Phòng khám của bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa ngoại bụng 1, Bệnh viện K từng tiếp nhận hai bệnh nhân là vợ chồng hơn 30 tuổi. Họ cùng đến khám vì thấy chán ăn, mệt mỏi, sút cân nhanh.
Điều khiến bác sĩ bất ngờ là cả hai đều có lối sống lành mạnh, không hút thuốc, uống rượu hay từng mắc bệnh gan. Tuy nhiên kết quả xét nghiệm cho thấy, họ có khối u trong gan, nghi ngờ ung thư.
Người chồng phát hiện bất thường trước. Anh thấy cơ thể mệt mỏi hơn bình thường, dễ đuối sức dù ăn uống không thay đổi. Người vợ cũng có cảm giác tương tự. Họ nghĩ do làm việc quá sức, chỉ cần nghỉ ngơi sẽ khỏe lại nên bỏ qua dấu hiệu bệnh.
Dần dần, người chồng thấy đau tức vùng bụng phải nên đến bệnh viện tư khám. Siêu âm phát hiện khối u kích thước 6cm trong gan, bác sĩ khuyên nhanh chóng chuyển đến bệnh viện chuyên khoa ung bướu.
Thói quen ăn trái cây hỏng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh rất cao. (Ảnh minh họa)
Khi cùng chồng đến phòng khám của bác sĩ Nam để kiểm tra lại, bác sĩ nhận thấy người phụ nữ cũng có biểu hiện bất thường như môi thâm, da khô, mắt ánh vàng, nên đề nghị xét nghiệm. Kết quả gây sốc hơn khi người phụ nữ cũng có khối u gan, kích cỡ lớn, đang chèn ép đường mật.
Hai vợ chồng bật khóc nức nở. Họ một mực khẳng định chưa từng mắc bệnh gan, chưa một lần sử dụng rượu bia hay thuốc lá. Từ nhỏ đến lớn, cả hai đều khỏe mạnh, hiếm khi ốm vặt, thậm chí vượt qua COVID-19 mà không có di chứng.
Trong lúc chia sẻ, bác sĩ Nam dần nhận ra điểm bất thường. Gia đình họ là chủ một sạp trái cây nhỏ ở chợ đầu mối Hà Nội. Vì tiết kiệm nên nhiều hôm trái cây hư hỏng, họ lọc bỏ phần hư hỏng, giữ lại phần còn tốt, bảo quản trong tủ lạnh để ăn dần.
Ngoài ra, trong lúc ngồi bán hàng, cặp đôi cũng thường xuyên ăn hạt hướng dương, hạt bí để đỡ buồn, nhưng không bảo quản đúng cách, để trong hộp không đậy kín, dùng từ ngày này qua ngày khác.
Thói quen tưởng chừng vô hại ấy lại là nguyên nhân tiềm ẩn của căn bệnh hiểm nghèo. Bác sĩ Nam nghi ngờ thủ phạm là aflatoxin - độc tố cực mạnh sản sinh từ các loại thực phẩm bị nấm mốc như trái cây dập, lạc mốc, hạt khô để lâu, bánh mì hỏng, thậm chí cả đồ dùng gỗ ẩm mốc như đũa, thớt.
Theo y văn, chỉ cần hấp thụ 1mg aflatoxin, đặc biệt là aflatoxin B1 có thể gây ung thư gan. Nếu lượng hấp thụ lên đến 20 mg trong một lần, thì chất độc này có thể gây tử vong ngay lập tức. Aflatoxin gây đột biến tế bào gan sau khi kết hợp với enzym trong gan, là nguyên nhân của 5-15% các ca ung thư gan trên toàn thế giới.
Câu chuyện của cặp vợ chồng trẻ là lời cảnh báo đau xót về thói quen “tiết kiệm kiểu tận dụng”, vốn không hiếm gặp ở nhiều gia đình Việt. Trong khi cố gắng chống chọi với cuộc sống đắt đỏ bằng mọi cách, đôi khi chính sự tiết kiệm thiếu hiểu biết lại trở thành cái giá quá đắt cho sức khỏe.
“Đừng vì tiết kiệm vài đồng mà đánh đổi cả mạng sống”, bác sĩ Nam nói, sau khi lặng người nhìn đôi vợ chồng ôm nhau khóc giữa phòng khám.
Ung thư gan là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 6 trên thế giới với với trên 782.000 người được chẩn đoán mỗi năm. Theo báo cáo của ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2018 trên thế giới mỗi năm có khoảng 841.000 ca mắc mới ung thư gan và 781.000 người tử vong vì căn bệnh này.
Ung thư gan cũng là bệnh ung thư có tỉ lệ mắc mới cao nhất ở nước ta trong năm 2018 với 25.335 trường hợp và đặc biệt tỷ lệ tử vong do căn bệnh này gần tương đương số người mắc bệnh.
Như Loan