VN-Index mất mốc 1.220 điểm, cổ phiếu VTP 'tím lịm'

VN-Index mất mốc 1.220 điểm, cổ phiếu VTP 'tím lịm'
3 giờ trướcBài gốc
Diễn biến tiêu cực của phiên giao dịch ngày 14/11 đã khiến nhà đầu tư không đặt kỳ vọng cao vào xu hướng thị trường trong phiên giao dịch cuối tuần. Sắc đỏ lan rộng với biên độ giảm này càng nới rộng hơn về cuối phiên sáng đã khiến VN-Index lùi sâu dưới mốc tham chiếu và may mắn bật hồi đôi chút để lấy lại mốc 1.220 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường tiếp tục thử thách lại vùng giá này nhưng ngay lập tức lực cầu được kích hoạt, đã giúp VN-Index bật hồi khá tốt.
Tuy nhiên, nỗ lực tìm lại mốc 1.230 điểm khá khó khăn khi dòng tiền tham gia chưa đủ mạnh, trong khi áp lực bán luôn thường trực và sức ép lớn đến từ nhóm cổ phiếu bluechip, VN-Index đã quay đầu sau khoảng 1 giờ nỗ lực và đã chính thức chia tay mốc 1.220 điểm, khép lại phiên cuối tuần tại mức giá thấp nhất trong hơn 3 tháng qua, kể từ phiên 9/8.
Chốt phiên, sàn HOSE có 75 mã tăng và 305 mã giảm, VN-Index giảm 13,32 điểm (-1,1408 xuống 1.218,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 750,6 triệu đơn vị, giá trị gần 18.649 tỷ đồng, tăng 8,37% về khối lượng và 15,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 82,53 triệu đơn vị, giá trị 2.448,5 tỷ đồng.
Nhóm VN30 là gánh nặng chính khi chốt phiên giảm gần 15,5 điểm, trong đó chỉ còn 3 mã là VRE, SSB, BVH ngược dòng thành công với mức tăng chỉ trên dưới 0,5%; cùng VJC đứng giá tham chiếu; còn lại có tới 26 mã giảm.
Trong đó, các mã SSI, FPT, VHM đều nới rộng hơn biên độ giảm trong phiên chiều khi chịu thêm sức ép từ cung ngoại với giá trị bán ròng mỗi mã đều đạt vài trăm tỷ, với SSI vẫn là mã giảm mạnh nhất trong rổ bluechip khi để mất 3% xuống mức 23.950 đồng/CP, thanh khoản thuộc top 3 thị trường với hơn 25,5 triệu đơn vị và khối ngoại bán ròng hơn 8,5 triệu đơn vị.
Dòng tiền vẫn tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép và bất động sản, tuy nhiên tất cả các ngành này đều không thoát khỏi sự điều chỉnh của thị trường chung, với đà giảm mạnh nhất là nhóm chứng khoán. Bên cạnh SSI, các cổ phiếu HCM, VND, FTS, BSI cũng đồng loạt hơn hơn 2%, CTS, VDS, AGR giảm hơn 4%, VCI giảm gần 2%... Cổ phiếu VIX vẫn duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản thị trường với gần 29,5 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,2% xuống mức 9.700 đồng/CP.
Ở nhóm ngân hàng, ngoại trừ cặp đôi SSB và LPB có được sắc xanh nhưng mức tăng chưa tới 0,5%, còn lại đều giảm với biên độ giảm chủ yếu là trên dưới 1%.
Nhóm bất động sản có một số mã ngược dòng tích cực như KBC và SZC kết phiên đều tăng hơn 2%, trong đó KBC khớp hơn 12 triệu đơn vị, còn SZC khớp gần 5 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thép tiếp tục tiêu cực với HPG giảm 1,5% xuống mức giá thấp nhất trong phiên 25.900 đồng/CP và khớp lệnh 27,6 triệu đơn vị; HSG và NKG đều giảm 3,7% với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 11,66 triệu đơn vị và 7,4 triệu đơn vị.
Trong bối cảnh chung khá tiêu cực, các cổ phiếu họ Viettel như CTR, VTK cũng khó tránh khỏi pha điều chỉnh, nhưng VTP vẫn bùng nổ. Dù có thời điểm giảm gần 4%, nhưng lực cầu mạnh mẽ giúp VTP vững vàng đi lên và đã chinh phục sắc tím trong phiên chiều. Kết phiên, VTP tăng 7% lên đỉnh lịch sử mới tại mức giá 122.500 đồng/CP, với thanh khoản cũng tăng mạnh lên gần 2,5 triệu đơn vị.
Như vậy, nếu tính từ đáy được xác lập vào giữa tháng 4/2024 tại mức 68.000 đồng/CP, thì thị giá hiện tại đã tăng hơn 80%; còn nếu so với thời điểm chào sàn HOSE vào tháng 3/2024 thì thị giá tăng gần 90%.
Trên sàn HNX, thị trường vẫn duy trì đà giảm khá mạnh trong suốt cả phiên chiều
Chốt phiên, sàn HNX có 47 mã tăng và 107 mã giảm, HNX-Index giảm 2,28 điểm (-1,02%), xuống 221,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 61 triệu đơn vị, giá trị 1.133,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 5 triệu đơn vị, giá trị 80,37 tỷ đồng.
Trong top 5 cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thị trường, ngoại trừ duy nhất HUT đứng giá tham chiếu và khớp 2,83 triệu đơn vị; còn SHS, PVS, CEO, MBS đều giảm gần 3%, khớp lệnh lần lượt đạt 9,28 triệu đơn vị, PVS khớp 5,35 triệu đơn vị, CEO khớp 4,6 triệu đơn vị, MBS khớp 4,42 triệu đơn vị.
Ngoài ra, các cổ phiếu khác trong nhóm HNX30 như TNG giảm 2%, IDC giảm 0,9%, DTD giảm 0,7% với thanh khoản đều đạt hơn 2 triệu đơn vị, LAS giảm 3,2% và khớp 1,41 triệu đơn vị…
Ở nhóm cổ phiếu thị giá nhỏ, GKM vẫn duy trì sắc tím khi đóng cửa giữ vững mức giá trần 6.900 đồng/CP và khớp lệnh 1,34 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,53 điểm (-0,58%), xuống 91,33 điểm với 130 mã tăng và 205 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 39,48 triệu đơn vị, giá trị 460,88 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR tiếp tục nới rộng biên độ giảm, đóng cửa giảm 4,1% xuống mức giá thấp nhất phiên tại 18.900 đồng/CP và thanh khoản vẫn sôi động nhất với hơn 5 triệu đơn vị.
Trong khi đó, thành viên nhà Viettel có thêm VGI đảo chiều thành công, kết phiên tăng 1,1% lên mức 85.100 đồng/CP và thanh khoản chỉ thua BSR với hơn 3,3 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm hơn 15 điểm, với VN30F2411 sẽ đáo hạn vào tuần sau giảm 17,3 điểm, tương đương -1,3% xuống 1.275,6 điểm, khớp hơn 253.260 đơn vị, khối lượng mở gần 64.320 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ bao phủ rộng, trong đó, mã CSTB2328 vẫn có thanh khoản cao nhất khi có hơn 4 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 8,7% xuống 210 đồng/cq.
T,Thúy
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/vn-index-mat-moc-1220-diem-co-phieu-vtp-tim-lim-post358077.html