Vui buồn nghề phân tích

Vui buồn nghề phân tích
3 ngày trướcBài gốc
Các sản phẩm phân tích hỗ trợ quyết định giao dịch của khách hàng, hạn chế được rủi ro, tăng cường khả năng sinh lời
Áp lực
Về bản chất, chứng khoán hay bất kỳ tài sản rủi ro nào, điểm mấu chốt khiến giá lên hay xuống nằm ở câu chuyện dòng tiền và kỳ vọng của nhà đầu tư. Do có yếu tố định tính, nên việc dự báo diễn biến giá cổ phiếu nói riêng, chỉ số thị trường nói chung của giới chuyên gia luôn đứng trước áp lực.
“Tôi không dám nhận mình là một chuyên gia, vì thị trường chứng khoán rất phức tạp, phản ứng với hầu như mọi biến động và thông tin từ vĩ mô, địa chính trị trên toàn cầu cho tới các thông tin kinh tế, chính sách, ngành, cổ phiếu trong nước, mà tôi không thể đủ hiểu biết để có thể thu thập, xử lý hết mọi loại thông tin này một cách nhanh chóng”, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Chứng khoán VPBank chia sẻ.
“Nhiệm vụ của người phân tích chứng khoán là cung cấp cho khách hàng, nhà đầu tư những thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ nhất có thể, kèm theo quan điểm đánh giá khách quan, độc lập. Chính vì vậy, để đáp ứng được cho công việc, chúng tôi hoạt động và làm việc theo nhóm, trong đó mỗi thành viên đều là một phân tích viên dày dạn kinh nghiệm trong một khu vực, một mảng thông tin mà họ phụ trách”, ông Dương nói.
“Để đáp ứng được 3 tiêu chí là thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ, chúng tôi sẽ phải tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Thứ nhất là rào cản về thông tin, vì những thông tin được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông không bao giờ là đủ để đảm bảo 3 tiêu chí trên, buộc các phân tích viên phải tìm cách tiếp cận và tìm hiểu thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp trong lĩnh vực mà mình phụ trách nhằm có được bức tranh chi tiết nhất có thể. Thứ hai là rào cản về tính liên tục của thông tin, khi mà các thông tin mới có thể phát sinh đột ngột, thậm chí thay đổi hẳn bức tranh triển vọng, đòi hỏi khả năng cập nhật thường, xuyên liên tục, trong khi thời gian làm việc và sức người có giới hạn. Thứ ba là áp lực về mặt tốc độ, các chuyên gia phân tích dày dạn kinh nghiệm nhất cũng luôn phải nỗ lực hết mình để xử lý thông tin liên tục nhận được, cập nhật và truyền tải thành dạng báo cáo hoặc một sản phẩm nào đó để đưa tới khách hàng”, ông Dương cho biết.
Trong quá trình thực hiện công việc, phần lớn những người làm phân tích phải đưa ra gợi ý cho khách hàng, nhà đầu tư về một danh mục cụ thể, dù mọi mô hình tính toán đều không thể hoàn hảo so với thực tế biến động. Hơn nữa, trên thị trường chứng khoán bao hàm nhiều bất ngờ, một chuyện mà ai cũng nghĩ là đúng thì chưa chắc sẽ đúng trong lần tiếp theo, bởi nhiều nhà đầu tư hành động đón đầu có thể dẫn tới quy luật bị thay đổi.
Nói về áp lực đối với người nghề làm phân tích, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, cái khó đầu tiên của một chuyên gia chứng khoán là việc nhận định thị trường phải chuẩn xác và khách quan. Điều này đương nhiên là ai cũng mong muốn, nhưng không thể nào chắc chắn về tính chính xác, vì thị trường tài chính rất phức tạp và khó dự báo. Cái khó tiếp theo là áp lực của số đông tham gia thị trường. Với sự bùng nổ của mạng xã hội, thông tin được lan tỏa rất nhanh, các nhận định cũng được lan tỏa nhanh chóng. Điều này là cái lợi, nhưng đôi khi lại là cái hại khi có rất nhiều lời đả kích, thậm chí xúc phạm của những nhà đầu tư có ý kiến trái chiều. Cuối cùng, đó là việc duy trì sự khách quan khi xảy ra những xung đột lợi ích, tức phải vượt qua được sự cám dỗ lợi ích.
Theo một chuyên gia có nhiều năm trong nghề, tư vấn đầu tư nói chung và phân tích nói riêng luôn chịu nhiều áp lực, nhất là đối với thị trường biến động mạnh như thị trường chứng khoán. Việc nhận định đúng sai xảy ra liên tục do thị trường không những chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố cơ bản mà còn đến từ các yếu tố khác khó dự đoán như rủi ro địa chính trị trên thế giới.
“Trong việc phân tích thị trường và cổ phiếu, ngoài tác động từ yếu tố cơ bản thì dòng tiền cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả phân tích. Trong khi đó, dòng tiền là yếu tố rất khó dự báo và chịu tác động từ các xúc tác cả trong ngắn và dài hạn”, vị chuyên gia nói.
Liên quan đến xung đột lợi ích, vị chuyên gia cho rằng, mâu thuẫn giữa đầu tư cá nhân và tư vấn đầu tư là điều khó tránh khỏi. Trong nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán, khó có thể cấm các nhà phân tích tham gia. Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, các nhà phân tích cần tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, ví dụ như không thực hiện giao dịch trước thời điểm ra báo cáo.
Để hạn chế xung đột lợi ích, nhà phân tích có thể lựa chọn các sản phẩm đầu tư thụ động hay các chứng chỉ quỹ phù hợp. Khi đó, người phân tích có thể tìm kiếm lợi nhuận từ triển vọng chung của thị trường, mà không ảnh hưởng đến việc tư vấn cho khách hàng.
Động lực
Nhiệm vụ của người phân tích chứng khoán là cung cấp cho khách hàng, nhà đầu tư những thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ nhất có thể, kèm theo quan điểm đánh giá khách quan, độc lập.
Dù gặp nhiều áp lực trong công việc, nhưng nghề làm phân tích cũng mang lại không ít niềm vui. Đó là niềm vui chiến thắng bản thân mỗi ngày vì tăng cường được khả năng tìm kiếm, khai thác và phân tích thông tin, cung cấp cho khách hàng thông tin chất lượng, kịp thời, chính xác. Niềm vui khi những sản phẩm phân tích hỗ trợ quyết định giao dịch của khách hàng, hạn chế được rủi ro, tăng cường khả năng sinh lời. Công việc phân tích có ý nghĩa hơn khi luôn đặt khách hàng làm trọng tâm và đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu.
Luôn tìm niềm vui để có “lửa” với nghề, không bị “đóng đinh” là một nghề buồn tẻ và luôn khiến nhà phân tích phải suy nghĩ hàng ngày, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, mỗi ngày là một sự kiện mới và mỗi câu chuyện mới khiến người phân tích cần nắm bắt kịp thời.
“Người phân tích cũng luôn phải làm mới mình hàng ngày trên các nền phân tích cơ bản, thậm chí tôi thường hay gọi nghề phân tích mỗi ngày đều phải cập nhật, kiểm thử và tối ưu. Và cuối cùng, niềm vui lớn nhất đó là tạo ra được giá trị cho khách hàng, giúp khách hàng có thể tồn tại và kiếm sống trên thị trường chứng khoán”, ông Minh nói.
Theo ông Bùi Văn Huy, để giữ được tính khách quan, chuyên nghiệp thì người phân tích cần vượt qua những khó khăn của nghề như áp lực số đông, áp lực thị trường, các chuẩn mực nghề nghiệp. Cùng với đó, thị trường luôn thay đổi, xuất hiện nhiều lớp tài sản mới và kiến thức mới. Sau tất cả là những niềm vui, trước tiên là niềm vui với thị trường.
“Thị trường tài chính là đam mê bất tận và được sống trong hơi thở của thị trường là một điều hạnh phúc, niềm vui mỗi ngày. Niềm vui, ý nghĩa tiếp theo đó là việc cảm thấy bản thân vẫn tạo ra giá trị, giúp đỡ được khách hàng và những người dõi theo mình”, ông Huy nhấn mạnh.
Hoàng Anh
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/vui-buon-nghe-phan-tich-post360794.html