Vùng Thủ đô - tâm điểm phát triển bất động sản mới

Vùng Thủ đô - tâm điểm phát triển bất động sản mới
5 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh hội thảo
Ngày 15/5, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo: "Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô".
"Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" kiến tạo động lực tăng trưởng
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, nhấn mạnh lợi thế vượt trội của Vùng Thủ đô. Yếu tố then chốt nằm ở vị thế trung tâm với Thủ đô Hà Nội và mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối hiện đại. Minh chứng rõ ràng là Vùng Thủ đô hiện sở hữu 7 đường vành đai, vượt trội so với con số 4 của Vùng TP. Hồ Chí Minh. Chính điều này được kỳ vọng sẽ định hình các trung tâm phát triển mới, tạo đà bùng nổ cho thị trường bất động sản khu vực. Ngay tại Hà Nội, các khu vực như Đông Anh, Sóc Sơn, Đan Phượng đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ.
Bên cạnh hạ tầng giao thông, PGS. TS. Trần Đình Thiên còn chỉ ra nguồn nhân lực chất lượng cao hội tụ tại Vùng Thủ đô là một lợi thế cạnh tranh không thể phủ nhận. Ông Thiên khẳng định, sự kết hợp của "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" cùng với định hướng phát triển "thông ra biển, hướng lên trời" sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn cho vùng.
Đặc biệt, chính sách sáp nhập tỉnh thành gần đây càng củng cố tiềm năng này, tạo ra sức cộng hưởng lợi thế và một cấu trúc phát triển đa dạng, vươn tầm đẳng cấp. Việc định hình lại tỉnh lỵ sau sáp nhập cũng hứa hẹn mang đến những cơ hội phát triển mới cho thị trường bất động sản cả về quy mô và chất lượng.
Cùng chung quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, nhận định Vùng Thủ đô sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới cho kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Trước khi sáp nhập, vùng này bao gồm khoảng 10 tỉnh, thành phố với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, đạt hơn 9,4% trong quý I/2025.
Theo Nghị quyết 60/NQ-TW ngày 12/4/2025, Vùng Thủ đô sau sáp nhập dự kiến gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội; Hưng Yên (gồm Hưng Yên và Thái Bình); Ninh Bình (gồm Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định); Phú Thọ (gồm Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hòa Bình); Bắc Ninh (gồm Bắc Ninh và Bắc Giang); Thái Nguyên (gồm Thái Nguyên và Bắc Kạn) và Quảng Ninh.
Để hiện thực hóa tiềm năng, Vùng Thủ đô đang và sẽ triển khai hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm. Đơn cử, dự án Vành đai 4 có tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 95.000 tỷ đồng, hiện đang được triển khai qua 4 tỉnh, thành phố. Dự án Vành đai 5 với chiều dài gấp đôi (khoảng 272km) và tổng vốn đầu tư dự kiến 86.000 tỷ đồng cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện. Bên cạnh đó, tuyến Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với tổng mức đầu tư khoảng 203.000 tỷ đồng cũng nằm trong kế hoạch triển khai sắp tới.
Đặc biệt, dự án nâng cấp Sân bay Gia Bình thành sân bay quốc tế với diện tích 363,5ha được đánh giá là một dự án có ý nghĩa chiến lược. Ngoài ra, dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam quy mô hơn 1.500km, đi qua 20 tỉnh, thành phố cùng nhiều dự án hạ tầng khác hứa hẹn sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển toàn diện của Vùng Thủ đô.
"Sân chơi" mới của các "ông lớn" địa ốc
Theo KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, Vùng Thủ đô đang định hình rõ nét vai trò trung tâm kinh tế, chiến lược quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh đổi mới cấu trúc và liên kết vùng. Sự sáp nhập hành chính, kết nối hạ tầng, nhất là các tuyến đường sắt cao tốc xuyên biên giới, đang tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường bất động sản toàn khu vực.
Với hàng loạt dự án hạ tầng nghìn tỷ đang được triển khai, Vùng Thủ đô đang trỗi dậy mạnh mẽ
Vùng Thủ đô chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đô thị vệ tinh như Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình. Trong đó, Hưng Yên nổi bật với tiềm năng phát triển đô thị bài bản nhờ vị thế "nhất Kinh kỳ, nhì Phố Hiến".
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), cho biết Hà Nội và 9 tỉnh lân cận đóng góp hơn 40% tổng nguồn cung bất động sản nhà ở mở bán trong năm 2024 và đầu năm 2025. Toàn vùng hiện có hơn 300 dự án nhà ở đang triển khai, chiếm trên 30% tổng nguồn cung cả nước. Riêng năm 2024, khu vực này chiếm khoảng 60% nguồn cung nhà ở mới và 68% tổng lượng giao dịch bất động sản toàn quốc.
Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế đô thị đặc biệt với hệ thống hạ tầng phát triển đồng bộ. Giai đoạn 2024-2026, nguồn cung nhà ở tại Thủ đô dự kiến vượt 30.000 sản phẩm, tập trung ở các đại đô thị kiểu mẫu "all-in-one". Các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang đang nổi lên với làn sóng phát triển đô thị vệ tinh và hệ sinh thái đô thị liền kề, góp phần tái định hình cấu trúc đô thị toàn vùng theo hướng hiện đại, bền vững.
Ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes, nhận định Vùng Thủ đô đang đón nhận cơ hội lớn từ quy hoạch và hạ tầng giao thông. Tại các khu vực hạ tầng hoàn thiện, giá trị bất động sản tăng trưởng ổn định 15-20% trong 12 tháng qua. Đặc biệt, trục kết nối Hà Nội - Hưng Yên ghi nhận tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng bất động sản cao gấp 1,5 lần so với bình quân thị trường, trở thành điểm nóng đầu tư mới.
Lợi thế lớn tại các thị trường mới nổi là quỹ đất rộng và chưa khai thác hết, thu hút các "ông lớn" bất động sản như Vingroup, Ecopark, Phú Mỹ Hưng, Hòa Phát phát triển các dự án quy mô lớn. Quỹ đất dồi dào cho phép quy hoạch bài bản, thiết kế đồng bộ, đáp ứng xu hướng sống chất lượng cao với mật độ xây dựng thấp, ưu tiên không gian xanh và tiện ích công cộng. Đây là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản, đặc biệt ở phân khúc khu công nghiệp và đô thị vệ tinh.
Một lợi thế cạnh tranh khác là mặt bằng giá đất tại các khu vực mới nổi thấp hơn Hà Nội 3-5 lần, tùy vị trí và tiềm năng, tạo "cơ hội kép" cho cả nhà đầu tư và người mua nhà. Chính quyền địa phương cũng tích cực đưa ra chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ hạ tầng và đơn giản hóa thủ tục pháp lý để thu hút đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án và nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất. Với những lợi thế trên, ông Lê Đình Chung tin rằng Vùng Thủ đô đang dần hình thành "vành đai phát triển mới" của thị trường bất động sản miền Bắc, trở thành tâm điểm đầu tư trong giai đoạn tới.
"Với khung sườn phát triển ngày càng rõ nét, dư địa và tiềm năng còn rất lớn, Vùng Thủ đô mở rộng chắc chắn sẽ là điểm đến chiến lược tiếp theo cho các nhà đầu tư bất động sản dài hạn, đặc biệt là các phân khúc bất động sản công nghiệp, nghỉ dưỡng và đô thị vệ tinh", KTS. Trần Ngọc Chính nhận định.
Hải Yến
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/vung-thu-do-tam-diem-phat-trien-bat-dong-san-moi-164235.html