Điều chỉnh kế hoạch kinh doanh sát ngày ĐHĐCĐ
Mới đây, Vĩnh Hoàn đã có sự điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2025 trong bối cảnh doanh nghiệp cá tra chịu nhiều áp lực từ thuế đối ứng Mỹ.
Theo đó, 2 kịch bản đã được doanh nghiệp đưa ra. Ở mức cơ bản, mục tiêu doanh thu 10.900 tỷ và lãi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 1.000 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và 18% so với năm ngoái.
Ở kịch bản cao, công ty đề ra chỉ tiêu doanh thu 12.350 tỷ đồng, giảm 1,3% so với thực hiện năm 2024. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ dự kiến 1.300 tỷ đồng, tăng trưởng 6%.
Con số này đều thấp hơn so với mục tiêu ban đầu. Trong tài liệu công bố hồi đầu tháng 4, Vĩnh Hoàn đưa ra kế hoạch kinh doanh gồm doanh thu 13.800 tỷ đồng và lãi ròng 1.500 tỷ đồng. Như vậy chỉ tiêu lợi nhuận đã giảm 200-500 tỷ so với ban đầu.
Công ty điều chỉnh lợi nhuận trong bối cảnh ngành thủy sản Việt Nam đang chịu áp lực lớn từ thuế đối ứng của Mỹ, có thể lên đến 46% và vẫn đang thương lượng. Đây là một trong những tác động rất lớn khi Mỹ là thị trường chiếm tới 46% thị phần xuất khẩu của Vĩnh Hoàn.
Chia sẻ với cổ đông, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc nói doanh nghiệp không bi quan mà vẫn khá lạc quan về xuất khẩu sản phẩm chủ lực cá tra.
Công ty đã ngay lập tức dự báo tác động của thuế đối ứng lên khả năng sinh lời và cũng cập nhật tài liệu trước đại hội. Công ty tính toán nhanh và đưa ra dự đoán về con số bảo thủ nhất, để nhà đầu tư không quá hoang mang.
"So với kế hoạch ban đầu, chúng tôi đã thận trọng trong bối cảnh mới. Diễn biến tiếp theo tùy thuộc vào độ chấp nhận của thị trường, chúng tôi vẫn lạc quan để thực hiện được vượt kế hoạch bảo thủ này", bà Tâm tự tin.
Theo đó, “nữ hoàng cá tra” khẳng định xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng 9-10% trong năm nay, điều này là nhờ các loại cá thịt trắng khác suy giảm. Ca tra đang chiếm thêm thị phần cá minh thái do lệnh cấm đối với Nga, hay cá tuyết ở phân khúc cao hơn và bị hạn chế đánh bắt.
Lãnh đạo công ty cho biết thêm vẫn lạc quan về việc thực hiện tốt hơn kế hoạch, phụ thuộc khả năng chấp nhận của người tiêu dùng Mỹ với mức giá cao hơn và phụ thuộc sức mạnh nền kinh tế. Các khách hàng Mỹ vẫn có sức tiêu thụ tốt, mong muốn công ty nuôi cá lớn nhanh để tăng xuất khẩu.
Trong một diễn biến tích cực khác, Vĩnh Hoàn là nhà xuất khẩu cá tra hàng đầu vào thị trường Mỹ và có những lợi thế riêng biệt. Đây là doanh nghiệp duy nhất đủ điều kiện dỡ bỏ thuế chống bán phá giá theo quy định của Mỹ hồi đầu năm.
"Đây là kết quả của 21 năm theo đuổi vụ kiện, chấm dứt thuế bán phá giá vĩnh viễn với Vĩnh Hoàn, tạo ra bước ngoặt thuận lợi và vị thế vượt bậc so với các đối thủ cạnh tranh", đại diện doanh nghiệp nói thêm.
Việc dỡ bỏ thuế chống bán phá giá là tín hiệu tích cực cho Vĩnh Hoàn. Ảnh: VHC.
Mỹ vẫn sẽ là thị trường chiến lược
Trả lời cổ đông về những tác động từ thuế đối ứng, bà Tâm cho biết, đối với các thị trường ngoài Mỹ chưa ghi nhận bất kỳ ảnh hưởng nào. Về cơ bản, công ty ưu tiên tăng xuất khẩu vào Mỹ nhưng vẫn đảm bảo lượng hàng cho các thị trường ngoài Mỹ.
Công ty chỉ gặp khó khăn là chi phí nguyên vật liệu khá cao, công việc bán hàng có khó khăn về mặt kích cỡ sản phẩm, do cá nuôi của công ty đang còn nhỏ chưa đáp ứng kịp cho kích cỡ xuất khẩu.
Đối với các kịch bản áp thuế đối ứng từ Mỹ, Chủ tịch HĐQT Trương Thị Lệ Khanh nói rằng thuế quan do nhà nhập khẩu chịu, dù là 10% hay đến 46%.
"Kịch bản áp thuế mức nào cũng cần có thời gian để xem sức chịu đựng của người tiêu dùng Mỹ. Chúng tôi luôn đặt ra thuế nhập khẩu là trách nhiệm của nhà nhập khẩu, chúng tôi khó lòng chia sẻ mức thuế này", theo bà Khanh.
Cá tra của Vĩnh Hoàn có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các mặt hàng khác khi Việt Nam là nguồn cung chủ lực, ít có đối thủ thay thế, do đó người tiêu dùng vẫn có sử dụng sản phẩm này.
"Kịch bản xấu nhất áp thuế 46% thì người tiêu dùng vẫn có thể chấp nhận, đương nhiên cần có thời gian để nhà nhập khẩu quân bình giá nhằm giữ thị trường. Theo quy luật cần thời gian để người tiêu dùng chấp nhận và điều chỉnh thị trường. Mức thuế dưới 20% thì dễ thở hơn cho việc điều chỉnh này", người đứng đầu doanh nghiệp cho biết.
Bà Khanh khẳng định đến hiện tại không quá bi quan để rút lui ở Mỹ, cá tra vẫn đang phục vụ người tiêu dùng. Câu chuyện này nên để người tiêu dùng Mỹ đấu tranh vì ảnh hưởng đến sức mua và phía nhà nhập khẩu cũng phải đấu tranh giảm thuế.
Trong thời gian 90 ngày hoãn thuế thì công ty sẽ xuất khẩu tốt nhất có thể. Mỹ kiểm soát việc nhập khẩu và văn hóa doanh nghiệp của họ không tích trữ quá nhiều hàng tồn kho. Đại diện Vĩnh Hoàn khẳng định: "Không quá bi quan cũng không quá lạc quan, cá tra sẽ bình ổn được trong bất cứ tình huống nào".
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, lũy kế xuất khẩu cá tra trong quý I đạt hơn 465 triệu USD, tăng 13% so với quý I/2024. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep), đánh giá, nhìn chung tình hình xuất khẩu trong quý I vẫn ổn định. Tuy nhiên, đầu tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế đối với hầu hết các nền kinh tế, và điều chỉnh ngay sau đó. Thời điểm hiện tại - 90 ngày hoãn thuế tạm lắng xung đột thương mại - tạo ra đồng thời cả cơ hội và rủi ro hiện hữu.
“Quá khó để dự đoán tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó có cá tra trong tương lai gần khi các chính sách thương mại dưới thời ông Trump luôn tiềm ẩn yếu tố bất ngờ, có thể đảo chiều chỉ trong một đêm và tạo ra những cú sốc lớn cho thị trường. Thị trường xuất khẩu cá tra không phải là ngoại lệ”, Vasep đánh giá.
Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Việt Nam. Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết các văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực, trong đó có thương mại nông sản. Đồng thời, hai bên nhất trí phát huy tốt vai trò của "Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực" (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) thúc đẩy thương mại song phương phát triển theo hướng cân bằng.
Trung Quốc và Mỹ đều là các thị trường trọng điểm của cá tra Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang có nhiều biến động. Bất kỳ động thái nào từ các “nước bạn” cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến thủy sản, trong đó có cá tra.
“Lạc quan mà nói, vị thế của cá tra Việt Nam trên trường quốc tế từ lâu đã là một “mắt xích” quan trọng trong vòng tuần hoàn xuất nhập khẩu thủy sản thế giới; người tiêu dùng “xứ sở Trung Hoa” và “xứ cờ Hoa” phần nào cũng đã quen với hương vị cá tra Việt. Kỳ vọng rằng, xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục chinh phục các thị trường, với giá cả tốt nhất để người tiêu dùng được thưởng thức trọn vẹn hương vị của loài cá thịt trắng đến từ Việt Nam”, Vasep thông tin.
Trang Mai