Vun đắp mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào

Vun đắp mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào
6 giờ trướcBài gốc
Tại cuộc hội đàm năm 1971 giữa đại diện hai Trung ương Đảng, đồng chí Kaysone Phomvihane khẳng định: “Tuy Việt Nam có khó khăn nhưng đã không tiếc gì với Lào, chính cái đó đã góp phần tăng cường đoàn kết giữa hai Đảng. Đây là quan hệ đặc biệt trên thế giới không đâu có”. Cảm ơn và đáp lại lời nói chân tình của đồng chí Kaysone Phomvihane, đồng chí Lê Duẩn phát biểu: "Nhân dân Việt Nam hy sinh xương máu cho cách mạng Lào, nhân dân Lào cũng hy sinh tính mạng và của cải để giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Hai Đảng, hai dân tộc chúng ta giúp đỡ lẫn nhau, nếu chỉ thấy sự giúp đỡ của một bên là không đúng. Đảng chúng tôi luôn luôn giáo dục cho cán bộ, đảng viên Việt Nam hiểu rõ điều đó".
Đoàn công tác Ban liên lạc truyền thống hữu nghị Việt-Lào cơ quan Bộ Quốc phòng do Trung tướng Nguyễn Tiến Long, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào, Phó trưởng ban liên lạc, làm trưởng đoàn trong một cuộc làm việc với tỉnh Thanh Hóa về công tác đối ngoại nhân dân.
Một trong những biểu tượng cao đẹp của quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là tuyến đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Hàng chục năm chiến đấu, công tác ở đất nước Triệu Voi, đã cùng đồng đội gắn bó với đường Trường Sơn, Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền cho biết, không nơi nào trên thế giới cho nước khác mượn đất mở đường và cùng đánh giặc như Lào đối với Việt Nam. Quân đội Mỹ ví đường Trường Sơn như trận đồ bát quái, mạng lưới giao thông kết nối ngang dọc với chiều dài hàng nghìn ki-lô-mét. Đường Trường Sơn mở đến đâu, máy bay Mỹ đánh phá đến đó. Nhân dân các bản làng phải di chuyển, sơ tán vào rừng sâu. Nhân dân các bộ tộc Lào đều quý và coi voi là thần, tượng trưng cho sự giàu có, danh giá nhưng sẵn sàng hiến voi, đưa voi ra trận góp sức cùng bộ đội Việt Nam đánh giặc.
Các loại bom đạn Mỹ ngày đêm ném xuống núi rừng Trường Sơn. Từ năm 1965 đến 1973, nhân dân các bộ tộc Lào bị thiệt hại rất lớn về người, nhà cửa, nương rẫy nhưng vẫn kiên cường cùng bộ đội và thanh niên xung phong Việt Nam làm mới, sửa chữa đường sá, vận chuyển thương, bệnh binh, lương thực bảo đảm hoạt động của đường Trường Sơn. Quân tình nguyện, chuyên gia đã từng chiến đấu, công tác ở Lào và nhân dân Việt Nam biết ơn sâu sắc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào đã kề vai sát cánh như người thân yêu, ruột thịt, không tiếc máu xương, hy sinh thân mình và của cải, cùng chung chiến hào, chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc trong kháng chiến chống kẻ thù chung...
Tuyên bố chung Việt Nam-Lào, ngày 13-9-2024 đã nhấn mạnh: “Hai bên khẳng định tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của hai dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử gần một thế kỷ đã qua; nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong kính yêu đặt nền móng xây dựng, được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp, là tài sản chung vô giá của hai dân tộc, là tất yếu khách quan, quy luật lịch sử và là nguồn sức mạnh to lớn nhất của hai nước, là nền tảng để hai nước cùng phát huy truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.
Việt Nam và Lào không chỉ là hai nước láng giềng mà là hai nước anh em, đồng chí có chung nguồn gốc từ một Đảng Cộng sản Đông Dương, luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiếp tục ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình; cùng kề vai sát cánh, ủng hộ lẫn nhau trong công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước ngày nay và mai sau.
Hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước có trách nhiệm cùng nhau giữ gìn, bảo vệ, vun đắp cho mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào ngày càng phát triển lên tầm cao mới, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực, trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, kết hợp thỏa đáng tính chất đặc biệt của quan hệ Việt Nam-Lào với thông lệ quốc tế, dành ưu tiên, ưu đãi cho nhau, ủng hộ, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhau cùng phát triển vì sự phồn vinh của mỗi nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á và trên thế giới.
Hai bên chân thành cảm ơn về sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, quý báu, chí tình, chí nghĩa mà hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã dành cho nhau trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay”.
Còn nhớ, vào ngày 6-7-2011, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW, công tác đối ngoại nhân dân của Việt Nam với các nước, trong đó có Lào đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức về đối ngoại nhân dân được nâng lên; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về công tác đối ngoại nhân dân được quan tâm đẩy mạnh; lực lượng tham gia và quan hệ đối tác được mở rộng. Đối ngoại nhân dân cùng đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần tích cực vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; mở rộng và tăng cường quan hệ hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân ta với nhân dân các nước, làm cho cộng đồng quốc tế hiểu biết hơn về đất nước, con người Việt Nam, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta và những thành tựu của công cuộc đổi mới; tăng cường hợp tác, tạo thêm nguồn lực, sự đồng tình, ủng hộ quốc tế đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; nâng cao vai trò, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, cơ hội và thách thức đan xen, Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 5-1-2022 của Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và tổ chức nhân dân thực hiện tốt 8 nhiệm vụ.
Theo đó, tập trung quán triệt, tạo chuyển biến nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân, một trong 3 trụ cột đối ngoại, tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, toàn diện của Đảng, sự quản lý tập trung, hiệu quả của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa 3 trụ cột đối ngoại và giữa các tổ chức nhân dân với vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển quan hệ đối tác đối ngoại nhân dân, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả trong các lĩnh vực. Nâng tầm đối ngoại đa phương thông qua sự tham gia tích cực, hiệu quả của các tổ chức nhân dân trong các cơ chế, khuôn khổ hợp tác đa phương quốc tế và khu vực quan trọng; đóng góp có trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể trong các hoạt động hợp tác, phong trào chung của nhân dân tiến bộ trên thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội...
Bài và ảnh: THÁI MINH
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/vun-dap-moi-quan-he-dac-biet-viet-nam-lao-797418