Theo phản ánh của ông Châu Văn Ơn (TP Thủ Đức, TP.HCM), trước đây, phía sau đất của ông là đất của ông B.
Ông B sử dụng bờ ruộng rộng khoảng 0,5m của nhà ông để ra đường hẻm. Sau đó, ông B cất nhà ở và tháng 3-1999, ông B tự ý đào một phần đất của nhà ông để đắp một con đường rộng 1,5m, dài 70m. Ông Ơn không đồng ý nên tranh chấp xảy ra.
Ông Châu Văn Ơn tại lối đi. Ảnh: YC
Rắc rối chuyện lối đi chung
Ngày 27-3-1999, UBND quận 9, TP.HCM ra quyết định giữ nguyên hiện trạng con đường đi trước đây, trả lại hiện trạng ban đầu để ông Ơn sử dụng. Ông B tiếp tục khiếu nại nhưng bị bác đơn, sau đó ông B bán nhà đất đi chỗ khác ở.
Theo hồ sơ, ngày 2-7-2001, bà H ký hợp đồng mua bán nhà đất với ông B. Dù vậy, ngày 30-8-2001, ông T đến nhà ông Ơn nói có ý muốn mua lại phần đất của ông B để làm nhà ở nên đề nghị ông Ơn cho sử dụng đường đi chung.
Vì ông T là họ hàng nên hai bên thống nhất ký “thỏa thuận đường đi” với nội dung ông Ơn đồng ý cho ông T sử dụng vĩnh viễn một con đường băng qua dài khoảng 70m rộng 1,5m đất. Ông T giao cho ông Ơn 60 triệu đồng để đền bù hoa lợi trên diện tích dùng làm đường đi. Khi có nhu cầu, ông T sẽ chấp thuận cho ông Ơn làm đường ống nước thải sinh hoạt xuyên qua phía sau ranh đất của ông T.
Tuy nhiên, việc làm cống thoát nước không thực hiện được vì sau khi giao tiền ông T không mua miếng đất phía sau đất nữa, trong khi chủ đất mới lại không cho ông Ơn làm cống. Vì vậy, ông Ơn đã hủy bỏ tờ thỏa thuận và từ đó không cho ông T sử dụng đất của ông làm đường đi.
Năm 2004, chồng bà H khởi kiện vì cho rằng ông Ơn chiếm đoạt con đường vào nhà, đến năm 2005 thì rút đơn kiện.
Hơn 10 năm sau, tháng 12-2015, bà H lại khởi kiện ông Ơn ra tòa. Theo bà H, vợ chồng bà có nhờ ông T thỏa thuận mở rộng đường đi chung với ông Ơn. Sau đó, ông T và ông Ơn đã ký thỏa thuận đường đi.
Ngày 30-9-2001, ông T có viết nội dung đồng ý chuyển phần đường đi này cho gia đình bà H (viết thêm trên giấy thỏa thuận đường đi mà ông Ơn và ông T đã ký -PV). Sau đó, ông T ký giấy xác nhận việc đứng tên mua giùm cho gia đình bà H một phần đất của ông Ơn rộng 1m, dài khoảng 70m để mở rộng lối đi vào nhà bà H. Ông T đã thay mặt bà H trả cho ông Ơn 60 triệu đồng…
Theo bà H, ông Ơn ngăn cấm gia đình bà sử dụng con đường và xây tường gạch bịt kín con đường đi... nên bà phải khởi kiện ra tòa để giành lối đi.
Tòa xử sao?
Xử sơ thẩm tháng tháng 7-2024, TAND TP Thủ Đức, TP.HCM đã chấp nhận yêu cầu của bà H, buộc ông Ơn tháo dỡ phần cổng, các tường rào, di dời cây trồng và các vật kiến trúc khác trên phần đường đi chung để mở lại cho gia đình bà H lối đi chung.
HĐXX sơ thẩm cho rằng ông T đã đại diện gia đình bà H thỏa thuận đường đi chung với ông Ơn, là thực hiện theo ủy quyền bằng miệng của gia đình bà H và điều này được sự xác nhận của ông T và gia đình bà H nên thỏa thuận đường đi ngày 30-8-2001 giữa ông Ơn với ông T không bị vô hiệu.
Tại Điều 4 thỏa thuận ghi khi có nhu cầu, ông T sẽ chấp nhận cho ông Ơn làm đường cống nước thải xuyên qua phía sau ranh đất của ông T. Như vậy, ông bên Ơn chưa có nhu cầu về đường nước thải và trong thỏa thuận chưa xác định rõ diện tích đất sử dụng làm đường thoát nước thải nên không thể xác định cụ thể quyền sử dụng đất (mà ông Ơn cho rằng là tài sản trao đổi với quyền sử dụng đất làm đường đi) để xác định chênh lệch giá trị nên việc ông Ơn xác định thỏa thuận đường đi là hợp đồng trao đổi tài sản là không có cơ sở.
Về thỏa thuận mở đường thoát nước thải, các bên không giao nhận tài sản gì cho nhau và không có thỏa thuận ràng buộc giữa việc cho mở đường thoát nước thải với việc mở đường đi chung. Xét các bên không thỏa thuận việc cho mở đường thoát nước thải là điều kiện ràng buộc để thỏa thuận về đường đi chung có hiệu lực nên việc thực hiện thỏa thuận về đường nước thải được hay không cũng không ảnh hưởng đến thỏa thuận về đường đi chung đã được các bên thực hiện xong...
Ông Ơn kháng cáo. Xử phúc thẩm tháng 12-2024, TAND TP.HCM đã bác kháng cáo của ông Ơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Thỏa thuận có giá trị với ai?
Theo ông Ơn, bản thỏa thuận đường đi hoàn toàn không có nội dung nào đề cập đến việc mua bán đất. Vì vậy, ông T không có quyền sử hữu hợp pháp, không có quyền chuyển lại cho gia đình bà H quyền sử dụng lối đi này.
Cạnh đó, việc gia đình bà H mua đất xảy ra trước và không có mối liên hệ nào với việc ông và ông T ký thỏa thuận đường đi. Ông không biết chuyện này và do tin tưởng là ông T sẽ mua toàn bộ phần đất phía sau mới ký thỏa thuận.
Đặc biệt là giữa bà H và ông không hề có giao dịch gì về lối đi chung. Nếu ông T không thực hiện được thỏa thuận với bà H thì bà H phải khởi kiện ông T mới đúng.
Cũng theo ông T, đối với lập luận nếu ông không cho bà H đi lối đi này thì không còn lối đi nào khác nên buộc phải cho bà H đi và tháo dỡ cổng là không thỏa đáng. Bởi nếu bà H muốn có lối đi thì phải thỏa thuận với ông sao cho hợp tình hợp lý...
Vì vậy, ông Ơn đã làm đơn đề nghị giám đốc thẩm và TAND Cấp cao tại TP.HCM đã xác nhận nhận đơn vào ngày 6-3-2025.
YẾN CHÂU