Trong giai đoạn 2020 - 2024, vượt qua nhiều khó khăn từ dịch bệnh, biến động thị trường và biến đổi khí hậu, VRG vẫn giữ vững đà tăng trưởng: doanh thu toàn Tập đoàn đạt 141.169 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 27.541 tỷ đồng, nộp ngân sách 24.371 tỷ đồng, vượt các chỉ tiêu đề ra. Thu nhập bình quân của hơn 81.000 người lao động đạt trên 9,47 triệu đồng/tháng, riêng năm 2024 trên 11 triệu đồng, tăng 1,14 lần so với năm 2020...
Lãnh đạo tập đoàn thăm, làm việc tại Công ty CP MDF VRG Kiên Giang.
Từ cao su thiên nhiên đến đa ngành xanh, sạch, thông minh
VRG hiện có mặt tại nhiều tỉnh, thành và đầu tư tại Lào, Campuchia. Lĩnh vực cốt lõi trồng và chế biến cao su vẫn giữ vai trò trung tâm, với sản lượng chế biến trên 2,5 triệu tấn giai đoạn 2020 - 2024. Nhưng đáng chú ý hơn, Tập đoàn mở rộng hiệu quả sang các lĩnh vực như: công nghiệp gỗ (sở hữu 16 nhà máy, chiếm gần 50% sản lượng gỗ MDF cả nước). Sản phẩm công nghiệp cao su: găng tay y tế, chỉ thun, băng tải, bóng thể thao, nệm… 14 khu công nghiệp trên đất cao su, thu hút hơn 800 nhà đầu tư, tổng vốn hơn 15 tỷ USD, tạo việc làm cho 260.000 lao động, đóng góp trên 20.000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Tập đoàn đầu tư 4 nhà máy thủy điện, 11 dự án điện mặt trời, doanh thu năng lượng tái tạo đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Thủy điện và năng lượng tái tạo: 4 nhà máy thủy điện, hơn 11 MWp điện mặt trời áp mái, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí điện.
Bên cạnh đó, VRG đã đẩy mạnh chiến lược liên kết, thiết lập mạng lưới hợp tác toàn diện với nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước nhằm mở rộng chuỗi giá trị, khai thác hiệu quả nguồn lực, công nghệ và thị trường. Ký kết hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, hóa chất và nguyên liệu kỹ thuật cao, mở ra hướng phát triển mới gắn liền giữa cây cao su và ngành công nghiệp hiện đại. Hợp tác quy hoạch và phát triển khu công nghiệp trên đất cao su, xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái, gắn kết cộng đồng dân cư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Tăng cường hợp tác sản xuất và cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất lốp xe, găng tay y tế và các sản phẩm cao su kỹ thuật.
Một góc khu công nghiệp Long Khánh.
Ngoài ra, VRG còn chủ động liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước để xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nghiên cứu - chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nội sinh trong các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao như vật liệu mới, sản phẩm y tế, công nghiệp hỗ trợ.
Với tư duy đổi mới, VRG đã và đang kết nối hợp tác toàn diện với các tập đoàn hàng đầu, mở ra hướng đi mới cho phát triển bền vững. Kết nối với các tập đoàn công nghệ trong nước triển khai chuyển đổi số toàn diện, phát triển cơ sở dữ liệu thông minh, quản trị chuỗi giá trị từ vườn cây đến khách hàng. Hợp tác với tổ chức quốc tế (PEFC, FSC, Oxfam, WWF) xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh, quản lý rừng bền vững và phát triển tín chỉ carbon.
VRG cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc tiếp cận và tuân thủ các quy chuẩn xuất khẩu quốc tế như EUDR (Quy định chống phá rừng của EU), đưa Cao su Việt Nam tiếp cận các thị trường khó tính.
Sản phẩm từ mô hình trồng chuối công nghệ cao ở Cao su Bình Long.
Hành trình bền vững, không ngừng đổi mới
Kế hoạch năm 2025 VRG được Bộ Tài chính giao tăng trưởng 8%, VRG đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn mặt bằng ngành nông nghiệp. Cụ thể, doanh thu hợp nhất đạt 31.044 tỷ đồng (tăng 8,02% so với 2024); lợi nhuận trước thuế 5.840 tỷ đồng (tăng 4,17%).
6 tháng đầu năm 2025, Tập đoàn đạt được nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thành toàn diện kế hoạch năm. Cụ thể, tổng doanh thu đạt 11.393 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.502 tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2024. Nộp ngân sách đạt 1.660 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước.
Riêng Công ty mẹ – Tập đoàn, 6 tháng đầu năm 2025, doanh thu đạt 2.305 tỷ đồng tăng 62,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 880 tỷ đồng, tăng 67,6%, nộp ngân sách đạt 98 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Một sản phẩm mủ cao su.
Trong giai đoạn 2025 – 2030, VRG đặt mục tiêu tái định vị chuỗi giá trị ngành cao su, gia tăng tỷ lệ chế biến sâu, phát triển thương hiệu VRG tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản. Xây dựng hệ sinh thái cao su số hóa, kết nối giữa người trồng – nhà máy – khách hàng – nhà đầu tư. Đầu tư vào lĩnh vực mới như vật liệu công nghệ cao, logictics, thương mại carbon, hướng tới mô hình “doanh nghiệp không phát thải ròng” vào năm 2050.
Các chỉ tiêu tăng trưởng về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) và nộp ngân sách hằng năm đảm bảo hoàn thành vượt mức theo kế hoạch của cơ quan đại diện chủ sở hữu có thẩm quyền giao và Đại hội đồng cổ đông thông qua. Thu nhập người lao động đảm bảo ở mức bình quân chung của ngành, khu vực và đạt tối thiểu trên 10 triệu đồng/người/tháng. Hoàn thành chuyển đổi số tại Công ty Mẹ - Tập đoàn.
Bám sát Chỉ thị số 09/CT-TTg, ngày 21/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 154/NQ-CP, ngày 31/5/2025 của Chính phủ để xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động của Tập đoàn phấn đấu đạt tăng trưởng 8% trong năm 2025 và bình quân tăng 10%/năm giai đoạn từ năm 2026 - 2030, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng các động lực tăng trưởng mới, chuyển dịch và đẩy mạnh đầu tư cho công nghiệp, năng lượng. Động lực tăng trưởng sẽ dựa vào năng suất, hiệu quả và chất lượng sản phẩm dịch vụ, sử dụng tối ưu tài nguyên đất gắn với bảo vệ môi trường.
Tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm chế biến sâu tăng lên trên 35%; 100% đơn vị thành viên đạt ISO 14001:2015 và tuân thủ các quy định EUDR của EU; Tỷ lệ đơn vị thành viên xây dựng phương án Quản lý rừng bền vững đạt 100%, đạt chứng chỉ VFSC/PEFC ít nhất 90% diện tích cao su, nhà máy chế biến cao su đạt tiêu chuẩn PEFC-CoC đạt 100%; Tiếp tục phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới - Xanh - Thông minh - Tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, và thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện.
Chăm sóc vườn ươm cao su.
Diện tích cao su đưa vào khai thác khoảng 300.000 ha, sản lượng mủ thu hoạch bình quân hàng năm khoảng 450.000 – 500.000 tấn; tỷ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn thương hiệu VRG duy trì trên 95%. Tăng tỷ trọng doanh thu từ công nghiệp cao su và gỗ từ 7% lên 15% trong tổng doanh thu. Phát triển thêm các sản phẩm găng tay y tế, bóng thể thao, vật liệu cao su kỹ thuật cao… Phát triển thêm từ 3 – 5 khu công nghiệp thế hệ mới - Xanh - Thông minh - Tuần hoàn; tăng diện tích đất KCN chuyển đổi từ đất cao su lên khoảng 1.500 – 2.000 ha; thu hút đầu tư FDI chất lượng cao, công nghệ sạch vào các KCN do VRG quản lý.
Về lĩnh vực năng lượng và phát triển xanh, đầu tư thêm 5 dự án năng lượng tái tạo, tổng công suất tăng thêm 200 – 300 MW. Phấn đấu 100% nhà máy chế biến có hệ thống điện mặt trời áp mái. Giảm phát thải CO₂ khoảng 60.000 tấn/năm.
Đẩy mạnh chuyển đổi số & quản trị thông minh, VRG triển khai hệ thống ERP toàn Tập đoàn, tỷ lệ hồ sơ công việc xử lý trên môi trường số trên 90%. Phát triển nền tảng chuỗi cung ứng thông minh từ vườn cây đến khách hàng…
Gần một thế kỷ phát triển, VRG không chỉ là biểu tượng ngành Cao su Việt Nam mà còn là hình mẫu về chuyển mình của doanh nghiệp nhà nước trong thời đại mới – chủ động, linh hoạt, sáng tạo và đầy khát vọng vươn ra thế giới.
VRG hiện đang quản lý 115 công ty (gồm 99 công ty con và 16 công ty liên kết), trong 99 công ty con có 63 công ty trồng cao su, với tổng diện tích đang quản lý gần 400.000 ha, có 16 công ty chế biến gỗ, 11 công ty khu công nghiệp, 15 công ty công nghiệp - dịch vụ và ngành khác.
VRG đang đẩy mạnh phát triển các dự án khu công nghiệp, đô thị, logistics và thương mại, tận dụng quỹ đất cao su theo hướng hiệu quả, bền vững. Một số dự án tiêu biểu triển khai trên đất cao su được đánh giá có ý nghĩa chiến lược, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương và nâng cao giá trị sử dụng đất.
PV