Vụ sữa giả: Gần 600 sản phẩm sữa, chỉ 71 loại được cấp công bố sản phẩm

Vụ sữa giả: Gần 600 sản phẩm sữa, chỉ 71 loại được cấp công bố sản phẩm
2 ngày trướcBài gốc
Ngày 17/4, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã công bố kết quả rà soát khiến dư luận không khỏi giật mình. trong gần 600 sản phẩm mang nhãn thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt do Công ty Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất và lưu hành trên thị trường, chỉ có 71 sản phẩm, chiếm khoảng 12% được cấp giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm tại Hà Nội.
Từ năm 2021 đến nay, Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma đã nộp 67 hồ sơ công bố, trong khi Hacofood Group chỉ có 4 hồ sơ.
Đáng nói, toàn bộ 71 sản phẩm được cấp phép đều là thực phẩm dinh dưỡng thông thường. Không có bất kỳ hồ sơ nào liên quan đến nhóm sản phẩm dành riêng cho các đối tượng đặc biệt như người tiểu đường, người suy thận, phụ nữ mang thai, trẻ sinh non hoặc thiếu tháng, những nhóm có sức đề kháng yếu, dễ bị tổn thương nghiêm trọng nếu sử dụng sản phẩm không đạt chất lượng.
Từ năm 2021 đến nay, Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma đã nộp 67 hồ sơ công bố, trong khi Hacofood Group chỉ có 4 hồ sơ.
Theo lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, cơ quan này đã tiếp nhận, kiểm tra và xử lý theo đúng quy định. Như vậy, gần 90% số sản phẩm còn lại được tự công bố tại các tỉnh, thành khác.
Nghiêm trọng hơn, trong số các sản phẩm chưa được công bố tại Hà Nội, nhiều loại lại được gắn nhãn là thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt hoặc dùng cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người bệnh mạn tính những đối tượng có nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt và nhạy cảm với bất kỳ sai lệch nào về thành phần.
Các sản phẩm như sữa Sure IQ Gludiabet (cho người tiểu đường), Kid Baby Talacmum (cho trẻ 0 -12 tháng tuổi), IQ Grow Talacmum, Gain Talacmum hay Talacmum for Mum (cho phụ nữ mang thai) đang được quảng bá rộng rãi như sản phẩm y học chuyên biệt, nhưng lại chưa từng có hồ sơ đăng ký bản công bố tại cơ quan chức năng tại Hà Nội.
Trước thực trạng này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành cùng các cơ quan liên quan tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội... yêu cầu khẩn trương rà soát toàn diện hoạt động công bố sản phẩm, cấp giấy chứng nhận điều kiện sản xuất, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với hai công ty trên trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay.
Theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP, việc công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm là bắt buộc đối với các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dành cho trẻ đến 36 tháng tuổi. Hồ sơ đăng ký công bố phải bao gồm kết quả kiểm nghiệm còn hiệu lực, bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm và thông tin đầy đủ về thành phần, nhà sản xuất.
Tuy nhiên, nhiều sản phẩm hiện nay đang lợi dụng hình thức tự công bố tại các địa phương ít được kiểm soát để đưa hàng hóa ra thị trường, qua mặt người tiêu dùng bằng bao bì bắt mắt, lời quảng cáo hấp dẫn.
Các chuyên gia cảnh báo, việc sử dụng sữa giả hoặc sữa không đúng thành phần công bố có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt với những người có sức đề kháng yếu như trẻ nhỏ, người bệnh mạn tính và phụ nữ mang thai.
Khi thành phần dinh dưỡng thực tế chỉ đạt 70% so với công bố, việc uống ba ly sữa mỗi ngày cũng chỉ mang lại hiệu quả tương đương hai ly. Tình trạng này kéo dài có thể khiến thể trạng người bệnh suy giảm, chậm hồi phục, thậm chí làm nặng thêm các bệnh lý nền.
Đối với trẻ nhỏ, mối nguy còn lớn hơn. TS.Nguyễn Đức Nghĩa, giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội cảnh báo, trẻ em có hệ miễn dịch và tiêu hóa chưa hoàn thiện nên rất dễ bị tổn thương khi dùng sữa giả hoặc sữa kém chất lượng.
Tác hại có thể là nôn trớ, tiêu chảy, dị ứng, thậm chí là nhiễm khuẩn, nhiễm nấm nếu sản phẩm được sản xuất và bảo quản trong điều kiện không đảm bảo. Nghiêm trọng hơn, một số sản phẩm có thể chứa kim loại nặng hoặc phụ gia độc hại, ảnh hưởng đến gan, thận và sự phát triển trí não của trẻ.
Để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, người tiêu dùng cần tỉnh táo và cảnh giác khi lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng. Các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên mua sản phẩm từ những thương hiệu uy tín, được phân phối qua kênh chính thống như nhà thuốc, siêu thị lớn, cửa hàng mẹ và bé có chứng nhận.
Cần kiểm tra kỹ bao bì: tem chống giả, mã QR, thông tin nhà sản xuất rõ ràng, hạn sử dụng đầy đủ, không mờ nhòe hoặc bong tróc. Tuyệt đối không nên mua sữa qua mạng xã hội, livestream hoặc các nền tảng không chính thống – nơi chất lượng gần như không được kiểm soát.
Trong bối cảnh thị trường thực phẩm chức năng, dinh dưỡng đang ngày càng mở rộng, vụ việc gần 600 sản phẩm chưa đủ điều kiện vẫn lưu hành là hồi chuông cảnh báo về tình trạng buông lỏng quản lý hậu kiểm và sự tinh vi trong các hành vi gian lận thương mại.
Đã đến lúc cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa hệ thống kiểm định, tăng cường trách nhiệm của các địa phương trong việc cấp phép, thanh tra và hậu kiểm, đồng thời đẩy mạnh truyền thông để nâng cao ý thức người dân. Bởi sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em, người bệnh và phụ nữ mang thai không thể tiếp tục bị đánh đổi bởi những sản phẩm đội lốt “dinh dưỡng” nhưng lại kém chất lượng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
D.Ngân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/vu-sua-gia-gan-600-san-pham-sua-chi-71-loai-duoc-cap-cong-bo-san-pham-d268971.html