Vùng đồng bào Khmer vươn mình sau 50 năm đất nước thống nhất

Vùng đồng bào Khmer vươn mình sau 50 năm đất nước thống nhất
6 giờ trướcBài gốc
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng vẫn còn in đậm trong tâm trí các bậc cao niên ở xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm. Ông Nguyễn Công Tạo - nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã bồi hồi nhớ lại giai đoạn kháng chiến, khi phong trào cách mạng tại địa phương diễn ra sôi nổi và quyết liệt. Theo ông Tạo, dù đời sống vô vàn thiếu thốn, nhưng đồng bào Khmer vẫn sẵn lòng sẻ chia từng hạt gạo, hạt muối để tiếp sức cho các chiến sĩ nơi tuyến đầu. Tình cảm đó không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn, mà còn là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết quân - dân, hun đúc nên sức mạnh vượt qua gian khó, góp phần làm nên thắng lợi của dân tộc.
Ngày nay, những con đường đất lầy lội, những mái trường tạm bợ trong thời chiến chỉ còn trong ký ức. Thay vào đó là những con đường nhựa thẳng tắp, ôtô vào tận trung tâm xã; là những dãy phòng học khang trang, sạch đẹp. Nhờ các chính sách dân tộc được triển khai kịp thời và hiệu quả, người dân xã Vĩnh Quới dần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Nhiều nông dân vùng đồng bào Khmer tích cực sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: HẢI HÀ
Trải qua nửa thế kỷ, xã Vĩnh Quới đang dần chuyển mình mạnh mẽ. Theo đồng chí Trần Minh Chiêu - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quới, thời gian qua, hơn 98% lao động ở xã trong độ tuổi làm việc đã có việc làm ổn định. Gần như toàn bộ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1%. Nhiều hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở, vay vốn để phát triển kinh tế. Đặc biệt, xã đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, đánh dấu một bước tiến lớn trong xây dựng và phát triển quê hương.
Ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, nơi có hơn 90% dân số là đồng bào Khmer sinh sống, những đổi thay cũng diễn ra rõ nét. Ông Lý Đương, ở ấp Bưng Cóc chia sẻ: “Ngày mới giải phóng, kinh tế nơi đây còn lạc hậu, cuộc sống thiếu thốn trăm bề”. Theo ông Đương, cũng nhờ công cuộc đổi mới và chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, từng hộ dân nơi đây đã dần thoát khỏi cái nghèo. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, giao thông thông suốt, việc học hành, khám, chữa bệnh trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn bao giờ hết.
Nhiều tuyến đường nông thôn có đông đồng bào Khmer sinh sống ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) được đầu tư, nâng cấp thuận tiện cho người dân lưu thông. Ảnh: HẢI HÀ
Đồng chí Thạch Minh Lây - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ cho biết, từ nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia, hệ thống giao thông nông thôn đã được nhựa hóa, bê tông hóa toàn diện. Các mô hình kinh tế hiệu quả như trồng lúa chất lượng cao ST25, phát triển vùng chuyên canh màu, nuôi bò thịt, bò sữa... đã giúp thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt trên 63 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm, chỉ còn 0,15%.
Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo nên những chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào Khmer. Bộ mặt vùng dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Hiện hộ nghèo là đồng bào Khmer giảm còn 1.961 hộ, chiếm tỷ lệ 1,91%. Kết cấu hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, toàn tỉnh có 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã; 100% xã, phường, thị trấn và 100% ấp, khóm có điện lưới quốc gia; có 75/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 38 xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới; 10 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ hộ dân nông thôn nói chung và hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,8%. Chất lượng y tế và giáo dục được cải thiện đáng kể. Những thành tựu này là kết quả của sự nỗ lực chung của toàn Đảng bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là sự đóng góp quan trọng của đồng bào Khmer, các vị chức sắc, sư sãi, cán bộ, chiến sĩ.
Học sinh dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được học tập trong môi trường giáo dục thân thiện, cơ sở vật chất hiện đại. Ảnh: HẢI HÀ
Tại buổi họp mặt mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2025, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng đã kêu gọi toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và các vị sư sãi người Khmer tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Mỗi người hãy nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đồng thời hãy tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, không ngừng học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đề nghị các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực triển khai thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào. Triển khai đồng bộ và hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn tỉnh, nhất là dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Với sự nỗ lực không ngừng, cùng sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào Khmer tại Sóc Trăng sẽ còn tiếp tục vươn mình mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
HẢI HÀ
Nguồn Sóc Trăng : https://baosoctrang.org.vn/tin-moi/202504/vung-dong-bao-khmer-vuon-minh-sau-50-nam-dat-nuoc-thong-nhat-aa14a81/