Cuộc chiến pháp lý về các quỹ liên bang bị đóng băng có thể sẽ mất nhiều năm và có thể kết thúc tại Tòa án Tối cao. Trong ảnh, sinh viên tại Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo CNN, là trường đại học lâu đời nhất nước Mỹ, Harvard đang nổi lên như một biểu tượng của sự phản kháng trước Tổng thống Donald Trump - người đang nỗ lực “giành lại” quyền kiểm soát các trường cao đẳng và đại học, đồng thời định hình cuộc xung đột này như một cuộc chiến chống chủ nghĩa bài Do Thái. Về phần mình, Harvard cáo buộc Nhà Trắng đang tìm cách can thiệp và chi phối cộng đồng học thuật của trường
Chính quyền Tổng thống Trump đã cắt giảm các chương trình đa dạng, công bằng và hòa nhập, bắt giữ sinh viên quốc tế và thu hồi thị thực của họ, đồng thời đóng băng nguồn tài trợ liên bang cho các trường từ chối tuân thủ yêu cầu của chính quyền.
Theo các tài liệu của tòa án, Harvard cho biết chính quyền đã cắt giảm nguồn tài trợ để có được "đòn bẩy" đối với nhà trường và động thái này là một phần của "chiến dịch gây sức ép" nhằm buộc trường phải tuân theo sự kiểm soát của chính phủ.
Các hành động của chính phủ "đe dọa đến sự độc lập về mặt học thuật của Harvard" và "là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Chính phủ nhằm trừng phạt Harvard vì bảo vệ các quyền hiến định của mình", các luật sư của Harvard viết trong hồ sơ kiện nộp lên Tòa án Liên bang quận Massachusetts ngày 21/4.
Vụ kiện nhằm phản đối việc chính quyền liên bang đóng băng hơn 2,2 tỷ USD tài trợ nghiên cứu, sau khi Harvard từ chối tuân thủ các yêu cầu của Nhà Trắng liên quan đến chính sách tuyển sinh, quản lý sinh viên và hoạt động học thuật.
Trong đơn kiện dài 51 trang, Harvard cáo buộc chính quyền Tổng thống Trump đã vượt quá thẩm quyền và vi phạm quyền tự do học thuật, cho rằng các hành động này nhằm trừng phạt trường vì bảo vệ quyền hiến định của mình.
Harvard lập luận rằng chính quyền Trump đã không thiết lập được bất kỳ mối liên hệ nào giữa các khoản cắt giảm tài trợ quan trọng và cuộc chiến chống chủ nghĩa bài Do Thái.
“Chính phủ không - và không thể - xác định bất kỳ mối liên hệ hợp lý nào giữa mối quan ngại về chủ nghĩa bài Do Thái và các nghiên cứu y khoa, khoa học, công nghệ và các nghiên cứu khác, mà họ đã đóng băng, nhằm mục đích cứu sống người Mỹ, thúc đẩy thành công của người Mỹ, bảo vệ an ninh của người Mỹ và duy trì vị thế của Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về đổi mới sáng tạo” - đơn kiện được đệ trình lên tòa án liên bang ở Boston cho biết.
Căng thẳng leo thang
Theo các tài liệu của tòa án, sự leo thang giữa Harvard và chính quyền Trump đã tăng tốc nhanh chóng.
Vào tháng 3, chính phủ liên bang đã gửi một lá thư cho Harvard nói rằng trường đang bị điều tra vì không “kiềm chế hoặc chống lại” chủ nghĩa bài Do Thái trong khuôn viên trường. Một lá thư tương tự với yêu cầu thay đổi chính sách đã được gửi đến Đại học Columbia và các cơ quan liên bang đã sớm thông báo rằng họ sẽ xem xét hơn 5 tỷ USD tiền tài trợ cho trường thuộc Liên đoàn Ivy (8 trường đại học danh tiếng vùng Đông Bắc Mỹ).
Sau đó, Columbia đã công bố một số thay đổi để giải quyết các yêu cầu, một sự nhượng bộ rõ ràng đối với chính quyền liên bang.
Nhà Trắng tiếp tục nhắm vào các trường đại học - Princeton, Cornell và Northwestern, đều đã bị đóng băng hoặc đình chỉ quỹ - và gửi cho Harvard một danh sách các thay đổi chính sách muốn trường thực hiện vào tháng 4, yêu cầu "hợp tác ngay lập tức" nếu trường đại học này muốn "duy trì mối quan hệ tài chính của Harvard với chính phủ liên bang".
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Danh sách bao gồm việc loại bỏ các chương trình đa dạng, công bằng và hòa nhập của trường, cấm đeo khẩu trang trong các cuộc biểu tình ở khuôn viên trường, cải cách tuyển dụng và tuyển sinh dựa trên thành tích và giảm quyền lực của các giảng viên và quản trị viên "cam kết với chủ nghĩa hoạt động hơn là học bổng".
Harvard gọi những yêu cầu này là "hà khắc" và công khai chỉ trích chính quyền, nói rằng họ sẽ không "từ bỏ quyền độc lập hoặc từ bỏ các quyền hiến định của mình".
Chính quyền Tổng thống Trump đã trả đũa bằng cách đóng băng 2,2 tỷ USD tiền tài trợ nhiều năm và 60 triệu USD giá trị hợp đồng nhiều năm, lập kế hoạch hủy bỏ tình trạng miễn thuế của Harvard và đe dọa khả năng tiếp nhận sinh viên quốc tế của trường.
Cuối cùng, ngày 21/4, Harvard nộp đơn kiện.
Hậu quả "nghiêm trọng và kéo dài"
Hàng tỷ USD, cùng với việc làm, nghiên cứu và khả năng quản lý viện trợ tài chính của Harvard không phải là những thứ duy nhất bị đe dọa. "Vị thế của nền giáo dục đại học Mỹ”, cũng đang bị đe dọa - Chủ tịch Harvard Alan Garber cho biết trong một tuyên bố.
Harvard, trường đại học giàu có nhất thế giới, với quỹ tài trợ 53 tỷ USD, có thể giúp bù đắp các khoản cắt giảm từ liên bang. Theo trường, khoảng 80% số tiền đó được dành cho viện trợ tài chính, học bổng, ghế giảng viên, chương trình học thuật hoặc các dự án khác. 20% còn lại nhằm mục đích duy trì tương lai của trường.
Nhưng những lời đe dọa của chính quyền Trump đối với tình trạng miễn thuế của Harvard và khả năng tiếp nhận sinh viên quốc tế của trường có thể gây thêm áp lực lên nguồn tài trợ của trường và nhiều nguồn tiền liên bang hơn có thể bị giữ lại.
Viện Y tế Quốc gia (NIH) đã công bố hôm 21/4 rằng họ sẽ rút tiền tài trợ nghiên cứu y khoa khỏi các trường đại học có chương trình đa dạng và hòa nhập (dưới áp lực từ chính quyền). Theo Harvard Crimson, trong số 686 triệu USD tiền tài trợ nghiên cứu liên bang của Harvard trong năm tài chính 2024, 488 triệu đô la đến từ NIH.
Chính phủ đang "đạp phanh" nghiên cứu và "nạn nhân sẽ là những bệnh nhân trong tương lai", ông Garber cho biết. Nghiên cứu về ung thư ở trẻ em, các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm và cách làm dịu nỗi đau của những người lính bị thương trên chiến trường đều sẽ bị ảnh hưởng, Hiệu trưởng Harvard nói thêm.
Ông cho rằng, việc cắt giảm bừa bãi nguồn tài trợ cho trường sẽ làm suy yếu vị thế của Mỹ là một quốc gia đi đầu toàn cầu về đổi mới sáng tạo. "Hậu quả của việc chính phủ can thiệp quá mức sẽ rất nghiêm trọng và kéo dài", ông Garber nhấn mạnh.
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)