Đây không chỉ là một cải tiến kỹ thuật, mà còn là một bước tiến lớn trong quá trình chuyển đổi số toàn diện của quốc gia.
VNeID - nền tảng xây dựng Chính phủ số
Trong kỷ nguyên số hóa, việc ứng dụng công nghệ sinh trắc học và nền tảng định danh điện tử VNeID không chỉ là một giải pháp công nghệ mà còn là một chiến lược quan trọng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Được triển khai theo định hướng của Đề án 06 và Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, việc áp dụng VNeID vào các sân bay, bến cảng, cửa khẩu không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình kiểm soát an ninh mà còn tạo ra một hệ thống giao thông thông minh, minh bạch và an toàn hơn. Đây chính là bước tiến vững chắc hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, thêm khẳng định quyết tâm của Bộ Công an, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cũng như Chính phủ Việt Nam trong việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để phục vụ cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đánh giá: Cùng với sự phát triển của công nghệ 4.0, các quốc gia trên thế giới đã và đang đẩy mạnh việc áp dụng các nền tảng định danh số để nâng cao hiệu quả quản lý và tối ưu hóa dịch vụ công. Tại Singapore, thay vì phải xuất trình hộ chiếu, công dân và thường trú tại Singapore từ năm 2024 đã thực hiện các bước xuất nhập cảnh chỉ bằng cách quét khuôn mặt thông qua hệ thống ki-ốt tự động. Sau đó thông tin nhận dạng gương mặt sẽ được đối chiếu với cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khuôn mặt và mống mắt từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Singapore (ICA).
Hệ thống mới được triển khai đã giúp giảm thời gian đợi làm thủ tục xuất nhập cảnh xuống 40%. Tại Việt Nam, việc triển khai VNeID tại các sân bay, bến cảng và cửa khẩu không chỉ là một phần của quá trình hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính mà còn góp phần vào công cuộc chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực hàng không, giao thông, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, trải nghiệm của người dân, du khách.
Công nghệ sinh trắc học sử dụng các đặc điểm sinh học như nhận diện khuôn mặt, dấu vân tay, mống mắt để xác thực danh tính một cách chính xác và nhanh chóng. Trong khi đó, nền tảng định danh điện tử VNeID do Bộ Công an phát triển là một trong những công cụ quan trọng giúp người dân thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính một cách tiện lợi, an toàn, đồng thời hỗ trợ đắc lực trong công tác quản lý Nhà nước.
Thống kê cho thấy, hiện tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang quản lý 21 cảng hàng không, bao gồm 8 cảng hàng không quốc tế: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cát Bi, Phú Bài, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ và 13 cảng hàng không nội địa: Vinh, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai, Đồng Hới, Thọ Xuân, Điện Biên. Trong năm 2024, ACV đã phục vụ khoảng 109 triệu lượt khách, trong đó có 41 triệu khách quốc tế, tăng 26% so với năm trước.
Tuy nhiên, với lưu lượng hành khách ngày càng tăng, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm, các dịp lễ, Tết, các sân bay thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải tại các điểm kiểm soát an ninh, làm thủ tục lên tàu bay. Dù không muốn nhưng tình trạng trên đã gây ra không chỉ lãng phí nguồn lực cho chính ACV mà còn đưa lại nhiều phiền toái cho hành khách. Đây chính là bài toán cần lời giải, và VNeID cùng công nghệ sinh trắc học chính là lời giải tối ưu nhất.
Việc tăng cường ứng dụng sinh trắc học, VNeID tại các cảng, cửa khẩu, nhà ga, sân bay giúp nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn…
Hướng tới một tương lai số bền vững
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có báo cáo Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ về lộ trình triển khai ứng dụng công nghệ sinh trắc học, VNeID tại các cảng hàng không. Cụ thể, tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, dự kiến triển khai trong thời gian từ tháng 4-6/2025 hoàn thành, trong đó có áp dụng toàn trình sinh trắc học tại Nhà ga T3 ngay khi đưa vào khai thác. Tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, dự kiến triển khai trong thời gian từ tháng 3-9/2025 hoàn thành, trong đó ACV triển khai thủ tục đầu tư từ tháng 3/2025. Ngoài ra, hiện nay ACV đang triển khai thủ tục đầu tư, trang thiết bị, giải pháp ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc học tại các Cảng hàng không Phú Bài, Cát Bi, Điện Biên, Long Thành.
Tiếp đó, chiều 31/3, Bộ Công an tổ chức buổi làm việc với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan thống nhất giải pháp triển khai ứng dụng công nghệ sinh trắc, nền tảng VNeID tại các sân bay, bến cảng, cửa khẩu trên toàn quốc. Đây được xem là những dấu mốc quan trọng của quá trình thúc đẩy mạnh mẽ thêm tầng nấc mới trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, Đề án 06 vào lĩnh vực giao thông vận tải. Việc ứng dụng VNeID và công nghệ sinh trắc học vào quá trình kiểm tra, làm thủ tục tại các sân bay đã mang lại những lợi ích rõ rệt, cụ thể giúp nâng cao an ninh, an toàn. Với công nghệ hiện đại, bảo mật tối đa, VNeID cũng như nền công nghệ sinh trắc học giúp nhận diện chính xác danh tính hành khách, giảm thiểu nguy cơ sử dụng giấy tờ giả.
Bên cạnh đó, công nghệ sinh trắc, nền tảng VNeID còn giúp tối ưu hóa thời gian làm thủ tục khi thay thế phương thức kiểm tra truyền thống bằng công nghệ sinh trắc giúp rút ngắn thời gian chờ đợi, đặc biệt trong những khung giờ cao điểm. Tạo sự kết nối dữ liệu chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý, góp phần xây dựng một hệ sinh thái giao thông thông minh, thúc đẩy Chính phủ số. Nền tảng ứng dụng này còn giúp nâng cao trải nghiệm người dùng. Hành khách có thể di chuyển thuận tiện hơn, không còn lo lắng về các thủ tục giấy tờ phức tạp và tiết kiệm chi phí vận hành. Quá trình sử dụng VNeID và công nghệ sinh trắc học giúp giảm thiểu công tác kiểm tra thủ công, tối ưu hóa nguồn nhân lực và tăng cường hiệu suất vận hành.
Nhận thức được những lợi ích to lớn này, thời gian qua, Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cùng ACV triển khai thí điểm tại các cảng hàng không trọng điểm. Cụ thể, đã triển khai thí điểm xác thực sinh trắc học và thẻ Căn cước công dân tại các điểm kiểm tra an ninh tại Cát Bi và Nội Bài. Tiếp đó, đã mở rộng thí điểm xác thực sinh trắc học toàn trình (tại các điểm check-in, kiểm tra an ninh và boarding) tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài và Cát Bi. Việc triển khai này được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, đảm bảo sự đồng thuận của hành khách và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo Nghị định 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là bước đi quan trọng hướng tới một ngành hàng không hiện đại, đáp ứng với các tiêu chuẩn tiên tiến trên thế giới.
Đề án 06 của Chính phủ là chương trình trọng điểm nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, làm nền tảng cho quá trình số hóa các dịch vụ công, hướng tới chính phủ số. Việc triển khai VNeID và công nghệ sinh trắc trong ngành hàng không chính là một trong những thành công nổi bật của đề án này, giúp giảm thiểu các thủ tục giấy tờ, đơn giản hóa quy trình kiểm tra mà vẫn đảm bảo an toàn, chính xác. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị nhấn mạnh vai trò của công nghệ số trong quản lý biên giới, xuất nhập cảnh và an ninh quốc gia.
Việc triển khai VNeID tại các sân bay, bến cảng, cửa khẩu chính là bước hiện thực hóa chủ trương này, góp phần nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo an toàn trong hoạt động hàng không và giao thông quốc tế. Ngoài ra, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, hướng đến một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia, Bộ Công an đánh giá, ứng dụng công nghệ sinh trắc học và nền tảng VNeID trong lĩnh vực hàng không không chỉ là một cải tiến quan trọng mang tính kỹ thuật mà còn là một trong những bước tiến chiến lược trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Với nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, sự hỗ trợ từ Đề án 06 và định hướng của Nghị quyết 57, phương thức này không chỉ giúp nâng cao hiệu suất hoạt động, đảm bảo an ninh mà còn tạo ra những trải nghiệm hiện đại, thuận tiện hơn cho hành khách.
Trong tương lai gần, với sự đồng bộ trong chính sách và công nghệ, đặc biệt tới đây khi các dữ liệu của Trung tâm dữ liệu quốc gia được đưa vào hoạt động, sự phát triển mạnh mẽ của Đề án 06 với những ứng dụng ngày càng nhiều được tích hợp đưa lên VNeID, Việt Nam hoàn toàn có thể đứng ngang tầm với các quốc gia tiên tiến trong việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý giao thông, hướng tới một nền kinh tế số an toàn, hiện đại và bền vững.
Hoàng Phong