Chuyện nghỉ vào những ngày đặc biệt của lao động nữ

Chuyện nghỉ vào những ngày đặc biệt của lao động nữ
4 giờ trướcBài gốc
Vị bác sĩ này viết “thân phận nữ nhi, dù có được bình quyền bao nhiêu chăng nữa vẫn có những thiệt thòi, thua sút, những nỗi niềm phải cam chịu trọn cả cuộc đời”. Ví như chuyện khi lớn lên, đến tuổi dậy thì sẽ xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt.
Trên nguyên tắc, dấu hiệu này chỉ là tình trạng sinh lý bình thường của người phụ nữ, đánh dấu thời điểm dậy thì, có thể lấy chồng, sinh con. Tuy nhiên, nó mang lại khá nhiều phiền toái cho phái nữ. Họ luôn phải tính ngày, đến ngày phải có những điều chỉnh sinh hoạt cho phù hợp, phải tốn kém tiền bạc.
Chưa kể, trường hợp những người có một số rối loạn kèm theo chu kỳ kinh nguyệt, như nhức đầu, đau bụng kinh, rong kinh, hiện tượng thay đổi tính tình (cáu gắt, giận dữ, vui buồn thất thường…) thì rất khổ sở. Trong những ngày này của nữ giới, nếu người chồng hoặc những người xung quanh không biết về hiện tượng này để thông cảm và chia sẻ đôi khi gây ra những tranh cãi, ngộ nhận đáng tiếc.
Nhiều nữ lao động không biết về quy định nghỉ hành kinh
Nhìn vào môi trường làm việc, điều vị bác sĩ chia sẻ ở trên rất có lý. Theo quy định pháp luật Việt Nam, lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời gian làm việc, mỗi tháng ba ngày làm việc - gọi là Nghỉ hành kinh và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động(1).
Số ngày và ngày cụ thể được nghỉ sẽ do người sử dụng lao động và lao động nữ thỏa thuận với nhau dựa trên điều kiện thực tế. Trong trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời gian làm thêm của người lao động.
Người sử dụng lao động là cá nhân bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng khi không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác. Nếu người sử dụng lao động là tổ chức, thì mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân(2).
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều nữ lao động không biết về quy định nghỉ hành kinh này, người biết thì ngại ngùng “khó nói” bởi cấp trên hay người quản lý trực tiếp có thể là nam và nhiều doanh nghiệp đã không phổ biến đầy đủ về quy định này trong chính sách nội bộ.
Khảo sát về “Các vấn đề kinh nguyệt ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống như thế nào” của Nikkei BP Intelligence Group thực hiện với 1.956 lao động nữ có độ tuổi từ 18-49 cho hay có đến 61,8% người không nghỉ hành kinh vì cảm thấy miễn cưỡng, không sẵn lòng nộp đơn nghỉ hành kinh với người sếp nam(3).
Tác giả gần đây có thực hiện một cuộc khảo sát với một nhóm nhỏ người lao động nam và nữ làm việc tại các phòng ban khác nhau thuộc một số công ty tại Việt Nam. Chỉ có một người lao động được khảo sát khẳng định công ty của họ có thông báo các hướng dẫn về Nghỉ hành kinh, trong khi những người lao động còn lại thì chưa nghe công ty phổ biến gì về chính sách này.
Các đề xuất
Thứ nhất, để phù hợp hơn với văn hóa Việt Nam, người sử dụng lao động có thể điều chỉnh thuật ngữ “Nghỉ hành kinh” thành một thuật ngữ mới trong chính sách nội bộ của mình nhằm tạo điều kiện cho lao động nữ thực hiện quyền của họ một cách dễ dàng, thoải mái và tự tin. Ví dụ, “Nghỉ hành kinh” sẽ được gọi là “Nghỉ hạnh phúc cho nữ” (Happy breaks for women) hoặc “Nghỉ đặc biệt cho nữ” (Special leave for women).
Thứ hai, ghi nhận Nghỉ hành kinh vào hệ thống và các mẫu đơn. Nghỉ hành kinh thuộc các quy định pháp luật lao động về chăm sóc sức khỏe lao động nữ, do đó người sử dụng lao động nên thông báo công khai đến toàn bộ người lao động các hướng dẫn rõ ràng về Nghỉ hành kinh bao gồm quy trình, hệ thống, và các mẫu đơn.
Khi đó, người sử dụng lao động có thể có được một số lợi ích như sau: (a) các hướng dẫn này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho lao động nữ chủ động thực hiện quyền của họ đi cùng với sự hiểu biết đầy đủ và hỗ trợ kịp thời từ các đồng nghiệp nam nữ và cấp trên, (b) góp phần hạn chế các xung đột giữa doanh nghiệp và lao động nữ trong việc thực hiện chính sách này, (c) thể hiện sự nghiêm túc và tuân thủ của doanh nghiệp với pháp luật lao động, qua đó góp phần quảng bá danh tiếng và tăng uy tín của doanh nghiệp trên thị trường lao động và trong môi trường kinh doanh, và (d) quan trọng hơn, giúp lao động nữ có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục trong thời gian hành kinh, từ đó nâng cao hiệu quả công việc và năng suất làm việc của họ tại các doanh nghiệp.
Khi xây dựng quy trình và hệ thống, người sử dụng lao động có thể lưu ý một vài nội dung quan trọng, như lao động nữ phải nộp đơn thông báo nghỉ trước bao nhiêu ngày và nộp cho ai (ví dụ người quản lý trực tiếp, trưởng nhóm hoặc trưởng phòng)? Mẫu đơn nào sẽ được sử dụng cho lao động nữ làm việc tại văn phòng (ví dụ mẫu đơn điện tử), hoặc lao động nữ làm việc tại nhà máy (ví dụ mẫu đơn giấy), hoặc lao động nữ làm việc đồng thời tại văn phòng và nhà máy?
Thứ ba, hầu hết nữ giới với các chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ có thời gian hành kinh kéo dài trung bình từ 2-7 ngày, nhưng chu kỳ kinh nguyệt sẽ không giống nhau cho toàn bộ nữ giới. Vì các lý do này, người sử dụng lao động và lao động nữ nên thống nhất cùng nhau một chính sách Nghỉ hành kinh phù hợp với điều kiện làm việc và nhu cầu của các bên để áp dụng cho tất cả lao động nữ.
Theo đó, lao động nữ có thể lựa chọn giải pháp vào làm việc trễ hoặc đi về sớm 1,5 tiếng (một tiếng rưỡi) một lần trong một tháng như là “Nghỉ đặc biệt cho nữ”, thay vì nghỉ 30 phút mỗi ngày và kéo dài tổng cộng ba ngày làm việc. Giải pháp này mang đến nhiều thuận lợi và hiệu quả cho các bên trong quá trình thực hiện, quản lý và lưu trữ.
Thứ tư, người sử dụng lao động có thể kết hợp áp dụng cho lao động nữ làm việc tại nhà máy, đó là trả thêm tiền lương cho lao động nữ theo công việc mà họ đã làm trong thời gian Nghỉ hành kinh nếu lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và đồng ý làm việc để đáp ứng kế hoạch sản xuất của người sử dụng lao động.
Chúng ta đều hiểu, không thể có một giải pháp hoàn hảo thích hợp cho toàn bộ người sử dụng lao động. Tuy nhiên, chúng ta có quyền tin rằng, người sử dụng lao động được nhìn nhận là nơi làm việc tốt nhất và là doanh nghiệp chăm sóc người lao động toàn diện nhất (the most caring companies) sẽ luôn phát triển các giải pháp để thực hiện chính sách Nghỉ hành kinh cho lao động nữ, thông qua đó thúc đẩy sự kết nối chặt chẽ với lao động nữ cũng như cải thiện năng suất, sự hợp tác và gắn bó của lao động nữ về lâu dài.
(*) Đoàn Luật sư TPHCM
(1) Điều 80.3, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
(2) Điều 6.1, điều 28.2.d và điều 28.3.a, Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17-1-2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
(3)www.nikkei.co.jp, “Less than 10% of Female Employees Take Menstrual Leave” ngày 31-3-2022, và “Actual Demand for Workplace Menstrual Support Measures” ngày 18-5-2022.
LS. Hồ Tường Vy(*)
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/chuyen-nghi-vao-nhung-ngay-dac-biet-cua-lao-dong-nu/