'Vừa nói sẽ đi kiểm tra, quán nào cũng báo em hết lòng rồi'

'Vừa nói sẽ đi kiểm tra, quán nào cũng báo em hết lòng rồi'
6 giờ trướcBài gốc
Chiều 8-5, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Thanh tra sửa đổi. Nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ quan tâm đến công tác thanh tra, kiểm tra sau khi không còn thanh tra cấp sở và huyện.
Công tác thanh tra đang phải chạy theo vụ việc
Đại biểu (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết điểm mấu chốt của dự thảo luật là thay đổi hệ thống thanh tra, bỏ cấp sở, huyện, chỉ còn hai cấp là Thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh.
Bà Lan nhìn nhận hiện nay công tác thanh tra chưa đạt hiệu quả như mong muốn dù có nhiều nỗ lực. “Công tác thanh tra đang phải chạy theo vụ việc, chưa đáp ứng được mong đợi của người dân” – ĐB Phạm Khánh Phong Lan nói và cho rằng đây là lý do phải sửa Luật Thanh tra.
“Khi giảm cấp thanh tra đi kèm đó cũng phải giảm nhân sự, biên chế, trong khi mọi việc sẽ phải lo hết” – bà Lan nói và bày tỏ băn khoăn Thanh tra Chính phủ bao gồm cả thanh tra chuyên ngành liệu mục tiêu đề ra có thực hiện được.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Ảnh: QH
Với kinh nghiệm 10 năm công tác ở Sở Y tế, bà Lan cho biết Thanh tra Sở Y tế chỉ nắm công việc ở sở còn chuyện xảy ra tại các phòng mạch, nhà thuốc… thì quận, huyện mới nắm.
“Khi có khiếu nại, tố cáo thì thanh tra sở mới xuống nhưng sự việc xảy ra ở địa phương thì không thể xuống kịp được” – bà Lan nêu thực tế và đề cập đến câu chuyện TP.HCM thí điểm mô hình Ban Quản lý an toàn thực phẩm.
Mục tiêu của mô hình này là tập hơn 3 ngành lại, chia người ra làm thanh tra, đây như một cánh tay nối dài của Sở Y tế, được bố trí ngay tại các quận, huyện. Điều này giúp khi có sự việc xảy ra, lãnh đạo Sở sẽ gọi ngay đội trưởng ở đó để nắm bắt tình hình.
Bây giờ nếu thực hiện thanh tra chuyên ngành, khi có chuyện xảy ra sẽ phải tập hợp, huy động lực lượng của các sở khác, như vậy sẽ mất khá nhiều thời gian.
Nhắc đến điều 61 dự thảo Luật quy định về hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các cơ quan quản lý nhà nước, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đánh giá đây là quy định phù hợp. Bà mong trong quá trình xây dựng các nghị định, thông tư thì sẽ lưu ý vấn đề này.
Nói thêm sau đó, ĐB Phạm Khánh Phong Lan thông tin vừa qua đã đề xuất UBND ký xử phạt một trường hợp pha chế chất phụ gia, sử dụng nguyên liệu quá hạn với số tiền 3 tỉ đồng.
“Thanh tra hay kiểm tra không phải là vấn đề, quan trọng là cơ quan chức năng làm đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao” – bà Lan nói và cho rằng phải làm sao để giữ được hệ thống chân rết tại địa phương, cùng hợp tác, phối hợp nhằm tăng cường lực lượng thanh, kiểm tra, giúp công tác thanh tra đạt hiệu quả thực chất nhất.
Thanh tra đột xuất là quyền của thanh tra nhà nước
Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cũng đặt vấn đề phải quy định rõ thế nào là thanh tra đột xuất và thanh tra theo kế hoạch. Nếu thanh tra theo kế hoạch thì đầu năm lập kế hoạch sẽ thanh tra những đơn vị nào, đến ngày đó thì gửi văn bản đến đơn vị thông báo.
"Thanh tra mà thông báo trước như vậy thì không vở sạch, chữ đẹp mới là lạ; thậm chí có trường hợp chây ỳ, vi phạm như thường" - bà Lan nêu.
Trong khi đó, chỉ khi thông qua thanh tra đột xuất cơ quan chức năng mới phát hiện ra những sai phạm, thiếu sót của doanh nghiệp…
Dẫn chứng vụ lòng xe điếu được dư luận quan tâm mấy ngày nay, bà Lan nói cơ quan chức năng vừa thông tin sẽ cho kiểm tra thì báo chí đã đăng tải rất nhiều, sau đó đi đến đâu họ cũng thông báo “em hết lòng rồi”.
“Thanh tra đột xuất là quyền của thanh tra nhà nước. Chúng ta phải làm thế nào để cả những đơn vị sản xuất, kinh doanh luôn luôn ý thức việc “có thể bị thanh tra kiểm tra bất cứ lúc nào…” – ĐB Phạm Khánh Phong Lan đề nghị.
Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh. Ảnh: QH
Góp ý cho nội dung này, đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP.HCM) nhìn nhận tới đây sẽ không còn hệ thống thanh tra ở các bộ mà chuyển hết về Thanh tra Chính phủ. Lúc này, các cơ quan các bộ chỉ thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành và do cán bộ, công chức thuộc cơ quan chuyên môn thực hiện.
“Vậy quy trình, thủ tục ra sao? Hiện chưa có văn bản nào quy định thống nhất về trình tự, thủ tục, cách thức kiểm tra này” – ĐB Hiển nói và đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy định chi tiết, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, giúp các cơ quan thực thi sẽ thực hiện hiệu quả hơn các nhiệm vụ được giao, bảo đảm hoạt động cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh, việc chỉ còn duy trì chức năng kiểm tra của cơ quan chuyên môn cũng không ảnh hưởng nhiều đến quản lý các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực ngành tư pháp nói riêng, các ngành khác nói chung.
Tuy nhiên, bà Hạnh bày tỏ đồng tình với ý kiến của ĐB Đỗ Đức Hiển là phải có hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện.
“Cần hướng dẫn cho các cơ quan thực hiện vì còn liên quan đến kiểm tra, xử phạt, liên quan đến việc khởi kiện tại tòa” – bà Hạnh nói thêm.
Điều 61 dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi quy định thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước.
Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp theo quy định của pháp luật để xử lý kịp thời hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra.
Nếu có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật...
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/vua-noi-se-di-kiem-tra-quan-nao-cung-bao-em-het-long-roi-post848722.html