Vùng chuyên canh na ở xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.
Từ năm 2018 trở lại đây, các HTX và các hộ dân liên kết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nâng cao sản lượng, quản lý chất lượng sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định. Năm 2018, na Mai Sơn được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Na Mai Sơn Sơn La”; UBND huyện cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho 3 HTX trên địa bàn huyện, gồm: HTX Anh Trang, HTX Mé Lếch, HTX Thanh Sơn.
Hiện nay, vùng sản xuất na ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn 12 bản, tiểu khu thuộc thị trấn Hát Lót, các xã Cò Nòi, Nà Bó và Chiềng Lương, với sự tham gia của HTX Anh Trang, tiểu khu 32; HTX Mé Lếch, bản Mé Lếch và HTX OHAYO, tiểu khu Bình Minh, xã Cò Nòi cùng 165 hộ gia đình, cá nhân.
Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, cho biết: Phòng phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện quy hoạch, xây dựng vùng na chuyên canh tập trung; đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật trồng cho nông dân theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ và vận động các hộ liên kết sản xuất. Vùng trồng na ứng dụng công nghệ cao, được trồng tập trung thuộc bản đồ khu vực địa lý mang nhãn hiệu chứng nhận “Na Mai Sơn” đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ; được kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với môi trường nước, môi trường đất, vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... năng suất đạt bình quân 14 tấn/ha.
Nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây na.
Quy trình kỹ thuật áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, một số diện tích áp dụng theo tiêu chuẩn hữu cơ được Trung tâm vùng I, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn sản xuất đảm bảo đúng quy định. Toàn bộ các hộ sản xuất sử dụng phế phẩm để ủ phân hữu cơ; sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ dịch hại; sử dụng các loại bẫy bả để bắt côn trùng, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu.
Bà Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc HTX Anh Trang, chia sẻ: Từ năm 2018, HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm na cho 18 hộ với quy mô 30 ha. HTX nhập phân bón đầu vào, cung ứng cho các hộ sản xuất. Đồng thời, thiết lập hệ thống sổ sách, biểu mẫu, toàn bộ hoạt động trồng, chăm sóc, làm cỏ, bón phân, phun thuốc, thu hái đều được nông hộ ghi chép vào sổ nông hộ. Công tác phòng trừ sâu bệnh, có đội chuyên gia của HTX hướng dẫn phun thuốc trên cây na.
Hiện nay, hầu hết các tuyến đường vào vùng na ứng dụng công nghệ cao huyện Mai Sơn, đã được bê tông hóa; 100% các hộ sản xuất sử dụng máy cày làm đất, máy xới đất, máy phát cỏ, sử dụng bình máy để phun thuốc bảo vệ thực vật, có hệ thống tưới phun, nhỏ giọt, có địa điểm sơ chế, chế biến đúng quy trình.
Nông dân xã Còi Nòi, huyện Mai Sơn bao trái cho na.
Các hộ dân trong vùng, ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. 100% số hộ dân tham gia vùng sử dụng app theo dõi thông tin thị trường, dự báo thời tiết và thành lập nhóm hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, chia sẻ trao đổi kinh nghiệm sản xuất; ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, điều khiển hệ thống tưới tự động và phun phòng trị sâu bệnh hại trên cây na. Các HTX đều có tem truy xuất nguồn gốc.
HTX Mé Lếch, xã Cò Nòi có 20 thành viên với 70 ha na dai, 70 ha na Thái Lan và hơn 60 ha na Đài Loan vị dứa, vị sầu riêng, được sản xuất theo quy trình VietGAP. Anh Nguyễn Hữu Tứ, Giám đốc HTX Mé Lếch, cho hay: Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, sản phẩm quả na của HTX đều được dán tem “Na Đại Sơn”, chủ yếu xuất bán về các siêu thị, chợ đầu mối các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Việc công nhận vùng sản xuất na ứng dụng công nghệ cao, tạo tiền đề nâng cao sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm, đưa thương hiệu “Na Mai Sơn” vươn xa, chinh phục các thị trường.
Bài, ảnh: Phạm Đức