Vốn ngoại rộng cửa vào ngân hàng Việt

Vốn ngoại rộng cửa vào ngân hàng Việt
10 giờ trướcBài gốc
Từ ngày 19/5/2025, Nghị định 69/2025/NĐ-CP (Nghị định 69) của Chính phủ chính thức có hiệu lực. Theo đó, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) được phép vượt mức 30% như trước đây, và có thể lên tới tối đa 49%.
Mở thêm room vốn ngoại tạo điều kiện cho các ngân hàng đầu tư mạnh hơn cho số hóa
Dư địa để huy động vốn quốc tế khá lớn
Các chuyên gia cho rằng, việc nới thêm “room” ngoại sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc có thể huy động thêm nguồn lực để tái cơ cấu mạnh mẽ, phản ánh quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy tiến trình xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém thông qua cơ chế thị trường và nguồn lực tư nhân, đặc biệt là từ khu vực nhà đầu tư quốc tế.
Thực tế cho thấy, hiện nay “room” ngoại tại nhiều ngân hàng vẫn chưa được lấp đầy. Đơn cử như VPBank sau thương vụ bán 15% vốn cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) vào năm 2023, hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng này ở mức 24,9%. Nếu được nới lên mức tối đa 49%, VPBank sẽ còn khá nhiều cơ hội để tiếp tục bán trên 20% vốn điều lệ cho đối tác ngoại.
Tương tự, tại MB và HDBank, hiện nay tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại hai ngân hàng này lần lượt là 23,24% và 17,2%. Thời gian qua, các ngân hàng này đã rất nỗ lực trong việc chứng minh năng lực tài chính và quản trị rủi ro. Vì thế, việc nâng trần sở hữu nước ngoài sẽ tạo động lực để các nhà băng thu hút thêm vốn quốc tế, nhất là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, EU và Hoa Kỳ thời gian qua vốn đang khá quan tâm đến việc mua thêm vốn tại các ngân hàng Việt Nam.
Không chỉ đối với các ngân hàng đang nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, cơ hội tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay cũng đã thể hiện rõ nét ở nhiều tổ chức quy mô lớn và các ngân hàng đang đổi mới, tái định vị thương hiệu.
Theo báo cáo tài chính được công bố của các ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Techcombank, LPBank, NamABank cho thấy, quá trình đàm phán, bán vốn cho cổ đông nước ngoài hiện vẫn khá sôi động.
Vietcombank đặt kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ - tương đương 307,6 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, 46,1 triệu cổ phiếu dành cho Mizuho Bank và 261,4 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư khác. Mặc dù kế hoạch này đã đề cập từ vài năm trước và chưa rõ thời gian hoàn thành. Tuy nhiên, Vietcombank cũng đã chủ động trong việc thuê tư vấn tài chính để hỗ trợ lựa chọn cổ đông nước ngoài nên nhiều khả năng thương vụ sẽ sớm được thực hiện.
Trong khi đó BIDV dự kiến chào bán hơn 455 triệu cổ phiếu, tương đương 9% vốn điều lệ, cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngân hàng này thời gian qua đã tiếp xúc với 38 nhà đầu tư để thực hiện kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông năm 2022, song khả năng thương vụ sẽ kéo dài và hoàn thành trong các năm 2025-2026.
Tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Techcombank hiện ở mức 22%, ngân hàng này đang cân nhắc bán tiếp phần room còn lại cho nhà đầu tư có thế mạnh về công nghệ. Còn LPBank sau khi chuyển đổi tên gọi, tái định vị lại thương hiệu, hình ảnh cũng đang muốn phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng sở hữu tối đa lên 15,5%...
Nới room ngoại cho các ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém là cần thiết. Bởi khi có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài thì quá trình tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém sẽ được đẩy nhanh hơn với sự hậu thuẫn của công nghệ, uy tín và tiềm lực tài chính mạnh của các tập đoàn quốc tế.
Cơ hội cho các ngân hàng số thế hệ mới
Việc nới room ngoại cho các ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém là cần thiết. Bởi khi có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài thì quá trình tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém sẽ được đẩy nhanh hơn với sự hậu thuẫn của công nghệ, uy tín và tiềm lực tài chính mạnh của các tập đoàn quốc tế. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, trần room ngoại tại hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay vẫn đang thấp so với các quốc gia khác trong khu vực. Vì vậy, việc Nghị định 69 nới một phần room ngoại cho các ngân hàng cũng có thể xem như bước đệm để Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ có cơ sở nhìn nhận, đánh giá và xem xét mở rộng với tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông nước ngoài tại ngân hàng Việt trong thời gian tới.
Về thị trường, theo nhận định của các công ty chứng khoán (VDSC, KBSV) việc mở thêm tỷ lệ sở hữu nước ngoài để khuyến khích các nhà đầu tư quốc tế tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém sẽ tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư có thêm những ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoặc các ngân hàng do nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tỷ lệ vốn chi phối.
Bởi xu hướng chung trong lộ trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém hiện nay là hình thành các ngân hàng số thế hệ mới như MBV, Vikki Bank, VCBNeo. Các ngân hàng này đều thành lập dưới hình thức công ty TNHH một thành viên, không bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu vốn của cổ đông nước ngoài. Điều này cho phép nhà đầu tư ngoại có thể mua tối đa 100% vốn các ngân hàng số thế hệ mới nói trên mà không cần sửa luật.
Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đang triển khai xây dựng nhiều trung tâm tài chính tầm vóc khu vực và quốc tế tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, việc nới room ngoại cho các ngân hàng trong bối cảnh này vì thế cũng có thể xem là bước đi chiến lược, tạo thuận lợi cho việc thu hút vốn quốc tế, nâng cao năng lực tài chính và quản trị, đồng thời hỗ trợ quá trình phát triển các trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Thạch Bình
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/von-ngoai-rong-cua-vao-ngan-hang-viet-163148.html