Vùng áp thấp tiến gần Biển Đông, nguy cơ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới

Vùng áp thấp tiến gần Biển Đông, nguy cơ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới
7 giờ trướcBài gốc
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào lúc 1 giờ sáng ngày 4/7, vị trí vùng áp thấp nằm ở khoảng 19,5–20,5 độ vĩ Bắc và 119,6–120,6 độ kinh Đông, ngay trên khu vực phía bắc Biển Đông. Hệ thống này hiện đang nằm trên trục của dải hội tụ nhiệt đới – nguyên nhân gây ra thời tiết xấu tại nhiều vùng biển.
Ảnh minh họa.
Trong ngày và đêm 4/7, do tác động của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với vùng áp thấp nêu trên, thời tiết trên nhiều vùng biển sẽ chuyển xấu. Dự báo, vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Nam Quảng Trị đến Quảng Ngãi, khu vực phía Đông Bắc và Bắc Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa), cùng với vùng biển phía Đông khu vực giữa Biển Đông sẽ xuất hiện mưa rào và dông rải rác.
Đáng lưu ý, trong các cơn dông, khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh ở cấp 6–7 là rất cao, kèm theo đó là sóng biển cao vượt quá 2m.
Tại vùng biển từ Lâm Đồng đến Cà Mau, gió Tây Nam hoạt động với cường độ mạnh cấp 5, có lúc tăng lên cấp 6, giật cấp 7, khiến sóng biển cao từ 2–3m, biển động. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở vùng biển Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, nơi gió có thể đạt cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 7–8.
Vùng biển từ Cà Mau đến An Giang và cả vịnh Thái Lan cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng, với mưa dông rải rác và nguy cơ cao xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan.
Với diễn biến thời tiết phức tạp trên nhiều khu vực biển, các chuyên gia khí tượng khuyến cáo ngư dân và thuyền trưởng cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo, đồng thời chủ động điều chỉnh kế hoạch di chuyển để tránh khu vực có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật mạnh và biển động mạnh. Mọi phương tiện hoạt động ở những vùng biển chịu ảnh hưởng đều đứng trước nguy cơ cao bị tác động bởi thời tiết nguy hiểm trong 1–2 ngày tới.
BN
Nguồn Kinh tế Môi trường : https://kinhtemoitruong.vn/vung-ap-thap-tien-gan-bien-dong-nguy-co-manh-len-thanh-ap-thap-nhiet-doi-100086.html