Vùng Thủ đô: Trục phát triển chiến lược mới của quốc gia

Vùng Thủ đô: Trục phát triển chiến lược mới của quốc gia
8 giờ trướcBài gốc
"Tầm quan trọng của Vùng Thủ đô đối với quốc gia là rất rõ nét. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 7,4% diện tích cả nước, Vùng Thủ đô tập trung tới 21,1% dân số và đóng góp khoảng 25% GDP của Việt Nam. Khu vực này đang dần hình thành một trục động lực phát triển kinh tế - đô thị - công nghệ cao không chỉ cho miền Bắc mà cho cả nước", TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch VNREA, nhận định.
Trong bức tranh phát triển Vùng Thủ đô, các đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội đang nổi lên là những điểm đến đầu tư sôi động nhất. Nhờ hạ tầng kết nối ngày càng hoàn thiện và quỹ đất dồi dào, những năm gần đây các tỉnh lân cận Hà Nội thu hút mạnh dòng vốn đầu tư vào bất động sản. Nhiều nhà đầu tư đã và đang “đổ xô” về vùng ven, tạo nên làn sóng dịch chuyển rõ nét khỏi khu vực nội đô chật chội.
Hội thảo: "Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô".
Vùng Thủ đô ghi nhận vai trò ngày càng lớn của loạt đô thị vệ tinh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang… Đây đều là các địa phương nằm ở vị trí “cửa ngõ” của Thủ đô, đồng thời tích cực cải thiện hạ tầng giao thông và môi trường đầu tư. Nhờ đó, mức độ quan tâm tới thị trường bất động sản tại các tỉnh này đã tăng trưởng vượt trội so với Hà Nội.
Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, mức độ quan tâm và đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm 2024, đầu năm 2025. Xu hướng này còn tiếp tục trong Quý I/2025 khi nhu cầu tập trung nhiều ở các khu vực dọc tuyến đường Vành đai 4 và các hành lang công nghiệp kết nối Hà Nội với Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương. Rõ ràng, dòng tiền và nhu cầu đang dịch chuyển về các đô thị vệ tinh, biến các đô thị vệ tinh thành tâm điểm của thị trường.
Sức hút của các đô thị vệ tinh của Hà Nội là quỹ đất rộng và giá còn hợp lý so với nội đô. Các tỉnh như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam… có thể cung cấp mặt bằng lớn để phát triển những khu đô thị hiện đại, tiện nghi mà trung tâm Hà Nội khó lòng đáp ứng do hạn chế quỹ đất.
Cùng với đó, hạ tầng giao thông liên vùng đồng bộ đã rút ngắn khoảng cách giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận. Hàng loạt dự án trọng điểm đã và đang triển khai: Đường Vành đai 3, Vành đai 4, các tuyến cao tốc liên tỉnh hướng tâm (Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, v.v.) và hệ thống đường sắt đô thị tương lai kết nối vùng lõi với vùng ven. Nhờ đó, việc sinh sống tại Bắc Ninh, Hưng Yên hay Vĩnh Phúc và làm việc tại Hà Nội đang dần trở nên thuận tiện.
"Vùng Thủ đô là vùng có lợi thế tuyệt đối, bởi trước hết là có Thủ đô Hà Nội và hạ tầng giao thông kết nối cao. Hiện nay, Vùng Thủ đô có 7 đường vành đai bao quanh, trong khi Vùng TP.HCM chỉ mới có 4 đường. Chính điều này sẽ định hình các trung tâm phát triển - tọa độ cho các thị trường bất động sản khu vực này bùng nổ trong thời gian tới. Ngay chính Hà Nội, các địa phương như Đông Anh, Sóc Sơn, Đan Phượng hiện cũng đang trở mình và phát triển mạnh mẽ", PGS. TS. Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, nhận xét.
Bên cạnh đó, tại nội đô Hà Nội, giá bất động sản leo thang và mật độ dân số quá cao cùng với ô nhiễm môi trường đã và đang thúc đẩy người dân “giãn ra” các đô thị vệ tinh để tìm kiếm không gian sống trong lành, chất lượng hơn. Xu hướng này không chỉ giúp giảm tải áp lực cho trung tâm, mà còn mở ra cơ hội phát triển cho các tỉnh xung quanh.
Đặc biệt, chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính ở vùng Thủ đô sẽ mang lại dư địa phát triển đô thị to lớn và tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Theo nhận định của các chuyên gia, quá trình sáp nhập tỉnh sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và thị trường bất động sản Vùng Thủ đô được dự báo sẽ có sự chuyển mình mạnh mẽ.
Theo Nghị quyết 60/NQ-TW ngày 12/4/2025, sau sáp nhập Vùng Thủ đô dự kiến gồm 7 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội; Hưng Yên (Hưng Yên + Thái Bình); Ninh Bình (Hà Nam + Ninh Bình + Nam Định); Phú Thọ (Vĩnh Phúc + Phú Thọ + Hòa Bình); Bắc Ninh (Bắc Ninh + Bắc Giang); Thái Nguyên (Thái Nguyên + Bắc Kạn); Quảng Ninh.
Về diện tích, sáu sáp nhập, Phú Thọ (Vĩnh Phúc + Phú Thọ + Hòa Bình) có diện tích rộng lớn nhất. Về dân số, Hà Nội vẫn đông nhất với 8,7 triệu dân. Đứng thứ hai là Ninh Bình (Hà Nam + Ninh Bình + Nam Định).
"Nếu Vùng Thủ đô tạo ra được những cực tăng trưởng tốt, đất nước cũng sẽ có thêm động lực tăng trưởng", TS. Cấn Văn Lực - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng nhận định.
Vùng Thủ đô là khu vực liên kết phát triển kinh tế - xã hội gồm thành phố Hà Nội và các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên.
Vùng Thủ đô được định hướng phát triển thành Vùng có tầm quan trọng quốc gia, là đô thị hạt nhân - trung tâm chính trị, văn hóa - lịch sử, khoa học, giáo dục - đào tạo và du lịch lớn của cả nước; phát triển năng động, có nền kinh tế thịnh vượng và đổi mới; có chất lượng đô thị và nông thôn cao, môi trường sống tốt cho cộng đồng; có hệ thống giao thông thuận lợi và kết nối tốt; có môi trường cảnh quan chất lượng cao, hòa vào thiên nhiên Đồng bằng sông Hồng và Trung du và miền núi phía Bắc; sáng tạo và đặc thù, có đặc trưng riêng và giàu bản sắc.
Tú Ân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/batdongsan/vung-thu-do-truc-phat-trien-chien-luoc-moi-cua-quoc-gia-d283977.html