Một đoạn video mờ nhòe ghi lại cảnh thân mật giữa một “quý cô” trang điểm sặc sỡ và một người đàn ông bất ngờ lan truyền với tốc độ chóng mặt trên Weibo.
Trong vòng vài giờ, từ khóa “Hồng tỷ” chiếm sóng mọi mặt trận mạng xã hội Trung Quốc, kéo theo những lời chế giễu, mỉa mai và một loạt thuyết âm mưu về tình ái dàn dựng, giới tính đánh tráo và hàng loạt nạn nhân bị quay lén.
Ngày 5/7, cảnh sát thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, chính thức vào cuộc. Một người đàn ông họ Jiao, 38 tuổi, giả trang phụ nữ, bị bắt giữ vì ghi hình lén các hành vi quan hệ tình dục với nhiều nam giới trong suốt thời gian dài. Trong các clip rò rỉ, Jiao đội tóc giả, mặc váy, trang điểm kỹ lưỡng và thường bố trí những đạo cụ kỳ quặc - từ trái dưa hấu đến chai dầu ăn như dấu hiệu nhận diện cá nhân.
Trong ánh đèn mờ của một căn phòng thuê theo giờ, niềm tin đã bị lạm dụng. Không phải bằng vũ lực, mà bằng giả dối. Không phải bằng roi vọt, mà bằng lời nói ngọt ngào và... một mái tóc giả.
Ban đầu, tin đồn cho rằng có tới gần 1.700 nạn nhân. Cảnh sát bác bỏ con số này nhưng xác nhận "nhiều người liên quan", làn sóng phẫn nộ vẫn bùng lên mạnh mẽ, đòi truy tố nghi phạm vì vi phạm quyền riêng tư, quay lén trái phép và có thể gây nguy cơ y tế nếu phát hiện có yếu tố lây nhiễm bệnh tình dục.
"Tôi từng muốn kết liễu đời mình"
Một trong những nạn nhân - một HLV thể hình trẻ tại Nam Kinh - sau khi phát hiện mình xuất hiện trong đoạn video đã suy sụp tinh thần và lập tức xóa tài khoản mạng xã hội, theo trang tin Sohu. Người này cho biết mình bị lừa gạt về giới tính thật của “Hồng tỷ” và đã trình báo vụ việc với cơ quan chức năng.
Trường hợp này phản ánh nỗi đau của nhiều nạn nhân từng trải qua cảm giác tương tự ở các quốc gia khác - khi bị đánh cắp niềm tin thông qua những trò lừa tinh vi, không bằng vũ lực, mà bằng giả dối kéo dài.
Jiao Moumou, 38 tuổi, được gọi với biệt danh "Hồng tỷ" đã phát tán các clip quay lén và bị cảnh sát Nam Kinh bắt giữ ngày 5/7.
Trên thế giới, đã có nhiều vụ việc gây rúng động khi một người giả mạo danh tính nhằm mục đích thiết lập quan hệ tình cảm hoặc tình dục với người khác.
Năm 2012 tại Anh, Gemma Barker - một phụ nữ 20 tuổi - đã giả danh 3 nhân vật nam giới khác nhau để lừa tình hai cô gái tuổi teen. Khi sự thật bị phanh phui, Barker bị kết án 30 tháng tù vì hành vi tấn công tình dục và lừa đảo.
Với vẻ ngoài nam tính - quần áo rộng thùng thình, đội mũ lưỡi trai, nói giọng trầm - cô dễ dàng đánh lừa không chỉ các nạn nhân mà cả phụ huynh và cảnh sát.
Barker còn dàn dựng quá khứ đau buồn cho các nhân vật nam: Aaron “mồ côi mẹ vì tai nạn giao thông”, hai người anh “một chết vì ung thư bạch cầu, một chết đuối”. Trong vai Luke Jones, cô thậm chí giả vờ mắc ung thư xương để lợi dụng sự thương cảm.
Hai nữ sinh 15 và 16 tuổi bị lừa gạt đã phải bật khóc tại Tòa án Guildford Crown (Anh) khi kể lại cú sốc tinh thần khủng khiếp khi quen với Gemma Barker: “Tôi cảm thấy ghê tởm, bẩn thỉu, phẫn uất. Tôi đã muốn kết liễu đời mình vì không thể chịu nổi”.
Một thập kỷ sau, tại Cambridge, một vụ án tương tự lại xảy ra. Blade Silvano, khi đó 41 tuổi, đã bị Tòa án Cambridge tuyên phạt 10 năm rưỡi tù giam vì hành vi tấn công tình dục, sau khi giả danh một người đàn ông để lừa gạt một phụ nữ tham gia mối quan hệ yêu đương kéo dài suốt 2 năm.
Blade Silvano tự giới thiệu mình là một người đàn ông trong suốt mối quan hệ kéo dài hai năm. Ảnh: Cảnh sát Cambridgeshire.
Silvano và nạn nhân quen nhau qua trang hẹn hò trực tuyến Plenty of Fish vào tháng 11/2016, nhanh chóng tiến đến đính hôn với tư cách "một cặp nam - nữ". Tuy nhiên, suốt mối quan hệ, Silvano luôn giữ kín thân phận thật bằng cách sử dụng khăn bịt mắt, đạo cụ tình dục và một danh tính hoàn toàn giả tạo - Blade Mendez.
Silvano còn dựng lên hàng loạt câu chuyện bịa đặt: từng phục vụ trong quân đội, bị chấn thương, có học vị tiến sĩ, là bác sĩ thú y, từng điều trị ung thư, thậm chí từng bị... bò giẫm đạp, theo Guardian.
Đáng chú ý, một người tình khác của Silvano sau đó đã nhắn tin cho nạn nhân rằng: “Cô không phải người đầu tiên, và cũng sẽ không phải người cuối cùng”.
Khi sự đồng thuận bị đánh tráo
Cốt lõi của nhiều vụ việc kiểu “Hồng tỷ” nằm ở khái niệm “đồng thuận có hiểu biết” (informed consent) - khi một người đồng ý quan hệ tình cảm hoặc tình dục trên cơ sở những thông tin trung thực về đối phương. Khi danh tính, giới tính hoặc mục đích thật sự bị che giấu, sự đồng thuận ấy trở nên vô hiệu.
Ở nhiều quốc gia, hành vi giả mạo danh tính để quan hệ tình dục đang dần được xem là một hình thức hiếp dâm bằng lừa dối. Tại Anh, nhiều án lệ hiện đại đã củng cố quan điểm này, cho phép truy tố tội hiếp dâm nếu sự đồng thuận xảy ra do bị đánh lừa về tên tuổi, giới tính hay mục đích thực sự của đối phương.
Các nhân vật trong clip của “Hồng tỷ” không chỉ là nạn nhân về xâm phạm quyền riêng tư mà có thể còn là nạn nhân của việc bị chiếm đoạt tình dục.
Tòa án từng tuyên án này trong các vụ án như McNally v R (2013), khi bị cáo là người đồng tính nữ giả làm nam giới để quan hệ với bạn gái.
Tại Israel, năm 2012, một người đàn ông gốc Arab bị kết án vì lừa dối một phụ nữ Do Thái rằng anh ta là người Do Thái độc thân. Tòa án xác định đây là hành vi “hiếp dâm qua lừa dối danh tính” - một án lệ gây tranh cãi nhưng tạo tiền lệ quan trọng, tờ Haaretz của nước này cho biết.
Trở lại vụ “Hồng tỷ”, cảnh sát Trung Quốc có thể truy tố nghi phạm theo Điều 364 Bộ luật Hình sự về hành vi quay lén và phát tán nội dung khiêu dâm, nhưng không có quy định rõ ràng về việc giả danh để thiết lập quan hệ tình dục trái với ý chí có hiểu biết của nạn nhân.
Các nhân vật trong video không chỉ là nạn nhân của xâm phạm quyền riêng tư, mà còn là nạn nhân của sự thao túng tình dục bằng lừa dối - một dạng tổn thương tinh thần chưa được luật hóa cụ thể.
Những thách thức đạo đức mới
Giáo sư Alexander Sharpe từ Đại học NYU, chuyên nghiên cứu về luật giới và tình dục, nhận định: “Nếu sự đồng thuận được thiết lập dựa trên một lời nói dối về danh tính hay giới tính, thì đó không còn là đồng thuận.”
Trung tâm Nghiên cứu Luật và Trách nhiệm Hình sự (CLRN, Anh) đã đề xuất thành lập một tội danh riêng: “dụ dỗ quan hệ tình dục bằng cách lừa dối” (inducing sexual activity by deception) - nhằm lấp đầy khoảng trống giữa các quy định hiện hành và thực tiễn ngày càng phức tạp.
Câu chuyện về “Hồng tỷ” - có thể khởi phát từ sự chế giễu và dù đang được nhìn nhận bằng ánh mắt tò mò hoặc hài hước trên mạng - lại đặt ra một vấn đề nghiêm túc.
Trong thế giới mà danh tính có thể bị giả mạo, thông tin bị bóp méo và hình ảnh bị lợi dụng, khái niệm “đồng thuận” cần được định nghĩa lại - không chỉ là sự cho phép, mà là sự cho phép dựa trên sự thật, hiểu biết và tự do ý chí.
Hiện trên mạng xã hội có rất nhiều đồn đoán những tình tiết kỳ lạ trong vụ việc, như việc một số nạn nhân sau đó có phát hiện ra, hay tại sao sau khi biết giới tính thật của “Hồng tỷ” nhưng vẫn tiếp tục quan hệ.
Nhưng giữa những tranh cãi ấy, lời khẳng định từng được thẩm phán Philip Grey phát biểu tại phiên tòa xét xử vụ Blade Mendez ở Anh lại trở nên đáng suy ngẫm, nhất là khi những xu hướng bàn luận độc hại cùng tin giả đang tràn lan trên mạng xã hội hiện giờ:
“Không liên quan đến giới tính sinh học hay xu hướng tình dục, vụ việc xoay quanh những lời nói dối trắng trợn, hành vi lừa đảo tinh vi và việc lợi dụng lòng tin để đạt mục đích tình dục”.
Phương Linh