Chiều 12.5, phiên tòa xét xử cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc cùng các bị cáo trong vụ án khai thác, buôn lậu đất hiếm được tiếp tục diễn ra ở phần xét hỏi.
Là bị cáo đầu tiên trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Dương) đã thừa nhận sai phạm như cáo trạng của VKS.
Khi được hỏi về số tài nguyên đã khai thác, tiêu thụ cũng như số tiền hưởng lợi, cựu Chủ tịch HĐQT Đoàn Văn Huấn cho biết bản thân không nhớ rõ.
Theo lời khai của bị cáo Huấn, ông mới chỉ học hết lớp 8 nên đã giao hết sổ sách kế toán cho bộ phận kế toán tổng hợp. Bị cáo không nhớ rõ con số về tổng tài sản, chỉ áng chừng khoảng 1.000 tỉ đồng; ngoài ra còn 2 nhà máy đất hiếm ở Yên Bái.
Quang cảnh phiên tòa xét xử vụ án khai thác đất hiếm xảy ra tại Công ty Thái Dương - Ảnh: M.H
Lời khai của bị cáo Huấn cũng cho thấy khi thành lập công ty có 3 cổ đông, gồm bị cáo, vợ và anh trai bị cáo, tuy mô hình là công ty cổ phần nhưng thực chất là công ty gia đình. Công ty đăng ký kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong đó có khai thác khoáng sản, quặng, đất hiếm, chủ yếu khai khoáng, hoạt động ở Yên Bái, có giấy phép khai thác từ năm 2013 do Bộ TN-MT cấp.
Cựu chủ tịch HĐQT Công ty Thái Dương khai không nhờ vả, tác động đến ai, cũng không chi quà cho ai để được cấp phép.
Trình bày về việc không thực hiện đúng giấy phép, bị cáo Huấn thừa nhận việc biết rõ quy định phải xây xong nhà máy mới được khai thác đất hiếm nên Công ty Thái Dương đang xây dựng cấp tốc nhà máy chế biến sâu. Nói đến đây, bị cáo Huấn vừa khóc vừa thừa nhận: “Bị cáo sai rồi!”.
Theo cáo trạng, Đoàn Văn Huấn với vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Dương đã tổ chức, chỉ đạo hoạt động khai thác quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ đất hiếm Yên Phú từ năm 2019 - 2023 trái quy định, với số lượng khoáng sản đã bị khai thác trái phép có trị giá hơn 864 tỉ đồng. Trong đó, Đoàn Văn Huấn đã tiêu thụ tổng số quặng đất hiếm và quặng sắt có trị giá hơn 736 tỉ đồng.
Cựu thứ trưởng nói “không bị ai tác động”
Trong phần xét hỏi chiều nay, cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc cho rằng nếu Công ty Thái Dương thực hiện đầy đủ như giấy phép thì đã không có sai phạm xảy ra.
Cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đến phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: M.H
Theo trình bày của bị cáo Ngọc, không có ai tác động để ông ký giấy phép và cũng không quen biết Đoàn Văn Huấn. Quá trình cấp phép, những thủ tục, hồ sơ đều được bị cáo nhận qua văn thư, nếu có vấn đề gì sẽ có ý kiến rồi trả lại.
Vẫn theo lời khai của cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc, thời điểm ký giấy phép cho Công ty Thái Dương là lúc có sự thay đổi về luật. Việc truy tố bị cáo là có cơ sở, vì nếu so sánh quy định pháp luật thì thời điểm đó cấp phép là sai.
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Linh Ngọc - cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT - cùng các bị cáo là cựu cán bộ, lãnh đạo bộ này được giao nhiệm vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước trong việc thẩm định, cấp giấy phép khai thác quặng đất hiếm.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Nguyễn Linh Ngọc và các đồng phạm đã cố ý làm trái nguyên tắc, điều kiện cấp giấy phép khai thác quặng đất hiếm cho Công ty Thái Dương, gây thất thoát cho Nhà nước tài nguyên khoáng sản có trị giá hơn 736 tỉ đồng.
Trong vụ án này, Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch Công ty Thái Dương) bị truy tố 3 tội danh, gồm “Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Gây ô nhiễm môi trường”.
Nhóm 7 bị cáo là cựu lãnh đạo, nhân viên Bộ TN-MT và Sở TN-MT tỉnh Yên Bái bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Các bị cáo khác trong vụ án bị truy tố do có các hành vi như buôn lậu; tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; gây ô nhiễm môi trường; vi phạm quy định kế toán…
Nhật Anh