Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng. Ảnh: Vingroup
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa khép lại tuần giao dịch đầy hứng khởi, khi VN-Index liên tục chinh phục các vùng giá cao. Đóng cửa tuần ở mốc 1.457,76 điểm, chỉ số sàn HoSE đang giao dịch ở vùng đỉnh 3 năm và chỉ còn cách đỉnh lịch sử 1.500 điểm không xa.
Đặc biệt, chỉ số VN30 - đại diện cho 30 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam đã tiến sát mốc 1.600 điểm (VN30 kết phiên 11/7 ở mốc 1.594,01 điểm), chính thức phá vỡ đỉnh cũ ở mức hơn 1.580 điểm xác lập hồi tháng 11/2021.
Những phiên gần đây, dòng tiền tập trung kéo trụ khiến chênh lệch điểm số giữa VN30 và VN-Index ngày càng lớn. Riêng trong phiên 11/7, mức tăng của VN-Index chỉ bằng một nửa so với VN30.
Dòng tiền ngoại trở lại mạnh mẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này. Từ đầu tháng 7, khối ngoại đã mua ròng hơn 10.000 tỷ đồng trên HoSE. Lực mua nhanh và mạnh với giá trị lên đến cả nghìn tỷ đồng mỗi phiên. Điểm đến là các cổ phiếu vốn hóa lớn còn room.
VIC là mã có đóng góp lớn nhất cho chỉ số VN30 thời gian qua. Mã kết phiên 11/7 ở mức giá 108.000 đồng/cp, tăng 17% chỉ trong những phiên đầu tháng 7. Còn so với hồi đầu năm 2025, cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup đã tăng 170% giá trị.
Bật lên từ vùng đáy 40.000 đồng/cp, VIC dần lấy lại các vị trí trong top 10 vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán và hiện đã vươn lên vị trí số 2 với vốn hóa ở mức gần 413.000 tỷ đồng, chỉ sau Vietcombank (gần 524.000 tỷ đồng).
Diễn biến cổ phiếu VIC thời gian qua.
Hai mã khác thuộc nhóm Vingroup cũng nằm trong VN30 cũng tăng mạnh thời gian qua. VHM của Vinhomes đóng cửa phiên 11/7 ở giá 87.900 đồng/cp, sát mức đỉnh lịch sử xác lập hồi tháng 8/2021. So với hồi đầu năm, mã này cũng tăng 120%.
VRE của Vincom Retail tăng mạnh 75% trong nửa năm qua, hiện đang giao dịch ở vùng giá sát 29.000 đồng/cp - cao nhất kể từ tháng 9/2023.
Đà tăng các cổ phiếu nhóm Vingroup giúp tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup gia tăng nhanh chóng. Theo cập nhật thời gian thực ngày 11/7 của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng sở hữu khối tài sản 11,5 tỷ USD (tương đương khoảng 300.000 tỷ đồng), xếp thứ 237 trong danh sách người giàu thế giới.
Hiện ông Phạm Nhật Vượng còn trực tiếp nắm giữ gần 450 triệu cổ phiếu VIC. Các công ty đầu tư do ông Vượng kiểm soát nắm giữ gần 1,8 tỷ cổ phiếu. Tài sản của ông Vượng còn đến từ VHM và VRE qua việc Vingroup nắm giữ cổ phần tại hai doanh nghiệp này.
Bà Phạm Thu Hương - Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup, vợ ông Phạm Nhật Vượng, đang sở hữu hơn 170 triệu cổ phiếu VIC, tương ứng giá trị tài sản gần 18.500 tỷ đồng. Bà Hương đứng thứ 7 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán hiện nay.
Ngoài bộ ba cổ phiếu nhóm Vingroup, HPG cũng là mã có đóng góp lớn trong việc đưa VN30 lên đỉnh lịch sử. Cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát kết phiên 11/7 ở mức giá 26.000 đồng/cp - cao nhất kể từ tháng 4/2022 (giá đã điều chỉnh sau phát hành thêm). Tính từ khi giảm giá do thị trường điều chỉnh đầu tháng 4/2025 tới nay, mã đã tăng 30% giá trị.
Với hơn 7,6 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của Hòa Phát đạt gần 200.000 tỷ đồng, đứng thứ 7 trong top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất.
Cổ phiếu tăng giá, tài sản của tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT HPG cũng gia tăng nhanh chóng, với giá trị gần 51.500 tỷ đồng, đứng thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán, sau ông Phạm Nhật Vượng. Hiện, ông Long sở hữu gần 2 tỷ cổ phiếu HPG.
Vợ ông Long - bà Vũ Thị Hiền sở hữu 528 triệu cổ phiếu HPG, tương ứng giá thị trường hơn 13.700 tỷ đồng. Bà đứng thứ 8 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.