Khu trục hạm USS Preble sử dụng HELIOS hạ gục mục tiêu.
Cơ quan Thử nghiệm và Đánh giá thuộc Lầu Năm Góc cho biết, hệ thống Laser Năng lượng cao Tích hợp Thiết bị gây lóa quang học và Trinh sát (HELIOS) trên tàu khu trục USS Preble đã bắn hạ thành công UAV trong cuộc thử nghiệm diễn ra vào năm tài khóa 2024.
Thông báo đăng kèm ảnh đen trắng, cho thấy pháo HELIOS khai hỏa và tạo ra tia laser sáng rực, nhưng không có hình ảnh mục tiêu bị bắn hạ.
Đây là một trong các bức ảnh rõ nhất về hệ thống HELIOS được công bố trong những năm gần đây, đánh dấu lần đầu mẫu pháo này thử nghiệm thực tế kể từ khi được lắp đặt trên USS Preble từ năm 2019.
Báo cáo có đoạn viết: "Cuộc thử nghiệm được tiến hành nhằm xác minh và kiểm tra tính năng, hiệu suất và năng lực của pháo HELIOS, đánh dấu bước tiến mới nhất nhằm đưa tổ hợp này vào tác chiến thực tế".
Mặc dù thông báo về kết quả cuộc thử nghiệm nhưng Hải quân Mỹ không nêu địa điểm và thời điểm cụ thể diễn ra cuộc thử nghiệm. Năm tài chính 2024 của Mỹ kéo dài từ ngày 1/10/2023 đến 30/9/2024.
Khu trục hạm Aegis USS Preble tham gia nhóm tác chiến tiền phương của Hải quân Mỹ và đóng quân tại cảng Yokosuka của Nhật Bản từ cuối năm 2024.
Dự án HELIOS được lầu Năm Góc khởi động từ năm 2018. Nhà thầu Lockheed Martin được trao hợp đồng 150 triệu USD để phát triển, sản xuất và bàn giao hai hệ thống HELIOS, một để thử nghiệm trên đất liền và một tích hợp cho chiến hạm.
Tổ hợp HELIOS có công suất hoạt động 60 kilowatt và có thể tăng lên 150 kilowatt tùy thuộc nhu cầu vận hành.
Khác với vũ khí thông thường, vũ khí laser như HELIOS về lý thuyết có thể khai hỏa không ngừng nếu bảo đảm nguồn điện và khả năng tản nhiệt, giúp giảm chi phí vận hành và yêu cầu về hậu cần kỹ thuật, kéo dài thời gian hoạt động của chiến hạm.
Cùng với khả năng phá hủy mục tiêu, tổ hợp HELIOS còn được tích hợp thiết bị gây lóa có khả năng làm mù tạm thời hoặc vô hiệu hóa cảm biến quang học, tạo thêm lợi thế trong hoạt động trinh sát và chống trinh sát.
Nhà khoa học Rob Afzal của Lockheed Martin cho biết: "Tôi đã nghiên cứu laser hàng thập kỷ nay. Với tôi, HELIOS thực sự là bước ngoặt".
Một tia laser có cường độ 100 đến 150 kilowatt đã có thể chống lại các máy bay trực thăng không người lái, những tàu nhỏ và một số vũ khí bắn tới.
HELIOS ra đời nhằm mục đích bảo vệ tàu chiến khỏi nhiều mối đe dọa khác nhau, trong đó có UAV, xuồng cao tốc và tên lửa hành trình. Đây là năng lực mà Hải quân Mỹ rất muốn tăng cường, đặc biệt là sau khi chiến hạm nước này liên tục phải đối mặt các cuộc tập kích bằng UAV và tên lửa của Houthi tại Biển Đỏ.
Với loại vũ khí dựa trên nguyên tắc vật lý mới này, đã chứng minh Hải quân Mỹ sẵn sàng thoát ra khỏi các loại vũ khí thông thường. Tuy nhiên theo War Zone, vẫn cần thêm thời gian để vũ khí này có thể được đưa vào chiến đấu thực tế.
Tiến Thành