Kênh Vĩnh Tế được ông Nguyễn Văn Thoại (tức Thoại Ngọc Hầu - vị quan triều Nguyễn) chỉ huy đào trong 5 năm liền (1819-1824) để phát triển nông nghiệp và mở đường cho vùng đất phương Nam những ngày đầu khai hoang mở cõi và là công trình mang tính chiến lược, bảo vệ quốc phòng an ninh. Kênh có chiều dài gần 90km và đây là kênh đào quan trọng trong lịch sử Việt Nam nối từ Châu Đốc đến Hà Tiên.
Nơi ông Huỳnh Văn Lạc (ngụ xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) sinh sống là đoạn cuối của kênh Vĩnh Tế trước khi đổ ra biển. 82 tuổi, cả cuộc đời ông đã gắn bó với dòng kênh này. Ông Lạc cũng chứng kiến dòng kênh giúp thoát bớt nước vào mùa nước nổi tại đây.
Lớn lên bên dòng Vĩnh Tế, bà Đoàn Thị Lợi (huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) chứng kiến mảnh đất cằn cỗi này đổi thay. Từ việc chỉ đáp ứng 1 vụ lúa/năm, khi nước kênh Vĩnh Tế kéo về đến xã, hiện mỗi năm, người nông dân có thể thu hoạch ít nhất 2 vụ lúa.
Ngày nay, kênh Vĩnh Tế mang nước ngọt kèm phù sa vun đắp cho ruộng đồng cả vùng tứ giác Long Xuyên và toàn bộ diện tích tiếp giáp Campuchia. Từ đó, nhiều địa phương ở An Giang, Kiên Giang mở rộng dần diện tích trồng lúa.
Trước đây, khi chưa có đường bộ, thương lái muốn vào tận vùng sâu, vùng xa thu mua nông sản đều phải qua kênh này, kênh là tuyến đường thủy huyết mạch giao thương hàng hóa từ TP.Châu Đốc đến TP.Hà Tiên.
Thủy sản như tôm, ốc, cá biển… ở Hà Tiên ngược dòng Vĩnh Tế để đi đến Tri Tôn, Châu Đốc của tỉnh An Giang. Ngược lại, trâu bò, lúa gạo, trái cây núi… sẽ từ vùng Bảy Núi, theo kênh Vĩnh Tế để xuôi dòng về xứ biển. Từ khi có kênh Vĩnh Tế, dọc 2 bên bờ kênh, các làng nhanh chóng được hình thành, thu hút đông đảo người dân đến khai mở đất hoang, phát triển nông nghiệp và cùng nhau gìn giữ biên cương.
Cạnh dòng kênh Vĩnh Tế, những căn nhà sàn cũ không còn hiện hữu, thay vào đó là những căn nhà khang trang cặp quốc lộ N1, cuộc sống người dân ở vùng biên đổi thay từng ngày. Ngày nay, để nhớ ơn những người có công lao to lớn trong công cuộc đào kênh, khai khẩn ở thành phố Châu Đốc, lăng Thoại Ngọc Hầu luôn nghi ngút khói. Tên vợ ông, bà Châu Thị Tế, cũng được dùng để đặt nhiều địa danh, trường học.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!
Khánh Hà - Đinh Dương - Trung Hiếu - Đỗ Khoan
Nguồn Quốc Hội TV : https://quochoitv.vn/vinh-te-dong-kenh-tram-tuoi-243095.htm