Ngày 13-5, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh cho biết sau khi xảy ra sự cố sụt lún đường dẫn cầu Hòa Bình (xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh), sở đã báo cáo lên Bộ Xây dựng
Theo PGS-TS Chu Công Minh, Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TP HCM, sự cố sụt lún đường dẫn cầu Hòa Bình có thể do chất lượng nền móng.
Cũng theo PGS-TS Minh, khu vực Nam Bộ với địa hình bằng phẳng, khí hậu thuận lợi phù hợp phát triển nông nghiệp, nhưng lại là bài toán khó trong việc xây dựng hạ tầng giao thông.
Để phòng ngừa tình trạng sụt lún đường, PGS-TS Minh cho rằng với các công trình hiện hữu xây dựng trên đất yếu bắt buộc phải điều tra khảo sát để đánh giá khả năng xảy ra sự cố. Nếu mặt đường có hiện tượng lún vượt quá mức cho phép thì phải có biện pháp xử lý phù hợp. Trường hợp sụt lún nặng, cần cấm đường để bảo đảm an toàn.
"Cơ quan chuyên môn cần dùng cảm biến kiểm tra độ lún. Nếu kiểm tra ghi nhận vết nứt nhẹ do co ngót bê-tông thì có thể xử lý tại chỗ. Còn vết nứt lớn nguy cơ do lún sụt, cần phải xử lý gia cố lại móng hoặc các biện pháp kỹ thuật khác" - PGS-TS Minh nhận định.
Với các công trình mới, ông cho rằng cần có khảo sát địa chất, địa hình để có phương án xây dựng nền móng phù hợp, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, sau đó mới thi công. Trong quá trình thi công cần kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm bảo đảm chất lượng công trình. Cần giám sát thường xuyên trọng tải ô tô khi lưu thông trên đường, không cho xe quá tải chạy qua ảnh hưởng chất lượng công trình.
PGS-TS Chu Công Minh cũng cho hay hiện nay các công trình xây dựng cầu đường đều tuân theo tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành. Tiêu chuẩn dùng chung áp dụng cho các công trình, tuy nhiên khi xây dựng công trình đơn vị thi công cần có quá trình khảo sát địa hình, địa chất khu vực để đánh giá và có phương án xây dựng phù hợp. "Với khu vực có loại đất, địa chất, địa hình khác nhau sẽ có phương thức xử lý nền móng khác nhau. Với một công trình xây dựng, chất lượng là yêu cầu số một và cần thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình vì yếu tố này bảo đảm vấn đề an toàn trong quá trình vận hành, khai thác" - PGS-TS Minh nói.
Theo luật sư Trương Văn Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, sự cố này không chỉ gây thiệt hại về tài sản, làm gián đoạn giao thông mà còn đặt ra câu hỏi lớn về chất lượng công trình và quy trình quản lý dự án.
Hiện trường vụ sụt lún đường dẫn cầu Hòa BìnhẢnh: SỸ HƯNG
Trước hết, về phía đơn vị thiết kế, trách nhiệm nằm ở việc khảo sát địa chất, địa hình công trình một cách đầy đủ, chính xác và đưa ra giải pháp thiết kế nền móng, kết cấu đường dẫn bảo đảm ổn định, chịu lực tốt dưới tác động của các yếu tố tự nhiên và tải trọng khai thác. Nếu nguyên nhân ban đầu được xác định do "túi bùn cục bộ dưới nền đường bị trượt", thì đơn vị thiết kế có thể đã không phát hiện hoặc đánh giá đầy đủ mức độ rủi ro của lớp đất yếu này trong quá trình khảo sát và tính toán thiết kế, dẫn đến việc lựa chọn giải pháp xử lý nền đất không phù hợp hoặc thiếu các biện pháp tăng cường ổn định cần thiết. Trách nhiệm của họ còn bao gồm việc giám sát trong quá trình thi công để bảo đảm nhà thầu thi công tuân thủ đúng thiết kế đã được phê duyệt.
Đối với đơn vị thi công, trách nhiệm chính là triển khai thi công công trình theo đúng hồ sơ thiết kế, các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và quy định của hợp đồng xây dựng. Điều này bao gồm cả công tác xử lý nền đất theo đúng giải pháp thiết kế đã được duyệt, kiểm soát chất lượng vật liệu, quy trình đắp nền, lu lèn... Nếu sự cố xảy ra do lỗi trong quá trình thi công như không xử lý triệt để túi bùn, thi công sai quy trình kỹ thuật, sử dụng vật liệu kém chất lượng hoặc không bảo đảm mật độ đầm nén, thì đơn vị thi công sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về hậu quả. Họ cũng có trách nhiệm thông báo kịp thời cho chủ đầu tư và đơn vị thiết kế về những khó khăn, bất cập hoặc phát hiện khác biệt so với hồ sơ thiết kế trong quá trình thi công.
Cuối cùng, đơn vị được giao quản lý dự án (ở đây là UBND huyện Châu Thành và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Châu Thành với vai trò chủ đầu tư) đóng vai trò then chốt trong việc lựa chọn các đơn vị tư vấn, nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm; kiểm tra, giám sát toàn diện quá trình từ khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng công trình. Trách nhiệm của chủ đầu tư là bảo đảm công trình được triển khai theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý chất lượng công trình, tiến độ và chi phí.
Việc công trình sụt lún khi chưa nghiệm thu cho thấy công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình thực hiện dự án có thể đã chưa chặt chẽ, không kịp thời phát hiện và xử lý các tồn tại về chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn công trình. Chủ đầu tư cần rà soát lại toàn bộ quy trình quản lý, hồ sơ chất lượng và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong phạm vi quản lý của mình.
Nhóm phóng viên