Vốn vay cho lao động đi làm việc ở nước ngoài: Cung chưa đến cầu

Vốn vay cho lao động đi làm việc ở nước ngoài: Cung chưa đến cầu
3 giờ trướcBài gốc
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, hướng dẫn các chính sách hỗ trợ vốn vay đến người lao động
Còn gặp vướng mắc
Năm ngoái, Nguyễn Thanh Thảo, ở phường Thủy Xuân, TP. Huế đăng ký sang Nhật lao động theo chương trình thực tập sinh. Chi phí cần bỏ ra cho toàn bộ quá trình lập hồ sơ, học tiếng, học nghề, kỹ năng cơ bản và đến khi xuất cảnh khoảng 150 triệu đồng. Chị Tuyết, mẹ Thảo cho biết, để có được tiền lo cho con đi lao động ở Nhật, gia đình phải chạy ngược chạy xuôi vay mượn. Mặc dù qua thông tin được biết mỗi lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được hỗ trợ cho vay tối đa 80 triệu đồng, nhưng gia đình chị Tuyết vẫn không thể tiếp cận được nguồn vay này.
Thực tế vẫn có rất nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài đã "bỏ lỡ" nguồn vốn vay ưu đãi này, dù họ rất cần. Một số khác tiếp cận được vốn vay nhưng số tiền được giải ngân khá thấp, thời gian được giải ngân chậm, gây khó khăn cho lịch xuất cảnh.
Theo ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đa phần những người đi lao động ở nước ngoài đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, rất cần vay vốn để trang trải các khoản chi phí. Để giải quyết vấn đề này và tránh xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn vốn vay như giai đoạn những tháng cuối năm 2023, ngay từ đầu năm 2024, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn ngân sách tỉnh 40 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho vay đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. Trong đó, nguồn vốn cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 23,5 tỷ đồng.
Còn nhớ năm 2023 và trước đó, đại diện một công ty dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài chia sẻ, nhiều người lao động gặp khó khăn trong việc xác nhận các biểu mẫu (do Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh ban hành) tại xã, phường nơi cư trú với lý do biểu mẫu không nằm trong danh mục xác nhận của UBND cấp xã. Để tháo gỡ vướng mắc này, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phổ biến về chính sách vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng như các biểu mẫu đến các chính quyền địa phương trên toàn tỉnh.
Tuy nhiên, mới đây, theo phản ánh của Công ty CP Hợp tác đầu tư giáo dục quốc tế Tín Phát, nhiều lao động do đơn vị đưa đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn gặp khó khăn do thủ tục xin vay rườm rà, không thống nhất. Có những hồ sơ phải chạy vài vòng, trong khi người vay lại đang cần gấp để kịp xuất cảnh, cộng thêm vốn cho vay thấp, nên nhiều lao động nản chí, bỏ cuộc.
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng thừa nhận, trong 3 tháng gần đây, tốc độ giải ngân chậm, nguyên nhân có thể do "tắc" tại các tổ tín dụng ở các địa phương. Một bất cập nữa là theo quy định của tỉnh, mức cho vay tối đa đối với trường hợp đi lao động ở nước ngoài là 80 triệu đồng/suất, nhưng có những hồ sơ ngân hàng nhận được từ doanh nghiệp xin giải ngân chỉ 12 triệu đồng/trường hợp hoặc cao hơn không đáng kể. Đây cũng là lý do khiến tỷ lệ giải ngân thấp.
Tăng tốc giải ngân vốn vay
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã đưa khoảng 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt trên 94% so với kế hoạch năm 2024. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ đưa được gần 3.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Mặc dù số lượng lao động xuất cảnh nhiều, nhưng từ đầu năm đến nay, riêng Sở LĐ-TB&XH chỉ tiếp nhận và giải quyết chính sách hỗ trợ cho 318 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, với số tiền hơn 877 triệu đồng. Trong đó, có 13 trường hợp thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và 10 trường hợp thuộc huyện nghèo, xã bãi ngang ven biển với tổng số tiền gần 216 triệu đồng. Hai địa phương Nam Đông và A Lưới cũng đã quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí ban đầu cho hơn 60 đối tượng chính sách là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài với kinh phí trên 720 triệu đồng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đến nay, hơn 16 tỷ đồng vốn cho vay chương trình đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn tồn chưa giải ngân được. Dự kiến 3 tháng cuối năm thu nợ từ khách hàng hơn 2,9 tỷ đồng, trừ đi 69 hồ sơ đang cần giải ngân đến cuối năm, dự ước nguồn vốn vay này còn tồn hơn 14,6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở LĐ-TB&XH cho rằng, sở dĩ tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này còn thấp là do một số doanh nghiệp hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa thật sự quan tâm đến chính sách tín dụng cho vay và hỗ trợ chi phí ban đầu cho người lao động. Từ đó dẫn đến tình trạng người lao động chưa biết hoặc biết chưa đầy đủ đến chính sách vay vốn ưu đãi, chính sách hỗ trợ chi phí ban đầu. Điều này đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài.
Để đảm bảo giải ngân nguồn vốn kịp thời, hỗ trợ đúng hạn mức vay, đúng đối tượng xuất cảnh, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách về tín dụng cho vay và hỗ trợ chi phí ban đầu. Đặc biệt, yêu cầu các doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài rà soát số lao động sẽ xuất cảnh, dự báo nguồn vốn cần vay; đồng thời, tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người lao động lập hồ sơ vay vốn và hỗ trợ chi phí ban đầu theo đúng chế độ chính sách của Nhà nước quy định dành cho người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng - ông Hồ Dần cho biết.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://baothuathienhue.vn/kinh-te/von-vay-cho-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-cung-chua-den-cau-147157.html