Vùng Đồng bằng sông Hồng có 4 địa phương tăng trưởng GDP trên 2 con số

Vùng Đồng bằng sông Hồng có 4 địa phương tăng trưởng GDP trên 2 con số
16 giờ trướcBài gốc
Đề nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai một số dự án quan trọng
Tại Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng diễn ra vào ngày 14/1, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Với tiềm năng, lợi thế vượt trội về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm của Vùng Đồng bằng sông Hồng đạt khoảng 7,9% cao hơn mức bình quân chung cả nước (7,09%); đứng thứ 2 trong 6 vùng kinh tế.
Cả vùng có 4 địa phương tăng trưởng 2 con số, nằm trong Top 10 của cả nước, như: Hải Phòng 11,01%, Hà Nam 10,93%, Hải Dương 10,02%, Nam Định 10,01%.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: MPI)
Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) của Vùng đạt 815,65 nghìn tỷ đồng, là năm thứ 2 liên tiếp cao nhất cả nước, tăng hơn 12,8% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, chiếm 40,1% tổng thu ngân sách cả nước. Trong đó: Hà Nội, Hải Phòng nằm trong nhóm 5 địa phương cao nhất nước; đặc biệt, Hà Nội lần đầu tiên vượt mốc 500.000 tỷ đồng.
Giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt trên 132 tỷ USD, là vùng dẫn đầu cả nước, chiếm gần 32,5% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước (405,53 tỷ USD).
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2024 có sự bứt phá mạnh mẽ, dẫn đầu cả nước với tổng vốn đăng ký đạt 20 tỷ USD, chiếm 52,6% cả nước.
Trong đó, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội luôn nằm trong nhóm 05 địa phương cao nhất cả nước, đặc biệt tỉnh Quảng Ninh tăng vượt bậc, lần đầu tiên vươn lên đứng thứ 2 cả nước, đạt 2,29 tỷ USD, sau tỉnh Bắc Ninh với tổng vốn đăng ký gần 5,12 tỷ USD.
Theo Bộ trưởng, năm 2024, kinh tế - xã hội của Vùng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, luôn đi đầu trong thực hiện các đột phá chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng trưởng kinh tế vượt mức bình quân chung cả nước và vượt vùng Đông Nam bộ. Vùng Đồng bằng sông Hồng tiếp tục dẫn đầu về thu ngân sách nhà nước, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài.
"Với nhiều kết quả nổi bật đạt được về phát triển kinh tế nêu trên, có thể khẳng định vị thế, vai trò là vùng động lực, định hướng, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của cả nước và “là một trong các vùng đi tiên phong bước vào kỷ nguyên mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói
Đề nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai một số dự án quan trọng
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trong năm 2024, vùng Đồng bằng sông Hồng đã triển khai một số dự án hạ tầng quan trọng, liên kết vùng đã có chuyển biến rõ rệt.
Vùng Đồng bằng sông Hồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 dự án, đó là dự án cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng với thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, vượt tiến độ 5 tháng, tiếp đó là dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định.
Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội cũng chính thức vận hành thương mại 8,5 km đoạn đi trên cao từ tháng 11/2024, khởi công máy khoan hầm số 2 từ tháng 1/2025.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã giải phóng mặt bằng và bàn giao được đạt 97,6% trên toàn tuyến. Các dự án thành phần xây dựng xây dựng đường song hành đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Đối với dự án thành phần 3 (dự án PPP) đã hoàn thành hồ sơ thiết kế Tiểu dự án đầu tư công; phát hành Hồ sơ mời thầu lựa chọn Nhà đầu tư, phấn đấu khởi công trong Quý II/2025.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị một số dự án cần đẩy nhanh tiến độ triển khai. Thứ nhất là dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định, tỉnh Thái Bình theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Hiện nay, dự án đã hoàn thành thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư. Dự án cũng đã hoàn thành lập, phê duyệt Hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư và phát hành ngày 12/11/2024; dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư vào cuối tháng 1/2025, khởi công dự án trong tháng 2/2025.
Thứ hai là dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình. Hiện, dự án đã hoàn thành thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư.
UBND tỉnh Ninh Bình đang tập trung chỉ đạo Chủ đầu tư, Tư vấn hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, dự toán gửi Bộ Giao thông vận tải để thẩm định. Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư đang được tỉnh Ninh Bình đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành phương án đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Thứ ba là dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua thành phố Hải Phòng. Hiện nay, một phần tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (khoảng 33,5km) trên địa bàn thành phố Hải Phòng, tỉnh Thái Bình đang được Hải Phòng đầu tư xây dựng và khoảng 6,7 km chưa được đầu tư.
UBND thành phố Hải Phòng đã hoàn thành lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với các đoạn tuyến chưa được đầu tư nêu trên. Do vậy, đề có cơ sở triển khai thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao thành phố Hải Phòng là cơ quan chủ quản để thực hiện đầu tư đối đoạn tuyến nêu trên theo quy định của Luật Đường bộ năm 2024.
Thứ tư là các dự án tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Bộ trưởng đề nghị Hải Phòng khẩn trương bàn giao mặt bằng cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để triển khai công tác thi công xây dựng đảm bảo tiến độ chung của các dự án.
Việt Vũ
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/vung-dong-bang-song-hong-co-4-dia-phuong-tang-truong-gdp-tren-2-con-so-post330332.html