Theo số liệu thống kê, tổng nguồn vốn sự nghiệp được phân bổ cho các dự án này hơn 13,3 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương hơn 11,3 tỉ đồng. Đến nay, địa phương đã thực hiện giải ngân hơn 7,4 tỉ đồng, ước tính trong năm 2025 sẽ tiếp tục giải ngân hơn 5,8 tỉ đồng.
Huyện đã triển khai thực hiện 16 dự án phát triển sản xuất cộng đồng thuộc lĩnh vực nông nghiệp với 195 mô hình chăn nuôi, trồng trọt (trâu, bò, lợn gà, cao su). Trong đó có 117 mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản, 19 mô hình trồng cao su, 21 mô hình nuôi gà, 38 mô hình nuôi lợn. Đáng chú ý, có tới 111 hộ gia đình tham gia các dự án này là người dân tộc thiểu số tại 3 xã vùng núi khó khăn là Vĩnh Ô, Vĩnh Khê và Vĩnh Hà.
Không chỉ hỗ trợ về giống và vốn, các dự án còn chú trọng nâng cao kiến thức và kỹ năng cho người dân. Theo đó, huyện đã phối hợp tổ chức 9 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 387 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia thực hiện dự án và người dân tại các địa phương.
Tuy nhiên, quá trình triển khai các mô hình giảm nghèo cũng gặp không ít khó khăn. Đối tượng thụ hưởng chính là hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo, vốn là những nhóm yếu thế trong xã hội. Trình độ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, đôi khi vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh và biến động giá cả thị trường. Vì vậy việc thu hồi 10% vốn ở các xã miền núi đa số là người dân tộc thiểu số và 20% ở các xã vùng đồng bằng sau khi kết thúc dự án tối đa không quá 3 tháng là rất khó khăn cho tổ nhóm cộng đồng và chính quyền.
Mặc dù còn những khó khăn nhất định, những kết quả đạt được từ các dự án đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo tại huyện Vĩnh Linh trong giai đoạn vừa qua là rất đáng khích lệ, thể hiện sự quan tâm của các ngành, địa phương trong việc tập trung nguồn lực thực hiện, tạo động lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Bảo Bình