Nhiều công trình giao thông quan trọng được tỉnh đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông
Phát huy thế mạnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Thủ đô, hệ thống giao thông kết nối với các địa phương trong vùng của tỉnh được quan tâm, quy hoạch, đầu tư đồng bộ. Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng theo Nghị quyết số 57 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, như bố trí nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông; triển khai các dự án trọng điểm liên quan đến phát triển vùng và liên kết vùng; đẩy mạnh phân cấp quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực…
Ký thỏa thuận với UBND tỉnh Tuyên Quang về việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 2C, Quốc lộ 2D và các tuyến đường khác kết nối 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Tuyên Quang; triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua tỉnh để kết nối Vĩnh Phúc với Thái Nguyên.
Theo đó, tỉnh đã lựa chọn, triển khai đầu tư 15 dự án lớn, trọng điểm sử dụng nguồn vốn đầu tư công và 15 dự án sử dụng vốn đầu tư trực tiếp; huy động tối đa các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, tranh thủ vốn vay ODA để ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình trọng điểm, có tính chất lan tỏa, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Từ năm 2020 đến nay, nhiều dự án giao thông lớn, trọng điểm đã được triển khai, hoàn thành hoặc đề xuất đầu tư với quy mô tương đối hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành phố trong khu vực, góp phần mở rộng không gian đô thị, từng bước hình thành hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc.
Toàn tỉnh hiện có 159km đường quốc lộ, cao tốc chạy qua; 191km đường vành đai và các tuyến trục chính được đầu tư, còn 64km đang được nghiên cứu đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2023 - 2025; có 17 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 371km đã được cứng hóa 100%, kết nối liên thông từ địa phương đến trung tâm của các huyện, thành phố; nhiều công trình cầu vượt sông như cầu Vĩnh Thịnh, cầu Vĩnh Phú… được đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng nhằm kết nối với các tuyến cao tốc, quốc lộ và các tỉnh, thành phố lân cận...
Vừa qua, Ban Quản lý các dự án đường thủy - Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh tổ chức lễ triển khai thực hiện dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì. Với tổng mức đầu tư hơn 1.258 tỷ đồng, dự án có chiều dài tuyến khoảng 11km, quy mô từ 4 - 6 làn xe theo TCVN 4054:2005, tốc độ thiết kế 80 km/giờ…
Thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng Vĩnh Phúc có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu của cả nước… Tỉnh đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó xác định ưu tiên nguồn lực nâng cấp các tuyến đường giao thông trọng điểm, có tính lan tỏa, kết nối vùng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như trục Bắc - Nam, trục Đông - Tây, đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội…
Đồng thời nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III đồng bằng đối với toàn bộ hệ thống đường tỉnh hiện hữu để tăng cường kết nối, đảm bảo an toàn giao thông và rút ngắn thời gian lưu thông từ trung tâm các huyện, thành phố đến trung tâm của tỉnh; xây dựng mới một số tuyến đường tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, gắn với phát triển hạ tầng thuộc các ngành, lĩnh vực khác.
Góp phần thu hút đầu tư
Cùng với hoàn thiện hạ tầng giao thông, công tác quy hoạch hệ thống các khu công nghiệp được tỉnh ưu tiên, tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp đến tìm hiểu và đầu tư.
Đến nay, Vĩnh Phúc được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch phát triển khu công nghiệp (KCN) đến năm 2030 với 28 KCN được quy hoạch, tổng diện tích là 4.815ha. Hiện tại 17 KCN đã được thành lập, trong đó 9 KCN đã đi vào hoạt động hiệu quả. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê, đăng ký thuê là gần 900ha, tỷ lệ lấp đầy KCN đạt hơn 60% với hơn 1.250 dự án FDI và DDI đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Riêng năm 2024, kết quả thu hút vốn FDI vượt mục tiêu đề ra, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều thách thức hiện nay với tổng vốn đầu tư FDI thu hút ước đạt 600 triệu USD, tăng 50% so với kế hoạch; vốn đầu tư DDI ước đạt 5.500 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra.
Thời gian tới, Vĩnh Phúc ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch, các dự án giao thông trọng điểm. Đầu tư, xây dựng một số nút giao khác mức để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên… Từ đó khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong mối liên kết với vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng, tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, thu hút đầu tư.
Văn Nhất