CTCP Chứng khoán VNDIRECT (HoSE: VND) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2025 với doanh thu hoạt động đạt 1.257 tỷ đồng, giảm 10% quý 1 năm trước. Lợi nhuận sau thuế quý 1 đạt gần 383 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là do doanh thu môi giới lao dốc và chi phí tự doanh tăng mạnh.
Cụ thể, doanh thu môi giới trong kỳ ghi nhận mức giảm đến 41% còn 134 tỷ đồng, do thanh khoản thị trường sụt giảm, dù thị phần VNDirect có cải thiện nhẹ so với quý trước, song vẫn chưa thoát xu hướng giảm từ quý 3/2023 đến nay.
Lãi từ cho vay ký quỹ cũng giảm nhẹ về mức 300 tỷ đồng. Doanh thu từ bảo lãnh phát hành chứng khoán chỉ đạt hơn 300 triệu đồng, giảm gần 99%.
Ở mảng tự doanh, lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 9%, đạt 722 tỷ đồng.
Trong khi doanh thu đi xuống, chi phí hoạt động của VND lại tăng gần 50%, từ 309 tỷ đồng lên 451 tỷ đồng. Nguyên nhân chính đến từ khoản lỗ từ FVTPL, tăng tới 144% lên 315 tỷ đồng. Chi phí tài chính quý 1 cũng tăng hơn 42% lên mức 227 tỷ đồng.
Tài thời điểm cuối quý 1/2025, tổng tài sản của VNDirect đạt hơn 50.000 tỷ tăng mạnh 13% so với mức 44.294 tỷ vào cuối năm 2024. Khoản tăng mạnh nhất là các tài sản FVTPL, đạt hơn 26.157 tỷ đồng, tăng hơn 1.638 tỷ đồng so với cuối quý 1/2024. Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn cũng tăng hơn 1.629 tỷ đồng sau ba tháng, đạt hơn 7.189 tỷ đồng. Các khoản cho vay ký quỹ (margin) cũng tăng 8%, đạt 11.120 tỷ.
Báo cáo tài chính cũng cho thấy, VNDirect đang nắm giữ hơn 8.051 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi, khoảng 14.700 tỷ đồng trái phiếu và phần còn lại là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Một số khoản đầu tư đáng chú ý gồm VPB, STB và CTG, trong đó STB đang mang lại lãi, còn VPB và CTG hiện thấp hơn giá vốn.
Ảnh minh họa
Công ty cho biết đã thực hiện bán ra một số khoản đầu tư trong kỳ, chủ yếu là trái phiếu, với tổng giá trị giao dịch đạt gần 90.000 tỷ đồng. Hoạt động này mang lại lãi ròng 280 tỷ đồng – một phần quan trọng trong đóng góp lợi nhuận của quý I.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của công ty cũng gia tăng 22% lên gần 30.000 tỷ chủ yếu do việc gia tăng các khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng. Tổng dư nợ vay ngắn hạn hiện nay lên tới 28.100 tỷ đồng.
Ngân hàng Vietcombank (VCB) là chủ nợ lớn nhất với khoản vay gần 7.922 tỷ tăng 3.046 tỷ trong quý 1. Tiếp theo là Vietinbank (CTG) với 4.916 tỷ. Trong quý này, VNDirect cũng vay Vietinbank 8.066 tỷ và hoàn trả 7.200 tỷ cho thấy mức vay ròng tăng khoảng 900 tỷ. Tại BIDV (BID), dư nợ của VNDirect là 3.895 tỷ giảm gần 700 tỷ so với cuối năm trước. Ngoài ra, dư nợ tại các tổ chức tín dụng khác đã tăng 2.400 tỷ lên 10.777 tỷ.
Trong quý 1/2025, VNDirect ghi nhận sự trở lại khi thị phần môi giới tăng nhẹ 0,18% đạt 5,26%. Nhờ đó, công ty đã vượt qua MBS, vươn lên vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng toàn thị trường. Đây là lần đầu tiên sau gần một năm VNDirect lấy lại đà tăng trưởng thị phần, sau sự cố an ninh mạng xảy ra hồi tháng 3/2024 khiến công ty mất nhiều khách hàng.
Vào đợt cuối tháng 3/2024, hệ thống của VNDirect đã bị tấn công bởi một tổ chức quốc tế, dẫn đến toàn bộ nền tảng giao dịch tạm thời không truy cập được.
Trước sự cố này, thị phần môi giới của VNDirect từng đạt 7,21% vào cuối quý 3/2023, nhưng đã giảm liên tục, xuống còn 5,08% vào cuối năm 2024, đây là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Minh Vy