khắt khe; một số địa phương còn xảy ra “yến tặc” gây ảnh hưởng đến mô hình chăn nuôi này.
Ông Lê Minh Phú, nông dân ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp nuôi 04 nhà yến thu hoạch mỗi năm 180 kg chia sẻ: “Theo tôi nhà nuôi yến muốn thành công trước tiên thì vấn đề vận hành phải tốt và phải đúng quy trình để tổ yến đẹp, khi tổ yến đẹp thì giá sẽ cao. Quan trọng nhất là nhà nước nên quan tâm vấn đề đầu ra, xuất khẩu thì tổ yến mới tăng giá được chứ tiêu thụ nội địa thì giá không tăng. Chúng tôi muốn nhà nước nên đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục cho người dân nuôi yến thuận lợi hơn ví dụ như chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay cấp phép xây dựng nhà yến hoặc là các nhà yến có rồi thì không được đóng cửa hay phải di dời ra khỏi khu dân cư, đô thị”.
Xưởng tinh chế tổ yến của doanh nghiệp Trí Sơn tại Tp. Mỹ Tho
Tại tỉnh Tiền Giang đang nuôi hơn 1.700 nhà yến, đứng hạng 2 trong cả nước (sau tỉnh Kiên Giang) cho sản lượng hơn 20 tấn tổ yến/năm. Trong đó, công ty TNHH thương mại dịch vụ Trí Sơn đã đưa mặt hàng tổ yến tinh chế xuất chính ngạch sang thị trường Trung quốc.
Theo ông Bùi Băng Sơn, Giám đốc công ty TNHH thương mại dịch vụ Trí Sơn, thành viên Hiệp hội yến sào Việt Nam cho biết, hội nghị không chỉ là dịp để nhìn lại một năm đầy nỗ lực, mà còn là thời điểm để tri ân và vinh danh những cá nhân, doanh nghiệp tiêu biểu đã có những đóng góp tích cực vì sự phát triển chung của ngành yến sào Việt Nam. Đây cũng là dịp các đơn vị trong ngành có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, cùng thắt chặt mối quan hệ hợp tác, tạo nên một cộng đồng yến sào đoàn kết và phát triển lâu dài, là cơ hội để xây dựng chuỗi sản xuất yến sào phục vụ xuất khẩu.
“Qua hội nghị này, mình có mong muốn sẽ kết nối các doanh nghiệp sản xuất yến, người nuôi yến tạo thành chuỗi liên kết nhằm mục đích là nâng cao giá trị tổ yến để xuất khẩu sang thị trường Trung quốc, nhất là sau ngày Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sang Việt Nam có ký thêm Nghị định thư cho xuất khẩu thêm yến thô vì trước mình chỉ xuất khẩu yến tinh chế nay được bổ sung thêm yến thô”- ông Sơn cho hay.
Các hội viên mới của Hiệp hội yến sào Việt Nam ra mắt tại hội nghị
Sản phẩm yến sào đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc
Dịp này Hiệp hội yến sào Việt Nam đã trao tặng nhiều kỉ niệm chương, bằng khen cho các tập thể, cá nhân; phát động phong trào “ xây dựng thương hiệu vì sức khỏe cộng đồng”, đấu giá tranh yến phục vụ công tác xã hội và kết nạp thêm nhiều hội viên mới.
Chu Trinh-VOV/ĐBSCL